03:00 19/03/2012

"Mùi cỏ cháy" giành giải Cánh diều vàng

Lễ trao giải Cánh diều 2011 diễn ra tối ngày 17/3 tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội đã chứng kiến chiến thắng khá "đậm đặc" của “Mùi cỏ cháy” - một bộ phim về đề tài chiến tranh, gây nhiều xúc động cho người xem.

Lễ trao giải Cánh diều 2011 diễn ra tối ngày 17/3 tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội đã chứng kiến chiến thắng khá "đậm đặc" của “Mùi cỏ cháy” - một bộ phim về đề tài chiến tranh, gây nhiều xúc động cho người xem.

Trao giải cánh diều vàng thể loại phim truyện điện ảnh cho bộ phim "Mùi cỏ cháy", biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn NSƯT Nguyễn Hữu Mười. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN


Ở hạng mục phim truyện nhựa, “Mùi cỏ cháy” của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười, do Công ty TNHH một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất, đã vượt qua 11 tác phẩm khác để giành giải Cánh diều vàng. Chiến thắng của “Mùi cỏ cháy” không mấy bất ngờ, bởi những ai đã xem bộ phim đều có chung nhận xét là phim được làm khá cẩn thận, khắc họa được sự khốc liệt của chiến tranh và khiến người xem xúc động, ám ảnh.

Ngoài ra, “Mùi cỏ cháy” còn đoạt các giải thưởng rất quan trọng như: Giải biên kịch xuất sắc nhất (nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm), Âm nhạc xuất sắc nhất (nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân) và Quay phim xuất sắc nhất (NSƯT Phạm Thanh Hà) của thể loại phim truyện điện ảnh. Là một trong hai bộ phim ít ỏi của hãng phim nhà nước tham gia giải thưởng năm nay, "Mùi cỏ cháy" với đề tài chiến tranh được đánh giá là đáp ứng đầy đủ nhất tiêu chí của giải thưởng Cánh diều năm 2011.

Một cảnh trong phim "Mùi cỏ cháy".


Giải "Cánh diều bạc" của hạng mục phim truyện nhựa năm nay được trao cho hai bộ phim “Sài Gòn Yo” của đạo diễn Stephan Gauger và phim “Long Ruồi” của Charlie Nguyễn. Trong khi đó, bộ phim được đông đảo khán giả ủng hộ là “Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt” chỉ nhận được bằng khen ở hạng mục phim truyện nhựa hay nhất. Lý giải điều này, NSND Bùi Đình Hạc, Trưởng Ban giám khảo (BGK) phim truyện nhựa cho rằng, mỗi một kỳ thi phim đều có tiêu chí riêng, và những phim đoạt giải đã đạt được 4 tiêu chí đề ra, đó là sự sáng tạo trong hình tượng nghệ thuật, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và hiệu quả xã hội tích cực. BGK đánh giá rất cao ý nghĩa xã hội tích cực của bộ phim “Long Ruồi”.

Câu chuyện về thằng Tèo, từ một nông dân quê mùa, do có ngoại hình giống đại ca Long Ruồi nên đã trở thành kẻ đàn anh tàn ác, nhưng sau đó, Tèo lại trở về làm một nông dân yêu đời. Một con người có hai bộ mặt, bộ mặt tàn ác và bộ mặt của người nông dân hiền lành, cần cù. Bộ phim có cái kết nhẹ nhàng và có ý nghĩa xã hội tích cực. Còn “Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt” BGK lại chấm điểm cao cho diễn xuất của diễn viên Hiếu Hiền, cũng như rất ấn tượng với hình ảnh chú vịt...

