04:12 17/04/2011

Mùa thi đấu năm 2011: Nỗi lo "Tre già măng chưa mọc"

Sau bóng đá, thời điểm này, hàng loạt các môn thể thao khác trong hệ thống thi đấu quốc gia cũng lần lượt bước vào mùa giải 2011 với cùng chung mục tiêu là SEA Games 26 diễn ra vào tháng 11 tới tại Inđônêxia.

Sau bóng đá, thời điểm này, hàng loạt các môn thể thao khác trong hệ thống thi đấu quốc gia cũng lần lượt bước vào mùa giải 2011 với cùng chung mục tiêu là SEA Games 26 diễn ra vào tháng 11 tới tại Inđônêxia. Và trong cái ồn ào quen thuộc từ "những cuộc thi đấu, những tấm huy chương" kia, một nỗi lo cũ lại hiện về - Nỗi lo của cảnh "Tre già mà măng chưa mọc".

Vũ Mạnh Cường, tay vợt đã 40 tuổi vẫn đăng ký "cày ải thi đấu".

1. Thất bại tại ASIAD 16 vào cuối năm 2010 giống như giọt nước tràn ly khi chỉ thẳng ra cái bước lùi của Thể thao Việt Nam sau hàng thập kỷ cứ luôn đặt nặng thành tích bằng cách làm kiểu "đi tắt, đón đầu". Và cũng vào thời điểm đó, một bản chiến lược phát triển mới đến năm 2020 chính thức ra đời nhằm hướng tới sự phát triển mang tính bền vững hơn. Theo bản chiến lược đó, lần đầu tiên các môn thể thao đỉnh cao được chia thành nhóm riêng biệt, trong đó nhóm đầu gồm những môn cơ bản trong hệ thống thi đấu Olympic và có khả năng tranh chấp huy chương tại đấu trường ASIAD, Olympic. Số còn lại chủ yếu là thế mạnh nằm trong khu vực, hoặc những môn chưa thực sự phát triển đến đỉnh cao. Đi kèm việc phân nhóm là mức độ đầu tư tương xứng với cái đích được vạch ra - hướng mục tiêu tới sân chơi châu lục, thế giới thay vì SEA Games như trước đây.

Tất nhiên, thành công của bản chiến lược vẫn còn nằm ở thì tương lai, nhưng ngay ở vạch xuất phát, cái khó không hẳn đã xuất phát từ việc thay đổi nhận thức, hay mức độ đầu tư mà chính là tình trạng khan hiếm về lực lượng đỉnh cao của Thể thao Việt Nam hiện tại. Những gương mặt tài năng là có thật và trong số đó, nhiều tuyển thủ vẫn đang ở thời kỳ đỉnh cao của phong độ, tuy nhiên, nếu nhìn vào phía sau chính họ thì lại là khoảng trống đáng để quan ngại. Rồi 10 năm có thể là khoảng thời gian dài cho một bản chiến lược phát triển, nhưng chẳng thấm vào đâu nếu so với cả quãng đường từ phát hiện đến đào tạo, huấn luyện ra một tài năng thể thao thực sự.

2. Rõ ràng là nếu không sản sinh ra được thế hệ VĐV mới có chất lượng, thì bản chiến lược cũng sẽ chỉ là... chiến lược trên giấy mà thôi. Theo tính toán của các nhà quản lý thể thao thì trong giai đoạn 10 năm tới sẽ tuyển chọn, đào tạo khoảng 30.000 VĐV để tạo nguồn về lực lượng phục vụ cho các mục tiêu cụ thể. Thế nhưng, nếu nhìn vào thực tế của từng môn thể thao hiện tại, thì đó là câu chuyện chẳng hề đơn giản.

Hãy bắt đầu với chính 10 môn thể thao được xếp là trọng điểm loại 1 trong bảng chiến lược để thấy được rõ hơn cái khó khăn về lực lượng này. Điền kinh với thành công qua nhiều kỳ SEA Games và đặc biệt là màn bùng nổ trên đất Quảng Châu được đặt rất nhiều kỳ vọng. Thế nhưng, đằng sau những Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng và Vũ Văn Huyện vẫn chưa thấy gương mặt nào đủ sức thay thế. Đó cũng là tình trạng chung của cử tạ khi sau Hoàng Anh Tuấn, lực sỹ trẻ Thạch Kim Tuấn dù được đánh giá là có tài năng, nhưng chưa đủ sức để bước vào những sân chơi lớn. Cầu lông hiện tại, duy chỉ có Nguyễn Tiến Minh lọt vào tốp 10 thế giới, số còn lại vẫn là khoảng cách quá xa mà việc tất cả các cây vợt trong nước sớm bị loại ở giải Ciputra Hanoi Vietnam Challenge 2011 vừa kết thúc là minh chứng. Cám cảnh nhất thuộc về bóng bàn, môn cũng đứng trong tốp này, khi tại giải vô địch toàn quốc tới đây, cây vợt đã 40 tuổi Vũ Mạnh Cường vẫn đăng ký "cày ải thi đấu" trong màu áo CLB Hà Nội T&T do chính anh đang là HLV trưởng cũng chỉ vì mong có thành tích, trong lúc lớp trẻ chưa ai đủ sức thay thế.

Ngay cả với những môn thể thao đang có bước đi chuyên nghiệp thông qua tiến trình xã hội cũng không là ngoại lệ, mặc cho chuyện tiền bạc chẳng còn mối bận tâm. Bóng đá Việt sau nhiều năm lên chuyên, giá chuyển nhượng cầu thủ nội bị đẩy lên đến chóng mặt với những con số bạc tỷ, nhưng chẳng hề liên quan đến chất lượng về chuyên môn mà chủ yếu là tình trạng khan hiếm tài năng. Bóng chuyền cũng là tình trạng tương tự khi vòng 1 giải đội mạnh vừa kết thúc là sàn diễn của các ngôi sao ngoại khi mà hàng loạt tài năng nội phải "mài đũng quần" trên băng ghế dự bị.

"Có bột mới gột nên hồ" - với Thể thao Việt Nam cùng chiến lược phát triển đến năm 2020 cũng không là ngoại lệ nếu cứ mãi cái cảnh... "thiếu măng"!

Vũ Minh