04:09 19/04/2011

Mười khó khăn của nhóm BRICS

Mạng “Thời báo Hoàn cầu” vừa đăng bài viết của tác giả Lâm Dược Cần, Chủ nhiệm Phòng Kinh tế của Tạp chí "Khoa học xã hội Trung Quốc" phân tích về tương lai của nhóm BRICS (Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Mạng “Thời báo Hoàn cầu” vừa đăng bài viết của tác giả Lâm Dược Cần, Chủ nhiệm Phòng Kinh tế của Tạp chí "Khoa học xã hội Trung Quốc" phân tích về tương lai của nhóm BRICS (Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), trong đó khẳng định nhóm này trong quá trình phát triển tới đây sẽ phải vượt qua rất nhiều “cửa ải” quan trọng.

Thứ nhất, môi trường kinh tế quốc tế không ổn định đe dọa sự phát triển ổn định. Tiến trình hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính của các nước phát triển sẽ ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng ổn định của kinh tế thế giới cũng như nhóm BRICS, trong đó nổi bật nhất là một loạt vấn đề như khủng hoảng nợ công EU có thể kéo dài, thâm hụt tài chính lớn ở các nước Âu - Mỹ, nạn thất nghiệp nghiêm trọng... Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng chủ yếu trên thế giới tăng cao cũng tăng thêm áp lực lạm phát và sự rủi ro cho nền kinh tế “quá nóng” của nhóm BRICS. Trong môi trường kinh tế thế giới như vậy, nhóm BRICS phải đối mặt với hai lựa chọn khó khăn: Thả nổi lạm phát thì kinh tế sẽ phát triển quá nóng, nguy cơ bong bóng tăng cao; kiềm chế lạm phát sẽ làm giảm mức độ tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho người lao động.

Thứ hai, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch “ngóc đầu trở lại” gây bất lợi trong việc lợi dụng thị trường bên ngoài. Để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình, các nước phát triển áp dụng một loạt biện pháp đối phó với những nền kinh tế mới nổi như chống bán phá giá, chống bảo hộ đặc thù kết hợp với chiến tranh tỷ giá, chiến tranh tiền tệ, nâng cao rào cản kỹ thuật và tiêu chuẩn vệ sinh, bảo vệ môi trường... Điều này sẽ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực cho nhóm BRICS với các thành viên vốn lấy việc mở rộng xuất khẩu để đẩy nhanh tốc độ phát triển.

Thứ ba, đầu tư quốc tế gặp trở ngại. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về dầu mỏ, khí đốt, khoa học kỹ thuật... , các nước BRICS buộc phải tìm kiếm tài nguyên ở nước ngoài. Do đó nảy sinh mâu thuẫn với lợi ích truyền thống của các nước phát triển, bị phương Tây coi là đối thủ và tiến hành bao vây, ngăn chặn. Ngoài ra, đầu tư quốc tế của nhóm BRICS cũng sẽ gặp phải những rủi ro lớn khi cục diện chính trị của đối tượng đầu tư biến động.

Thứ tư, thúc đẩy phát triển sáng tạo gặp nhiều khó khăn. So với các nước phát triển, sự tăng trưởng kinh tế của các nước mới nổi cơ bản vẫn thuộc về hình thức tăng trưởng thô về số lượng, đuổi kịp về quy mô, tốc độ nhưng thua kém về chất lượng, kết cấu và ưu thế bền vững. Sản phẩm công nghệ cao và mới của nhóm BRICS rất yếu, theo chỉ số mức độ sáng tạo của 132 nền kinh tế trên thế giới từ năm 2009 - 2010, Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ, Nga và Braxin lần lượt xếp ở các vị trí 43, 51, 56, 64 và 68.

Thứ năm, điều chỉnh cơ cấu kinh tế gặp khó khăn lớn. Tình trạng không hợp lý trong cơ cấu kinh tế của các nước thuộc nhóm BRICS đang rất nổi bật như ngành dịch vụ lạc hậu so với các ngành khác, mất cân đối giữa đầu tư và tiêu dùng, giữa nội nhu và ngoại nhu... Việc điều chỉnh và ưu việt hóa cơ cấu đang là thách thức chung của các thành viên nhóm BRICS.

