02:09 01/02/2011

Mùa xuân mới ở vùng cao Son Bá Mười

Son Bá Mười gồm ba bản làng người Thái là bản Son, bản Bá và bản Bá Mười, được xem như “biệt khu” của huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Trước kia muốn vào bản, một là phải xuyên theo lối mòn vắt ngược qua đỉnh Phà Hé mất gần nửa ngày đường....

Son Bá Mười gồm ba bản làng người Thái là bản Son, bản Bá và bản Bá Mười, được xem như “biệt khu” của huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Trước kia muốn vào bản, một là phải xuyên theo lối mòn vắt ngược qua đỉnh Phà Hé mất gần nửa ngày đường, hai là phải ngược sang tỉnh Hòa Bình, vượt “cổng trời” Lũng Vân, tới xã Nam Sơn rồi bắt đầu đi bộ, trèo núi mới vào tới nơi.


Nay đi lại đã thuận tiện hơn, vì được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đường vào Son Bá Mười đang được xây dựng tạo điều kiện cho người dân trong bản đi lại và phát triển kinh tế. Đặc biệt, nơi đây có cơ hội để phát triển tiềm năng du lịch sinh thái đa dạng, phong phú.

Mảnh đất tiềm năng

Trong những ngày sát Tết, tôi có dịp trở lại Son Bá Mười thuộc xã Lũng Cao, một xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của huyện Bá Thước (Thanh Hóa), được thụ thưởng Chương trình 135. Nơi đây được ví như Đà Lạt, Sa Pa thu nhỏ của Thanh Hóa, có nhiệt độ trung bình trong năm 18-22oC, thời tiết quanh năm ôn hoà, có thổ nhưỡng rất phù hợp với các loại rau, củ, quả.

Một góc Pù Luông


Ấn tượng đầu tiên về sự chuyển mình ở đây, đó là con đường từ trung tâm huyện Bá Thước lên Son Bá Mười đang được các nhà thầu, chủ dự án khẩn trương gấp rút hoàn thành, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại giao thương buôn bán thuận lợi hơn, khách du dịch muốn đến Son Bá Mười cũng đỡ vất vả hơn.

Anh Phạm Thế Duyệt, cán bộ huyện Bá Thước cho biết, 2 năm về trước muốn đến được Son Bá Mười vất vả lắm, cua lượn đến chóng mặt, dốc dựng ngược, cao vút theo hình bậc thang.


Khó khăn nhất là đoạn Dốc Piêng Thồng Tống dài 2,5 km, mặt đường lởm chởm đá tai mèo, mỏng manh như sợi chỉ, một bên là núi cao sừng sững, một bên là bìa vực sâu thăm thẳm. Hồi đó, muốn vượt qua Phiêng Thồng thì không chỉ đi bằng hai chân, mà bắt buộc phải “huy động” thêm cả hai tay để bò!

...Bữa cơm tối ở nhà Trưởng bản thật đầm ấm, mọi mệt nhọc đến Son Bá Mười dường như đã vơi bớt. Ăn xong tất cả lăn ra ngủ. Mới sáng tinh mơ mọi người đã thức dậy. Son Bá Mười hiện lên giữa đại ngàn trùng điệp trong một thảo nguyên xanh tươi rộng ngút tầm mắt.


Những ngôi nhà sàn dần dần hiện ra dưới ánh nắng ban mai, nhà được làm toàn bằng gỗ quý lẫn trong sương sớm mờ ảo như bức tranh thủy mặc. Tiết trời đông lạnh giá đang chuẩn bị sang xuân như một luồng sinh khí khích thích những cây đào tự nhiên nở rộ hoa rực trời, báo hiệu mùa xuân đang đến gần. Đứng trên cao nhìn xuống Son Bá Mười được bao bọc bởi trùng điệp đồi, núi.

Khẩn trương thi công con đường vào Son Bá Mười.

Son Bá Mười có gần 160 hộ dân, hơn 8.000 nhân khẩu, chủ yếu là người Thái. Diện tích tự nhiên chỉ hơn 900 ha, trong đó 500 ha thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.


