07:16 30/07/2021

Muôn người chung một ý chí quyết thắng đại dịch COVID-19

Kể từ khi phát hiện ca mắc đầu tiên vào cuối tháng 1/2020, Việt Nam đã trải qua những thời khắc khác nhau của cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Có những giai đoạn khó khăn, thách thức nhưng cả đất nước đã cùng làm nên chiến thắng trong 3 đợt dịch trước đó.

Chú thích ảnh
Mẹ Quýt năm nay đã 97 tuổi nhưng vẫn rất nhanh nhẹn. Vào mỗi sáng, mẹ lại cặm cụi bên xấp vải, tỉ mẩn vẽ, cắt để chuẩn bị may những chiếc khẩu trang kháng khuẩn tặng người nghèo chống dịch. Ảnh: PV/Báo Tin tức

Hơn 18 tháng qua, bài học kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, cả đất nước cùng đồng lòng, quyết tâm ý chí chính là chiến lược quan trọng trong cuộc chiến với đại dịch chưa từng có trong tiền lệ. Bởi làm nên chiến thắng trong cuộc chiến này không chỉ có sự vào cuộc kịp thời của hệ thống chính trị mà rất cần sự chung tay, góp sức của toàn dân tộc - muôn người như một, cùng chung ý chí quyết thắng đại dịch.

Nhiều người không khỏi xúc động khi nhớ lại hình ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt, 95 tuổi, ở Thành phố Hồ Chí Minh, cặm cụi may khẩu trang, gửi tặng người dân chống dịch. Hay gần đây nhất, câu chuyện về tấm lòng thơm thảo của bà Nguyễn Thị Hạt, ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - nơi rốn lũ của đất nước, chở đến quầy tiếp nhận của UBND xã Tân Long con lợn đang nuôi nặng hơn 120kg “làm quà” gửi Thành phố Hồ Chí Minh. Đó còn là tấm lòng của em Huỳnh Đức Trí, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) dành tiền tiết kiệm để ủng hộ Quỹ Vaccine phòng COVID-19 hay những chuyến xe tải ý nghĩa chở đầy ắp cá, rau, hoa quả, gạo, nông sản quê hương khắp cả nước “cập bến” các bếp nấu thiện nguyện, gian hàng 0 đồng để nấu ăn cho bà con Thành phố Hồ Chí Minh đang được cách ly…

Trong khó khăn, thử thách do dịch bệnh gây ra, hàng ngày, hàng giờ, trên cả nước xuất hiện hàng trăm, hàng nghìn câu chuyện đẹp và cảm động đã được lan tỏa. Những phẩm chất tốt đẹp của người Việt càng tỏa sáng, càng thấy được ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn từ những quyết sách của Đảng và Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Đến đợt dịch lần thứ 4 (từ cuối tháng 4/2021) với biến chủng Delta có khả năng lây lan rất nhanh, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 62 trong số 63 tỉnh, thành phố, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế-xã hội và mọi mặt của đời sống. Dịch đã tấn công vào khu kinh tế trọng tâm phía Bắc và hiện nay là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận.

Ngày 26/7, Việt Nam vượt ngưỡng 100.000 ca mắc COVID-19 trên toàn quốc và con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên mỗi ngày. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm cố gắng kiểm soát sớm tình hình. Đáng chú ý, 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam (từ ngày 19/7) và Thủ đô Hà Nội (từ ngày 24/7) đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Bộ Y tế huy động 10.000 cán bộ, nhân viên y tế của Trung ương và địa phương chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, thiết lập kho dã chiến để hỗ trợ các địa phương khi vượt quá khả năng. Mới đây nhất, 3 trung tâm hồi sức tích cực tại Thành phố Hồ Chí Minh được thiết lập, mỗi trung tâm có 500 giường do Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế điều hành… nhằm hạn chế số ca tử vong do COVID-19.

Trong bối cảnh cấp bách do dịch bệnh gây ra, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục có những “giải pháp chưa từng có trong tiền lệ” để ứng phó linh hoạt với diễn biến của dịch bệnh. Ngày 29/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tha thiết kêu gọi: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.

Tổng Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 từ Trung ương tới cơ sở phải quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực; chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh; linh hoạt, sáng tạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công việc hệ trọng này.