Thứ sáu, ưu thế cạnh tranh truyền thống ngày một yếu. Trung Quốc và Ấn Độ trước đây vẫn dựa vào nguồn tài nguyên rẻ và giá nhân công thấp tạo ưu thế cạnh tranh quốc tế khi xuất khẩu lượng hàng hóa nhiều và giá rẻ. Tuy nhiên, Trung Quốc cùng với tiến trình chuyển dịch và công nghiệp hóa sẽ dần kết thúc thời đại nhân lực giá rẻ. Các nước Nga, Braxin và Nam Phi mặc dù phong phú về tài nguyên, nhưng cũng không thể duy trì mãi nền kinh tế dựa vào xuất khẩu tài nguyên, đặc biệt là nguồn tài nguyên không thể tái sinh.

Thứ bảy, khó xóa bỏ hình thức phát triển phụ thuộc vào bên ngoài. Nhìn chung, độ mở của nền kinh tế các nước BRICS tương đối cao, tăng trưởng kinh tế dựa quá nhiều vào xuất khẩu. Kinh tế các nước phát triển năm 2009 rơi vào tình trạng suy thoái, nhu cầu giảm bớt khiến xuất khẩu của Trung Quốc giảm 16%, Nga còn tệ hại hơn khi giảm tới 50%. Braxin, Ấn Độ và Nam Phi cũng vướng phải tình trạng tương tự. Do vậy, giảm bớt mức độ phụ thuộc vào bên ngoài, mở rộng nội nhu và nâng cao năng lực tự chủ để thay đổi vị trí trong phân công giá trị quốc tế là vấn đề nan giải của nhóm BRICS hiện nay.

Thứ tám, quản lý của chính phủ và cơ chế điều tiết chưa thích ứng với yêu cầu phát triển. Hiệu quả của cơ chế quản lý cũng như vận hành thị trường của các nước thuộc nhóm BRICS vẫn chưa thích ứng với yêu cầu phát triển nhanh, lành mạnh và ổn định của kinh tế xã hội. Những hiện tượng nổi bật như doanh nghiệp nhà nước lũng đoạn, định giá phi thị trường, cạnh tranh không công bằng, quan liêu và tham nhũng... không những ảnh hưởng nghiêm trọng kinh doanh lành mạnh mà còn gây tổn hại cho mối quan hệ giữa chính phủ và người dân, giữa chính phủ và thị trường và làm giảm năng lực cạnh tranh quốc tế.

Thứ chín, cạnh tranh nội bộ không lành mạnh gây ảnh hưởng xấu cho xu thế phát triển chung. Giữa các thành viên của nhóm BRICS cũng như nhóm này với các nền kinh tế mới nổi khác vừa có sự hợp tác, bổ trợ vừa tồn tại xu thế cạnh tranh và thay thế lẫn nhau. Sự khác biệt về nhu cầu lợi ích, mục tiêu phát triển, lập trường đối với các sự kiện quốc tế trọng đại; tranh chấp trong phân chia thị trường và nguồn tài nguyên; mâu thuẫn và cạnh tranh không lành mạnh... sẽ trở thành những nhân tố bất lợi đối với nhóm BRICS trong tương lai.

Thứ mười, khó khăn trong thực hiện phát triển hài hòa kinh tế xã hội, giải quyết vấn đề nghèo khó và phân phối không công bằng. Hệ thống bảo hiểm xã hội của các quốc gia BRICS chưa hoàn thiện, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn còn rất lớn, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, giáo dục và y tế lạc hậu, chủ nghĩa quan liêu, tham nhũng tương đối phổ biến. Bên cạnh đó, năm quốc gia này còn có lượng lớn dân số thuộc diện nghèo đói, trên mức cảnh báo của quốc tế.

Xuân Vịnh (P/v TTXVN tại Trung Quốc)