02:06 17/02/2018

Mùa xuân đầu tiên sau ngày ký Hiệp định Paris

Đó là Mùa xuân - Tết Quý Sửu (1973), cách nay 45 năm. Chiến tranh phá hoại bằng Không quân Mỹ không còn trên bầu trời Miền Bắc của chúng ta. Mùa xuân đầu tiên hòa bình trở lại.

Đồng chí Lê Duẩn, người lãnh đạo cao nhất của Đảng thời bấy giờ vào đón Xuân, ăn Tết với đồng bào Quảng Bình, Vĩnh Linh và Bộ đội Trường Sơn. Tôi được TTXVN biệt phái theo lãnh đạo, viết tin, bài.

Nhớ chuyến công tác nhiều kỷ niệm sâu sắc; nhân dịp đón Xuân mới - Xuân Mậu Tuất, xin kể lại những thông điệp của người lãnh đạo cao nhất của Đảng với nhân dân vào thời điểm cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta sắp đến ngày toàn thắng.  

Sau khi Hiệp định Paris được ký, trong khi những người lính hai bên chiến tuyến đang chộn rộn vui buồn ở nơi trao trả tù binh trên các chốt dọc tuyến giáp ranh, thì trên vành đai hàng rào điện tử Mc Namara, từ cảng Cửa Việt đến Đường 9, đã vang lên tiếng máy cày khai hoang. Cuộc sống mới thanh bình đã bắt đầu. Ảnh: Chu Chí Thành/TTXVN

Thất bại ê chề với cái gọi là thần tượng “Không lực Huê Kỳ” ở Miền Bắc cùng với thất bại thảm hại trong cuộc chiến tranh xâm lược Miền Nam nước ta, nước Mỹ bấn loạn trước làn sóng biểu tình dữ - dội phản đối chiến tranh vô nghĩa, sa lầy ở Việt Nam; buộc chính phủ Mỹ phải tới bàn đàm phán Hội nghi Paris; ngừng ném bom Miền Bắc và rút quân ra khỏi Miền Nam nước ta.  

Nhận rõ ý nghĩa chuyến đi này của TBT Lê Duẩn, Bộ Biên tập TTXVN cử phóng viên tin, ảnh cùng một nhóm kỹ thuật mang theo thiết bị tê - lê - típ trên xe tải Môlotoova. Lúc đó phương tiện truyền tin không được hiện đại như bây giờ. TTXVN không chỉ chịu trách nhiệm đưa tin ảnh về hoạt động của TBT mà còn phải báo cáo tin tham khảo hằng ngày cho lãnh đạo.  

Vào Xuân năm ấy thời tiết cuối năm ở Miền Trung; bên này Đèo Ngang mưa tầm tã. Kỳ Anh, dải đất hẹp ven biển đã nghèo lại bị bom đạn Mỹ tàn phá ác liệt. Thị tứ huyện sơ - sác, đường xá loang lổ những hố bom. Nhân dân đang tấp nập dựng lại nhà cửa, hàng quán chuẩn bị đón cái Tết hòa bình. 

Tới chân đèo, con suối nước lũ dâng cao tràn bờ. Từng đoàn xe vào phía Nam không qua được suối, xếp hàng dài. Kiểu này tắc đường chưa biết đến bao giờ mới thông xe. Tôi bồn chồn lo lắng không kịp tập kết ở địa điểm vào đúng giờ quy định. Chẳng có điện thoại di động như bây giờ. Tôi nói anh em điện vụ cần liên lạc xin ý kiến Bộ Biên tập.

Giữa trời mưa xối - xả. Mấy chú cán bộ kỹ thuật rất năng động leo lên ngọn cây bên đường, mắc ăng - ten phát sóng ngay trên ô - tô tải.  Đồng chí Trưởng ban Thư ký truyền lệnh Bộ BT bằng cách nào tôi và Văn Bảo - phóng viên ảnh, cùng phải vượt Đèo Ngang, có mặt tại Đồng Hới trước giờ G. 

Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm hỏi người dân làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Hải, tỉnh Bình-Trị-Thiên (tháng 8/1978). Ảnh: Văn Bảo/TTXVN

Quảng Bình, ngày mới - nắng đẹp. Thị xã Đồng Hới bị chiến tranh phá hoại hủy diệt chỉ còn lại nóc nhà thờ đột khởi. Những ngày hòa bình đầu tiên thị xã hồi sinh; bừng lên sức sống mới đón xuân về. Thấp thoáng rừng phi lao, cồn cát trắng... cờ đỏ tung bay. Xanh thắm biển trời. Đường phố tấp nập, rộn ràng người qua lại. Người dân tíu - tít dựng lại nhà cửa, hàng quán,, nối lại cầu đường quanh thị xã. Cửa sông Nhật Lệ; cả một rừng cờ đỏ rực; thuyền ghe san sát trên bến cảng... Ai đã từng sống những ngày dài bom đạn, dưới những căn hầm ngột ngạt; mới cảm nhận sâu sắc những giây phút quý giá của hòa bình. Cảm giác thơi thới trong tôi, quên cả mệt nhọc đường dài.  

Sân bay Đồng hới hoang phế từ bao năm, nay được Đại tá Đặng Tính, Chính ủy Bộ đội Trường Sơn đích thân chỉ đạo công binh phục hồi gấp gáp.. Sáng 30 Tết, chiếc chuyên cơ chở đồng chí Lê Duẩn rẽ áng mây hồng hạ cánh giữa rừng cờ hoa biểu ngữ cùng tiếng nhạc, tiếng hò reo của cán bộ, bộ đội, nhân dân địa phương đứng chật sân bay chào đón người lãnh đạo cao nhất của Đảng và các đồng chí cùng đi. Đồng chí Lê Duẩn như trẻ lại trong tiếng cười hồn nhiên, vẫy ta chào nhân dân, bộ đội. 

Sáng Mùng Một Tết Quý Sửu, trên đường vào thăm “Đất thép” Vĩnh Linh (Quảng Trị), đồng chí Lê Duẩn dự lễ khánh thành thông xe Cầu Dài ngoại vi thị xã Đồng Hới. Trong tiếng pháo mừng xuân, đồng chí Tố Hữu cùng đi với TBT, đứng trên cầu đọc bài thơ “Việt Nam - máu và hoa” vừa cảm tác đêm giao thừa; trong tiếng reo vui mừng nhịp cầu nối lại đôi bờ của người dân Đồng Hới.  

Thời gian ở thăm Vĩnh Linh, đồng chí Lê Duẩn đã đến Cầu Hiền Lương; đứng bên bờ Bắc trầm ngâm, đăm đắm hướng về quê nhà Triệu Phong... Cây cầu, giới tuyến 17 tạm thời chia cắt đất nước vẫn còn đây... Cột loa phóng thanh kia còn vang vọng “Câu hò trên Bến Hiền lương”; xót xa, da diết “... ven đôi bờ Hiền Lương... Sao mang nặng tình ai...”...

Chính quyền Vĩnh Linh đã thu xếp Đồng chí dự cuộc họp mặt đầu Xuân với một số bà con cô bác quê nhà vượt cầu giới tuyến sang Bờ Bắc đón Xuân hòa bình. Đồng chí ôm chặt mấy cụ già đầu râu tóc bạc vào lòng; lặng đi trong giây phút... Đồng chí nhắc tên từng người thân; hỏi thăm ai còn ai mất? Các cụ, các ông bà bên quê sang cứ quây chặt, nắm tay người con yêu quý của quê nhà.

Các cụ nhắc lại kỷ niệm thời niên thiếu của người con quê hương; một thư sinh dáng cao cao, nước da ngăm đen, đôi mắt sáng...; cái ngày đồng chí rời xa quê hương dấn thân vào con đường cách mạng cứu nước. Đồng chí nói với bà con nước nhà sắp thống nhất rồi. Tôi sẽ về thăm cô bác, quê hương...

Ở Quảng Bình cũng như ở Vĩnh Linh, tới thăm các gia đình nông dân, đồng chí Lê Duẩn luôn nhắc nhở cán bộ, đồng bào chăm lo kinh tế gia đình phát triển giàu có, cuộc sống ngày một tươi đẹp, nhà nhà có sữa trong bữa ăn, có ti vi, tủ lạnh, đồ sứ tiêu dùng... 

Trong bữa cơm thân mật đầu xuân với cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, đồng chí gợi mở những suy nghĩ của mình về vai trò cấp huyện, những ưu tư về sản xuất nhỏ manh mún, lối làm ăn “cò con” của người tiểu nông trong nông nghiệp. Muốn sản xuất lớn nên chăng phải là quy mô trên địa bàn huyện? Phải tích tụ ruộng đất thành những cánh đồng lớn, đưa cơ giới và khoa học - kỹ thuật vào sản xuất...

