08:23 19/08/2011

Mua trái phiếu nước ngoài - Vì sao Trung Quốc đi ngược dòng?

Trong khi các nền kinh tế châu Âu, Mỹ và Nhật Bản đang ngấp nghé bờ vực suy thoái sâu khiến giá trị trái phiếu giảm mạnh, Trung Quốc đã có một động thái khá ngạc nhiên là tích cực mua vào trái phiếu của các nền kinh tế này, trong khi các quốc gia khác lại tìm cách bán ra.

Trong khi các nền kinh tế châu Âu, Mỹ và Nhật Bản đang ngấp nghé bờ vực suy thoái sâu khiến giá trị trái phiếu giảm mạnh, Trung Quốc đã có một động thái khá ngạc nhiên là tích cực mua vào trái phiếu của các nền kinh tế này, trong khi các quốc gia khác lại tìm cách bán ra để tránh nguy cơ bị lỗ nặng.

Trước hết, bàn về cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu mà ngòi nổ đầu tiên ở Hy Lạp, có thể thấy việc ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ không chỉ để cứu các nền kinh tế châu Âu mà còn nhằm cứu vớt uy tín của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Chính vì bãi lầy nợ công đang nhấn chìm dần các nền kinh tế và kéo theo uy tín của liên minh tiền tệ này, các nhà hoạch định chính sách của châu Âu đã quyết định thực hiện các gói cứu trợ. Tuy nhiên, với quy mô các khoản nợ đang đè nặng Hy Lạp và một số nền kinh tế khác của lục địa già, có vẻ như châu Âu đang gặp khó khăn khi phải gần như một mình nhận lấy trách nhiệm này. Thế là Trung Quốc hăng hái vào cuộc. Lý do công khai mà Bắc Kinh giải thích cho việc chi hàng tỷ euro đầu tư vào trái phiếu của Bồ Đào Nha và Hy Lạp là "giúp các nước này ổn định tình hình tài chính đang rất khó khăn" và "đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ của mình".

Trong khi khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn đang sôi sục thì tiếp đến Mỹ rơi vào vòng xoáy. Uy tín của đầu tàu kinh tế thế giới bị giáng một đòn mạnh khi Standard & Poors (S&P) lần đầu tiên trong lịch sử đã đánh tụt hạng tín nhiệm của tín dụng Mỹ. Một loạt quốc gia như Canađa, Braxin và Nhật Bản đã nhanh chóng bán ra các loại trái phiếu Mỹ nhằm đề phòng nguy cơ mất giá thì Trung Quốc lại đi ngược dòng, tích cực mua vào. Theo báo cáo về dòng vốn xuyên quốc gia được Hệ thống vốn quốc tế (TIC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ công bố, khối lượng trái phiếu Mỹ do Trung Quốc sở hữu trong tháng 6/2011 tăng 5,7 tỷ USD, tháng thứ ba liên tiếp tăng.

Giải thích cho động thái này, một số chuyên gia cho rằng "đâm lao thì phải theo lao", với tư cách là chủ nợ lớn nhất của Mỹ do sở hữu lượng trái phiếu của Mỹ trị giá trên 1.100 tỷ USD, Trung Quốc sẽ là nước thiệt hại nặng nhất nếu Oasinhtơn bị vỡ nợ. Vì vậy, Trung Quốc phải tìm cách bình ổn thị trường và nếu Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ sẽ lập tức gây ra cú sốc lớn. Cũng tương tự như mua trái phiếu châu Âu, mục tiêu của Trung Quốc là bảo toàn kho dự trữ ngoại hối khổng lồ của mình.

Như vậy, có vẻ như việc đảm bảo giá trị của đồng euro và USD, hai ngoại tệ chính chiếm phần lớn kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, là mục đích hàng đầu để Bắc Kinh tiếp tục đầu tư mạo hiểm. Thế nhưng, đối với việc Bắc Kinh tích cực mua vào cả trái phiếu của Nhật Bản, thì chắc hẳn phải còn lý do khác. Theo số liệu do chính phủ Nhật Bản công bố, chỉ trong tháng 7/2011, Trung Quốc đã mua lượng trái phiếu Nhật Bản trị giá gần 7 tỷ USD. Các nhà kinh tế Nhật Bản cũng lấy làm lạ về hành động của Trung Quốc và họ chỉ có một lời giải thích là "Bắc Kinh đang tìm cách đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối".

Nếu gạt vấn đề nợ công và dự trữ ngoại hối sang một bên thì có vẻ như Trung Quốc đang đi những nước cờ cao và không hề mạo hiểm. Theo giới chuyên gia tài chính, chính việc các nền kinh tế phương Tây bị hạ mức tín nhiệm đã cho phép Trung Quốc có cơ hội mua vào trái phiếu với giá rẻ. Việc nắm giữ lượng lớn USD và euro chắc chắn sẽ giúp Trung Quốc có lợi thế lớn trong việc định giá đồng nhân dân tệ (NDT) của mình. Đây là một bất đồng dai dẳng giữa Trung Quốc với châu Âu và Mỹ vì hai nền kinh tế này vẫn chỉ trích Bắc Kinh định giá đồng NDT thấp hơn so với giá trị thực nhằm tạo lợi thế xuất khẩu.

Mục tiêu cuối cùng mà các nhà phân tích nêu ra đó là Trung Quốc đang tìm cách đưa đồng NDT trở thành một ngoại tệ giao dịch quan trọng trên thế giới. Cho dù được đánh giá là nền kinh tế phát triển nhất hiện nay, nhưng Trung Quốc vẫn chưa mở rộng được phạm vi giao dịch của đồng nội tệ của mình. Trên thị trường giao dịch quốc tế, đồng NDT vẫn đứng sau ở khoảng cách rất xa so với USD, euro và nhiều đồng tiền khác trong bảng xếp hạng ngoại tệ. Vì vậy, việc trở thành chủ nợ lớn của các nền kinh tế phát triển có thể là một cơ hội vàng để Trung Quốc đưa đồng tiền của họ gia nhập câu lạc bộ các ngoại tệ mạnh trên thế giới.

Cẩm Tuyến