12:10 21/12/2020

Mũi tiêm của danh ca Elvis Presley giúp Mỹ chiến thắng bệnh bại liệt

Trước giờ lên sân khấu để cuốn theo giai điệu bài hát thịnh hành “Hound Dog”, Elvis Presley – chàng ca sĩ đánh cắp biết bao trái tim của giới trẻ Mỹ - đã tiêm một mũi vaccine ngừa bại liệt công khai trên sóng truyền hình. 

Chú thích ảnh
Khoảnh khắc Elvis Presley kéo tay áo lên để tiêm vaccine phòng bại liệt. Ảnh: AFP

Theo tờ Guardian, đó là một trong những trải nghiệm mạo hiểm khác lạ của Elvis Presley. Ông hoàng nhạc rock’n’roll vừa tận hưởng hương vị thành công đầu tiên. Ông khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi liên tiếp giữ ngôi vị quán quân ở các bảng xếp hạng và nhanh chóng trở thành triệu phú. Các đĩa đơn trong đó có Heartbreak Hotel của ông được người hâm mộ săn đón khắp nước Mỹ. Năm 1956, trước giờ lên sóng chương trình Ed Sullivan Show, ông được đề nghị thực hiện một một thử thách y tế bất ngờ. Câu hỏi đặt ra: Ông có đồng ý tiêm phòng bại liệt trước mặt báo giới sát giờ biểu diễn không? Ngôi sao 21 tuổi lập tức đồng ý.

Hình ảnh chụp ông chống tay để tiêm vaccine đã xuất hiện khắp mặt báo ở Mỹ. Điển hình, tờ New York Times chạy dòng tít “Presley tiêm mũi ngừa bại liệt”. Việc công khai tiêm vaccine cho ngôi sao Elvis Presley thời đó là một phần của nỗ lực nhằm giúp sửa chữa một lỗ hổng lớn trong chiến dịch tiêm phòng bại liệt của Mỹ, theo lời nhà sử học Stephen Mawdsley tại Đại học Cambridge tiết lộ. 

Nỗi sợ mang tên bại liệt

Vào thập niên 1950, bại liệt trở thành một trong những căn bệnh lây nhiễm nghiêm trọng nhất đối với trẻ em tại Mỹ. Riêng năm 1952, gần 60.000 trẻ nhỏ nhiễm virus. Trong đó có hàng ngàn đứa trẻ bị liệt, trên 3.000 trẻ tử vong. Trẻ em dù xuất thân từ gia đình giàu có hay nghèo khổ đều có thể mắc bệnh. Triệu chứng của bệnh giống như cảm cúm thông thường: đau họng, sốt, mệt mỏi, nhức đầu, cứng cổ và đau bụng. Tuy nhiên, với một số trường hợp, bệnh bại liệt ảnh hưởng đến não và tủy sống, có thể dẫn đến viêm màng não và cứ 200 người mắc thì có 1 người bị liệt chi. 

Hệ thống bệnh viện phải dựng lên các phòng chăm sóc đặc biệt với máy trợ thở để duy trì sự sống cho các bệnh nhi nhiễm virus. Bại liệt đã trở thành một nỗi sợ hãi của các bậc làm cha mẹ tại Mỹ.  

Chú thích ảnh
Bệnh nhi Martha Ann Lillard nằm điều trị trong cỗ máy "phổi sắt" sau khi mắc bại liệt năm 1953. Ảnh: AP

Làn sóng dịch bại liệt đầu tiên xuất hiện tại Mỹ ở bang Vermont năm 1894 với 132 ca. Một đợt bùng phát lớn hơn đã nổ ra tại thành phố New York năm 1916 với trên 27.000 ca nhiễm và 6.000 ca tử vong. Khi số ca bại liệt tăng mạnh, căn bệnh này đã thay đổi nhận thức của người Mỹ về vấn đề sức khỏe cộng đồng và khuyết tật. 

Bản thân Tổng thống Mỹ thứ 32 Franklin D. Roosevelt đã mắc bại liệt 12 năm trước khi đắc cử. Ông thừa nhận mắc bệnh song giấu kín mức độ ảnh hưởng. Trong nhiệm kỳ, ông Roosevelt đã đặt bại liệt vào danh sách bệnh tật hàng đầu cần đánh bại. Năm 1938, Roosevelt thành lập Quỹ Quốc gia về bệnh bại liệt ở trẻ sơ sinh, đồng thời mở cuộc thi March of Dimes về nghiên cứu bệnh bại liệt.

Tiếp đến, năm 1946, Tổng thống Harry Truman tuyên bố bại liệt là một mối đe dọa đối với nước Mỹ. Ông kêu gọi người dân hãy là mọi thứ có thể để đánh bại căn bệnh này. 