Nông nghiệp phải tính đến chuyên canh, chuyên ngành, hiện đại hóa... mới tạo nên được nông sản hàng hóa có giá trị thương hiệu xuất khẩu, cạnh tranh trên con đường hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Đó là bước đi thích hợp để xóa dần khoảng cách thành thị, nông thôn.

Bây giờ suy ngẫm lại, tôi thấy những trăn trở của đồng chí đã và đang trở thành hiện thực, tiếc rằng chúng ta loay hoay mãi, làm chưa được bao nhiêu, có cái bây giờ mới làm như tích tụ ruộng đất. Có cái chưa làm được. Tỷ như, hiện đại hóa nông nghiệp phải tính đến quy mô lớn... Chúng ta chưa tìm ra được cơ chế, định ra được quy hoạch có tầm nhìn xa và nhất là chưa tạo ra được đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ quản lý và kỹ thuật để đưa mỗi huyện trở thành một “cứ điểm” đi lên sản xuất lớn.

Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm Quân đoàn 2 - Binh đoàn Hương Giang (Bình-Trị-Thiên, năm 1977). Ảnh: Văn Bảo/TTXVN

Sau khi thăm hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy (Quảng Bình), đồng chí Lê Duẩn được mời xuống đò đi ngược dòng Kiên Giang lung linh bóng núi và rợp đỏ sắc cờ trên những làng quê đôi bờ; đến ăn Tết với bộ đội Trường Sơn. Đại tá Đặng Tính chính ủy và đại tá Đồng Sĩ Nguyên, tư lệnh Binh đoàn 559 cùng các chiến sĩ cơ quan Bộ tư lệnh đón đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng với tình cảm chân chất, mộc mạc như đón người Anh cả xa nhà về ăn Tết với các em. 

Bữa cơm đầu Xuân đón khách quý trong rừng già miền Tây Quảng Bình của Bộ đội Trường Sơn rất vui, ấm tình đồng đội, đồng chí. Vỏ đạn sáng choang làm bình hoa; đào khoe sắc thắm cùng những cánh lan rừng. Cũng măng miến, cũng giò nem ninh mọc và thoảng mùi hương trầm trên mâm cỗ. “Anh Ba” rất vui, nụ cười hồn nhiên và tiếng nói sang sảng.

Đồng chí Tổng Bí thư truyền đạt quyết tâm chiến lược của Trung ương; sớm giải phóng miền Nam. Ngày toàn thắng đang tới gần. Bắc - Nam sớm đoàn tụ một nhà. Giang sơn gấm vóc liền một giải. Nhân dân ta từ Nam chí Bắc chung lòng chung sức xây dựng nước nhà đàng hoàng tươi đẹp, cuộc sống sẽ giàu có, văn minh. Mừng vui khôn xiết, bộ đội Trường Sơn quây quần quanh đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo cùng đi nắm tay nhau múa hát tới khuya.  

Sáng hôm sau, trên triền đồi phía Nam Đồng Hới, bên dãy chiến xa của các sư đoàn vận tải Trường Sơn chuẩn bị vào chiến trường Miền Nam, đồng chí TBT của Đảng giao nhiệm vụ cho bộ đội và phất cờ hạ lệnh xuất quân. 

Nhân dịp đầu xuân, tôi tranh thủ phỏng vấn đồng chí Cổ Kim Thành, Chủ tịch tỉnh về đường hướng phát triển của Quảng Bình trong tương lai. Trên bản đồ quy hoạch của tỉnh; tôi mường tượng Đồng Hới, một thành phố biển có Cảng biển Sông Gianh, Cảng cá Nhật Lệ. Có sân bay, có khu nghỉ dưỡng sang trọng và lên Miền Tây hoang dã có những hang động hút hồn khách du lịch...

Giờ đây, đầu Xuân Mậu Tuất, ngồi viết những dòng này, tất cả đã thành hiện thực dẫu rằng còn những điều muốn nói. Quảng Bình, ai đã qua đây không chỉ “khó quên những cồn cát trắng”, không chỉ “biết danh Lũy Thày”... cùng sự tích anh hùng của “đất lửa” những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ: mà khó quên những hang động kỳ vĩ cùng địa danh du lịch đầy ấn tượng.

Thanh An