Tổng Bí thư tin tưởng rằng cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của đất nước ta, dân tộc ta.

Trước đó, trong phiên bế mạc Kỳ họp thứ nhất chiều 28/7, Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết chung của cả kỳ họp, trong đó có nội dung về phòng, chống COVID-19. Theo nghị quyết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trong thời gian qua; đồng thời, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng... 

Bên cạnh đó, Chính phủ được quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch. Trong trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch COVID-19 khác với quy định của luật, trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện…

Các quyết nghị của Quốc hội và hành động của Chính phủ nhằm mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân, đặc biệt người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế và lực lượng tuyến đầu chống dịch… trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch.

Chú thích ảnh
Những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn được các đơn vị trong ban tổ chức giúp đỡ nhiệt tình khi lựa chọn thực phẩm tại "Gian hàng 0 đồng" ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: PV/Báo Tin tức

Mới đây nhất, trong chuyến công tác tại vùng tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh, sáng 30/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, hệ thống chính trị ở cơ sở, tất cả các tổ chức thực hiện thiện nguyện đều phải chung tay phòng chống dịch. “Không dược để dân đói, không được để dân ốm và không có người chăm sóc. Không được để người dân thiếu cùng cực; đảm bảo điện, nước, viễn thông, đảm bảo an ninh, trật tự cho người dân. Lực lượng thiện nguyện trên địa bàn cần được tổ chức cấp thẻ, được tiêm vaccine như lực lượng tuyến đầu”. Thị sát tại các địa phương, Chủ tịch nước mong muốn người dân phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau trong khó khăn, phấn đấn thực hiện tốt Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

Cũng sáng 30/7, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về phòng, chống dịch COVID-19 và phương án tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được Quốc hội khóa XV quyết nghị tại Kỳ họp thứ nhất liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, đảng, chính quyền các cấp và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải thống nhất, linh hoạt, sáng tạo, bám sát thực tiễn; tổ chức thực hiện nghiêm; giám sát chặt chẽ việc thực hiện các giải pháp và quy định; xử lý nghiêm, kịp thời sai phạm. Các cấp, ngành cần phối hợp thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo quy định. Thủ tướng nhấn mạnh cần nhìn nhận vấn đề thực chất, sát với tình hình thực tế, trên tinh thần “bám sát, tôn trọng và xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo” để có nhận thức, cách tiếp cận, giải pháp mới trong phòng, chống dịch, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép.

Từ những quyết sách đồng bộ, hành động cụ thể, sát sao của cả hệ thống chính trị, niềm tin của nhân dân ngày càng lớn hơn thông qua việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch. Đây không chỉ là tài sản quý mà còn là nền tảng vững chắc để Đảng, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả, quyết liệt các biện pháp chống dịch.

Khi bước vào cuộc chiến với đại dịch COVID-19, Việt Nam không phải quốc gia giàu tiềm lực, kinh nghiệm hay có trình độ chuyên môn cao nhất, nhưng chắc chắc, niềm tin và sự đoàn kết của toàn dân là thứ “vũ khí” không phải quốc gia nào cũng có được.

Ngay từ đầu, “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết” là nhiệm vụ “bất biến”, mục tiêu xuyên suốt của toàn quân, toàn dân ta trong cuộc chiến này. Tính chất và diễn biến của dịch bệnh phức tạp từng ngày, chúng ta linh hoạt “ứng vạn biến”, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Với chính sách chủ động, kịp thời, cả hệ thống chính trị khẩn trương, sẵn sàng vào cuộc, đưa ra các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ; người dân đồng thuận, hưởng ứng và tuyệt đối tuân thủ các biện pháp, vượt qua mọi khó khăn để đẩy lùi dịch bệnh.

“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, nếu chỉ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai mọi biện pháp mà không có sự chung sức đồng lòng của nhân dân, tuân thủ mọi biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, chúng ta khó có thể làm nên chiến thắng lần thứ 4. Vì vậy, toàn dân tộc - muôn người như một, chung ý chí, chung một quyết tâm sẽ tạo nên “thế gọng kìm” với hai phía vững chắc, đập tan “giặc vô hình COVID-19”.

Diệp Trương (TTXVN)