Những giải thưởng Cánh diều năm 2011 lHạng mục phim truyện điện ảnh: Cánh diều vàng: “Mùi cỏ cháy” Cánh diều bạc: “Sài Gòn Yo”; “Long Ruồi” lHạng mục phim truyện truyền hình Cánh diều bạc: "Công nghệ thời trang"; "Những đứa con biệt động Sài Gòn" lHạng mục phim ngắn Cánh diều vàng: "16 giờ 30" Cánh diều bạc: "Thứ bẩy này bác có đến không"; "Mắt cửa" 

* Hạng mục phim hoạt hình Cánh diều vàng: "Đôi bạn" Cánh diều bạc: "Chiếc lông công" lHạng mục phim tài liệu truyền hình Cánh diều vàng: "Tiếng vọng 50 năm" Cánh diều bạc: "Một đời nghiên cứu Hoàng Sa"; "Đáy Hàng Khơi" lHạng mục phim tài liệu điện ảnh Cánh diều bạc: "Sóng nhà giàn" lHạng mục phim khoa học Cánh diều vàng: "Động đất, sóng thần - Thảm họa khôn lường" Cánh diều bạc: "Mùa chim làm tổ"

Giải Đạo diễn xuất sắc đã thuộc về Charlie Nguyễn (phim “Long Ruồi”); Thiết kế mỹ thuật xuất sắc Mã Phi Hải phim “Lời nguyền huyết ngải”; Nam diễn viên chính xuất sắc Thái Hòa phim “Long Ruồi”; Nữ diễn viên chính xuất sắc Quỳnh Hoa phim “Sài Gòn Yo”; Nam diễn viên phụ xuất sắc Hiếu Hiền phim “Hot boy nổi loạn...”; Nữ diễn viên phụ xuất sắc Tina Tình (phim “Long Ruồi”).

Nhìn vào kết quả giải thưởng, có thể nhận thấy, giải thưởng Cánh diều năm nay đánh dấu sự lên ngôi của dòng phim giải trí. Ngoài Cánh diều vàng, những giải thưởng khác như Cánh diều bạc, bằng khen, giải đạo diễn xuất sắc, nam, nữ diễn viên chính, phụ xuất sắc đều thuộc về dòng phim giải trí này. Trong khi đó, những bộ phim ít nhiều có tính nghệ thuật như “Tâm hồn mẹ” (đạo diễn Nhuệ Giang), hoặc “Đó... hay đây?” (đạo diễn Síu Phạm) đều không nhận được bất cứ giải thưởng nào.

Nhận định chung về giải thưởng Cánh diều năm nay, NSND Bùi Đình Hạc đánh giá, có 12 bộ phim tham dự giải thưởng năm nay, nhưng nhìn về thể loại, nhiều nhất vẫn là tâm lý xã hội, cũng có phim hành động, có phim hài và lần này có thêm phim kinh dị, như vậy có thể nhận thấy, dòng chảy của điện ảnh Việt Nam đang có những phát triển đi vào chiều sâu, nhiều phim có hình ảnh tốt, có âm thanh, âm nhạc gây được ấn tượng... Tuy nhiên, NSND Bùi Đình Hạc cũng cho rằng, nhiều phim làm còn rất cẩu thả, lời thoại khô cứng và không phù hợp với nhân vật.

Trong khi hạng mục phim truyện điện ảnh năm nay có vàng thì phim truyện truyền hình và phim tài liệu điện ảnh đều để trống ngôi vị cao nhất. Đặc biệt với mảng phim truyền hình, dù có tới 18 phim tham gia tranh giải nhưng không tìm ra nổi một bộ phim xuất sắc. Điều này theo đánh giá của người trong giới là đã phản ánh đúng sự xuống cấp của phim truyền hình trong thời gian gần đây. Các phim truyền hình được vinh danh gồm 4 phim "Công nghệ thời trang", "Những đứa con biệt động Sài Gòn", "Khát vọng thượng lưu", "Chủ tịch tỉnh". Trong đó có hai phim giành tới 3 giải là "Công nghệ thời trang" (Cánh diều bạc, Biên kịch xuất sắc nhất và Nam diễn viên xuất sắc nhất) và "Khát vọng thượng lưu" (bằng khen, Đạo diễn xuất sắc và Nữ diễn viên xuất sắc nhất).

Phương Lan