01:21 25/01/2020

Mùa xuân no ấm trên miền đất võ

Gặp nhau những ngày đầu năm mới, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bình Định, ông Đoàn Trung Thành phấn khởi khoe: “Chi nhánh đã hoàn thành hơn 200% kế hoạch năm về nguồn vốn ủy thác của địa phương”.

Chú thích ảnh
Một phiên giao dịch đầu năm 2020 của NHCSXH tại xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Niềm vui của Giám đốc Đoàn Trung Thành cũng là niềm vui chung của gần 91.000 hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bình Định đang còn dư nợ tín dụng chính sách xã hội. Thực hiện Chỉ thị 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân đã nâng lên rõ rệt. Nhờ đó mà tín dụng chính sách đã có sự thay đổi tích cực cả về chất và lượng, trong đó có sự quan tâm, ủy thác nguồn vốn ngân sách địa phương để cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách vay ưu đãi.

Đi thuyền ra xóm Cồn Chim (thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) nằm cách biệt giữa đầm Thị Nại, chúng tôi cảm nhận được một không khí vui tươi phấn khởi đón Tết. Các hộ dân tất bật sơn sửa, trang hoàng nhà cửa đón năm mới. Trước đây, số hộ dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi ở Cồn Chim không đủ để thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn, các hộ vay phải sinh hoạt ghép với tổ bên đất liền, đi lại khá bất tiện. Thực hiện Chỉ thị 40, số hộ dân được vay vốn tăng lên dần, đến cuối năm 2015 thì tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập với 60 hộ do ông Hồ Văn Trung làm tổ trưởng. Ông Trung cho biết, dư nợ của cả tổ là 2,8 tỷ đồng. Nguồn vốn được bà con sử dụng chủ yếu vào đầu tư nuôi trồng thủy sản rất hiệu quả, nên số hộ nghèo giảm nhanh và không có nợ quá hạn.

Hai mẹ con chị Hồ Thị Mỹ Yến ở cuối xóm Cồn Chim năm nay đón Tết vui hơn. Trước đây, chị Yến thuộc diện hộ nghèo, đi làm thuê nuôi con ăn học. Đầu năm 2016, chị được vay 50 triệu đồng thuê 1,8 ha đầm để nuôi tôm, cua, cá. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và các hội đoàn thể, mỗi năm chị Yến thả nuôi được 2 vụ, trừ chi phí lợi nhuận đạt từ 50 - 70 triệu đồng. Từ tháng 10 trở đi vào mùa lụt không thả nuôi được thì chị đánh bắt từ nguồn tự nhiên cũng được vài trăm ngàn đồng mỗi ngày. Đến năm 2019, chị Yến đã thoát nghèo và tiếp tục được NHCSXH cho vay 100 triệu đồng theo chương trình dành cho hộ mới thoát nghèo. Chị Yến vui vẻ cho biết, ăn Tết xong đến 20 tháng giêng âm lịch sẽ bắt đầu xuống giống cho vụ nuôi mới. Chị tâm sự, vốn vay ưu đãi từ NHCSXH lãi suất thấp, thủ tục nhanh chóng, lại không cần thế chấp nên đã giúp chị thay đổi cuộc sống.

Chú thích ảnh
Cán bộ NHCSXH, tổ trưởng Hồ Văn Trung (phải) thăm đầm tôm của chị Hồ Thị Mỹ Yến.

Ở xóm Trà Hương của đồng bào dân tộc Bana, thuộc thôn Đại Khoan, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, gia đình ông Trần Văn Miên và bà Đinh Thị A Lơi năm nay đón Tết trong ngôi nhà mới xây. Ông Miên kể, năm 2010, ông được vay 30 triệu đồng từ chương trình dành cho hộ nghèo để nuôi bò. Vài năm sau bò sinh sản, ông mở rộng đầu tư trồng 6 ha keo vào năm 2014. Trước Tết, ông Miên bán rừng keo và 10 con bò, được gần 200 triệu đồng để xây nhà. Hiện ông vẫn còn 4 con bò, mới trồng lại 7 ha keo và còn thêm 200 cây điều. Nói về vốn vay ưu đãi, ông Miên rất cảm kích và coi cán bộ NHCSXH, tổ trưởng như người nhà.

Chú thích ảnh
Vợ chồng ông Trần Văn Miên và bà Đinh Thị A Lơi (trái) đón cán bộ NHCSXH, tổ trưởng đến thăm ngôi nhà mới.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Đinh Hồng Sâm ở một làng đồng bào Bana khác thuộc thôn M6, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn. Ông Sâm cũng nhớ lại, được chính quyền, hội đoàn thể và cán bộ NHCSXH động viên ông mới mạnh dạn vay vốn để làm ăn, mà hồi đầu cũng không dám vay nhiều vì sợ không trả nổi. Đến nay thì ông Sâm đã có 4 con bò, 1 ha trồng điều xen với cây ngô. Ngoài ra ông nhận khoán bảo vệ 20 ha rừng với thù lao 8 triệu đồng/năm. Đời sống của gia đình ông Sâm đã khá hơn nhiều và ra khỏi diện hộ nghèo.

Chú thích ảnh
Ông Đinh Hồng Sâm (thứ hai từ trái sang) đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng vốn chính sách để làm ăn.

Đánh giá về nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã Bình Tân cho biết, toàn xã thực hiện 10 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ trên 41 tỷ đồng với hơn 800 hộ. Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, dư nợ vốn tín dụng đã tăng 15 tỷ đồng, nhờ đó đã có 150 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho 300 lao động, hỗ trợ vốn cho 200 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đi học… Tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 21,14% (năm 2015) xuống còn 8,33% (năm 2019). Thời gian tới, Đảng ủy xã tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng chính sách, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, góp phần đưa xã Bình Tân đạt tiêu chí nông thôn mới vào năm nay để chào mừng Đại hội Đảng các cấp.

Tính trên toàn tỉnh Bình Định, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến hết năm 2019 là 3.809 tỷ đồng, tăng 1.539 tỷ đồng so với năm 2014. Trong 5 năm qua, NHCSXH đã giải ngân cho gần 208.000 lượt hộ vay vốn; qua đó giúp trên 45.000 hộ thoát nghèo, hơn 20.000 lượt hộ tại vùng khó khăn được vay vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 15.000 lao động, gần 19.000 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập, xây dựng hơn 85.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây gần 2.000 căn nhà cho hộ nghèo và gia đình chính sách… Báo cáo của Tỉnh ủy Bình Định khẳng định, tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Chia tay Bình Định, chúng tôi càng hiểu rằng, những mùa xuân no ấm trên miền đất quê hương của “Tây Sơn tam kiệt” này ghi đậm dấu ấn từ kết quả của chính sách tín dụng ưu đãi.

Bài, ảnh: Ngọc Tú (Báo Tin tức)