Từ bản Son đi bản Bá mất chừng 3 tiếng đồng hồ đi bộ, bản Mười nằm giữa chỉ với 40 nóc nhà lẻ loi giữa những sườn đồi. Gần 400 năm qua, đồng bào Thái nơi đây vẫn sống hòa mình giữa đại ngàn của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông suốt, lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, được giá trị nguyên sơ của núi rừng ban tặng.

Từ phong tục xa xưa, bà con ở Son Bá Mười vẫn chuyên ăn cơm đồ. Gạo được đãi sạch sau đó cho vào chõ đồ như kiểu đồ xôi. Cơm chín tới, dỡ ra ăn nóng sốt, mùi thơm từ những hạt gạo nương tỏa ra thật ngọt ngào.

Đến nay, nhiều văn bản chữ Thái cổ vẫn được trưởng bản lưu giữ như một báu vật của làng. Trưởng thôn Mười, ông Ngân Văn Lang mang bản Thái cổ viết về lịch sử của thời cố kỉnh lập bản, dựng nhà trên thung lũng nằm giữa đại ngàn này cho chúng tôi xem rồi ngân nga đọc, dịch, giải thích trong niềm tự hào trân trọng gốc gác, tổ tiên. Tôi có dịp quan sát, ngước nhìn lên trần nhà sàn bất cứ một gia đình nào cũng thấy tràn ngập ngô, lúa, báo hiệu một cuộc sống no ấm.

Khi tiềm năng được đánh thức

Trưởng bản Son, ông Thân Văn Đức cho hay: Ở đây khắc nghiệt lắm, sống giữa núi rừng hẻo lánh nhưng lại thiếu đất canh tác, đành bám núi để sống. Bà con rất vui vì được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ và được cán bộ khuyến nông tập huấn về kiến thức trồng trọt, chăn nuôi; được hỗ trợ vốn để mua trâu, bò nên đời sống đã được nâng lên.


Cây vầu bây giờ là nguồn thu nhập chủ lực của bà con dân bản. 1 ha vầu cho thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/năm. Người dân cũng đã biết trồng cây lúa nước, cây ngô vụ đông, các loại hoa màu: Su su, củ cải, bí ngô…và phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn gà.

Những nhà sàn đang được người dân sửa chữa đưa vào khai thác du lịch. trong ánh ban mai.

Đặc biệt, bà con đã biết khai thác tiềm năng vốn có của Son Bá Mười để phát triển một loại hình du lịch sinh thái. Được sự hỗ trợ của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, nhiều gia đình đã chỉnh trang lại nhà sàn, xây công trình phụ phục vụ khách du lịch.


Bình quân mỗi tháng có 3-5 đoàn khách nước ngoài (mỗi đoàn 20-30 người) đi bộ vào bản để tham quan, khám phá, nghiên cứu sinh thái; rừng nguyên sinh đang còn được bảo tồn đa dạng sinh học. Mỗi khách khi nghỉ lại qua đêm sẽ trả cho chủ nhà sàn 50.000 - 100.000 đồng. Như vậy, nếu đầu tư khai thác hiệu quả, hình thức du lịch này sẽ giúp người dân có cơ hội làm giàu.

Chủ tịch UBND xã Lũng Cao, Lương Ngọc Đanh phấn chấn cho biết: “Dự án giao thông đang thi công từ cầu La Hán lên Son Bá Mười trong năm 2011 hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển kinh tế, văn hóa và thu hút khách du lịch”.

Niềm vui đang đến rất gần với người dân ở chốn cao sơn, con đường hoàn thành là niềm mơ ước từ bao đời nay của bà con vùng cao Son Bá Mười. Các em học sinh sẽ không còn phải vất vả mỗi khi đến trường, những cô gái Thái sẽ không còn phải thức dậy từ lúc 2 giờ sáng lầm lũi gùi măng, xuyên rừng, xuống chợ và trở về nhà khi mặt trời khuất núi. Con đường thực sự sẽ biến những khát vọng có được cuộc sống ấm no của đồng bào Thái nơi đây thành hiện thực và bình minh đang rạng hồng nơi đỉnh núi Son Bá Mười ngút ngàn.

Bài và ảnh: Minh Quang-Quỳnh Vân