“Cuộc chiến chống lại căn bệnh gây tê liệt ở trẻ sơ sinh không thể là một trận chiến cục bộ. Nó phải diễn ra trên cả nước. Nó phải là cuộc chiến tranh toàn diện tại mọi thành phố, thị trấn và làng mạc. Vì chỉ với một mặt trận thống nhất, chúng ta mới có thể hy vọng chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến nào”, ông Truman phát biểu từ Nhà Trắng. 

Ban đầu, những nỗ lực phát triển vaccine ngừa bại liệt gặp phải nhiều trở ngại. Một loại vaccine được thử nghiệm trên 10.000 trẻ em bởi hai nhà nghiên cứu tại Đại học New York đã không hề cung cấp khả năng miễn dịch, thậm chí còn khiến 9 trẻ tử vong. Một số thử nghiệm vaccine khác lại sử dụng "tình nguyện viên" ở các viện tâm thần.

Mãi đến năm 1955, Tiến sĩ Jonas Salk tại đại học Pittsburgh tuyên bố đã điều chế một loại vaccine tiềm năng và được chính quyền cấp phép. Ông tiến hành một cuộc thử nghiệm trên người lớn nhất lịch sử vào thời điểm đó. Ông tiêm cho gần 2 triệu trẻ em Mỹ. Khi vaccine của ông được kết luận có hiệu quả, Salk đã được ca ngợi như một anh hùng nhân đạo.   

Chú thích ảnh
Chuyên gia về virus Jonas Salk làm việc tại phòng thí nghiệm riêng. Ảnh: AP

Sức mạnh của người nổi tiếng

Trở lại sứ mệnh của ông hoàng Elvis Presley, vaccine của Jonas Salk mới xuất hiện và hiệu quả cao trên 90%, song có quá ít trẻ vị thành niên và người trẻ tuổi đi tiêm bởi họ không nghĩ rằng mình lại có nguy cơ bị bại liệt. Vì vậy, căn bệnh đáng sợ này vẫn hiện hữu. 

Trả lời trang Observer, nhà sử học Stephen Mawdsley cho biết: “Vaccine Salk phòng bại liệt vừa được sản xuất và triển khai tiêm chủng cho hàng triệu trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trẻ vị thành niên – đối tượng cũng dễ mắc bại liệt - lại không muốn tiêm. Giới chức y tế đã tiếp cận Elvis để đề nghị giúp đỡ nhằm khuyến khích nhóm đối tượng vị thành niên – những người rất hâm mộ ca sĩ này”.

Cùng với các chiến dịch khác, ngôi sao rock’n’roll góp phần làm tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, đồng nghĩa với việc làm chậm lại căn bệnh lây nhiễm cao này. 

Theo ông Mawdsley, mũi tiêm của Elvis Presley rõ ràng góp phần thúc đẩy giới trẻ đi tiêm, song vẫn chưa phải yếu tố quyết định thành công. Bước ngoặt thay đổi thực sự lại xuất phát từ bản thân những người trẻ tuổi. Với sự trợ giúp của Quỹ Quốc gia về bệnh bại liệt ở trẻ sơ sinh, họ đã thành lập nhóm mang tên Teens Against Polio (tạm dịch: Giới trẻ chống lại bại liệt) đi vận động từng nhà dân cũng như mở ra các buổi khiêu vũ chỉ cho phép người đã tiêm vaccine được tham gia. 

Kết quả thật đáng ngạc nhiên. Tỷ lệ mắc bệnh bại liệt hàng năm ở Mỹ giảm gần 90% trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến năm 1960. Năm 1962, trung số ca mắc đã giảm rõ rệt. Theo Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC), Mỹ chính thức xóa sổ bệnh bại liệt từ năm 1976.

Khuyến khích người vị thành niên tiêm vaccine vô cùng quan trọng. Sự thành công này cho thấy vẫn có khả năng tiếp cận đối với các nhóm đối tượng khó gây ảnh hưởng nếu như chọn đúng hướng để thu hút họ.  

Khoảnh khắc Elvis Presley tiêm vaccine bại liệt đã được lồng ghép trong bộ phim “Teens Against Polio”. Bộ phim sau này được Đại học Cambrigde dựng lại nhằm cung cấp những cái nhìn hấp dẫn về cách khoảng cách giữa người tiêm vaccine và người không tiêm vaccine được thu hẹp ở Mỹ thông qua việc sử dụng hình ảnh của các ngôi sao như Presley, hay Clark Gable và Mickey Rooney. (Xem video dưới đây. Nguồn: Đại học Cambrigde)

 

Hoàng Trang/Báo Tin tức