01:09 12/01/2012

Múa rối nước Việt Nam qua lăng kính đạo diễn Pháp

Ngày 15/1, đoàn múa rối nước thuộc Nhà hát Múa rối Việt Nam sẽ lên đường sang Pháp biểu diễn lần thứ hai với chương trình “Người thầy của những con rối”.

Ngày 15/1, đoàn múa rối nước thuộc Nhà hát Múa rối Việt Nam sẽ lên đường sang Pháp biểu diễn lần thứ hai với chương trình “Người thầy của những con rối”.

Nét đẹp truyền thống

Bà Ngô Thanh Thủy, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết: “Người thầy của những con rối” nằm trong khuôn khổ Dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát múa rối Việt Nam của Nhà hát Quốc gia Bordeaux (Pháp).

Một hoạt cảnh biểu diễn của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Ảnh do Nhà hát múa rối VN cung cấp


Khoảng 20 năm trước, trong một chuyến thăm Việt Nam, đạo diễn Dominique Pitoiset đã được xem rối nước và bị “hút hồn”. Ông trở lại Việt Nam nhiều lần để tìm hiểu về nghệ thuật rối nước và nung nấu ý tưởng đem rối nước Việt Nam đến với sân khấu Pháp. Để hiện thực hóa ý tưởng, tháng 10/2010, ông đến làm việc với Nhà hát Múa rối Việt Nam để khảo sát sân khấu, con rối, trao đổi ý tưởng... bước đầu xây dựng kế hoạch dự án nghệ thuật giữa hai nhà hát. Qua tìm hiểu lịch sử múa rối nước Việt Nam, ông được biết sư Vạn Hạnh là người sáng lập môn nghệ thuật này nên đã lấy tên chương trình hợp tác này là “Người thầy của những con rối”. Từ đầu năm 2011, đạo diễn Dominique Pitoiset trở lại Việt Nam tạo hình con rối và sau đó bắt đầu những ngày tập luyện đầu tiên với 9 nghệ sỹ tại sân khấu của Nhà hát Múa rối Việt Nam.

Dominique đã đi về các miền quê Việt Nam, quan sát và đưa những hình ảnh của làng quê vào vở diễn. Sau một năm chuẩn bị, buổi diễn đầu tiên tại Nhà hát Quốc gia Bordeaux ngày 15/11/2011 đã thành công với 1.000 chỗ ngồi chật kín, các nghệ sỹ phải ra chào đáp lễ tiếng vỗ tay cổ vũ của khán giả đến 3 lần. Đoàn đã biểu diễn qua 8 thành phố với hơn 30 buổi biểu diễn cho hơn 20.000 lượt khán giả, trong đó có 5 buổi biểu diễn dành riêng cho trẻ em.

Quảng bá hình ảnh Việt Nam

Giai đoạn 2 của dự án trong năm 2012, các nghệ sỹ của Nhà hát Múa rối Việt Nam sẽ tiếp tục lưu diễn tại 10 thành phố của Pháp, bắt đầu từ ngày 15/1 – 21/3/2012. Hiện 40 buổi biểu diễn đã được lên lịch và bán hết vé. Điều đó cho thấy “Người thầy của những con rối” đã thực sự gây tiếng vang tại Pháp.

“Cái hay của chương trình “Người thầy của những con rối” chính là nghệ thuật truyền thống của Việt Nam qua lăng kính của đạo diễn Pháp. Chính vì vậy, phần giới thiệu và các hoạt cảnh bổ trợ được đạo diễn Pháp dàn dựng giới thiệu sao cho người Pháp xem trong khoảng 1 tiếng có thể hình dung ra Việt Nam là một xứ sở yên bình, một nền văn minh lúa nước ở Đông Nam Á”, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam cho hay.

Mở đầu chương trình, người xem bắt gặp không khí ồn ào, náo nhiệt của phố phường Hà Nội với hàng nghìn chiếc xe máy, đi lại như mắc cửi. Với người Pháp, đây là một điều rất lạ. Ngay sau đó là hình ảnh đối lập: Đó là cảnh thanh bình trên sông nước của làng quê... Giữa không gian ấy bỗng vút lên một giọng ca trong trẻo cùng tiếng phách lách cách, nhịp nhàng... “Để cho người xem hiểu được việc điều khiển con rối, các nghệ sỹ xuất hiện với những con rối trên tay, điều khiển chúng một cách điêu luyện, cho khán giả thấy được sự tài tình, độc đáo của nghệ thuật rối nước. Sau đó, các lớp cảnh tiếp theo, sân khấu thủy đình mới thật sự được trả lại cho các chú rối. Chương trình được xây dựng trên khung của 14 tích trò truyền thống của rối nước như: Hình ảnh những con cá vàng lóng lánh, rồng phun lửa, rùa dạo chơi, ông lão đánh cá, nông dân cày cấy... nối tiếp nhau sinh động, hấp dẫn. Vở diễn được hỗ trợ bởi những tứ thơ đậm chất hiền triết phương Đông, thể hiện qua giọng ca của NSND Thanh Hoài, với những giai điệu lạ, khiến khán giả Pháp ngạc nhiên và thán phục”, ông Dũng cho biết thêm.

Về những kỷ niệm của chuyến lưu diễn đợt 1 vào cuối năm 2011, nghệ sỹ Nguyễn Tiến Dũng kể: Đoàn có 5 buổi diễn dành cho thiếu nhi. Trước giờ diễn, đạo diễn Dominique Pitoiset trấn an: Diễn cho trẻ em thường mất trật tự. Nhưng thật bất ngờ là bọn trẻ lại im lặng thưởng thức từ đầu đến cuối. Trong phần giao lưu với các em nhỏ, hầu hết các em đặt những câu hỏi mang tính trực quan như làm sao con rồng phun được lửa, con mèo trèo lên cây như thế nào…

“Điều tôi học được qua chuyến lưu diễn là sự chuyên nghiệp, lòng đam mê sáng tạo, nghiêm túc trong công việc của các đồng nghiệp nước bạn. Đây không phải lần đầu múa rối nước Việt Nam có sự hợp tác với người đạo diễn nước ngoài. Tuy nhiên cách dàn dựng vở diễn vừa giữ nguyên những nét truyền thống và để cho người nước ngoài cảm nhận được những nét đẹp này thì đây là một chương trình mang lại thành công và góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế”, ông Nguyễn Tiến Dũng đánh giá, “Sau chuyến lưu diễn tiếp theo tại Pháp tới đây, Nhà hát Múa rối Việt Nam sẽ công diễn vở diễn “Người thầy của những con rối” tới khán giả Việt Nam và du khách quốc tế”.

Xuân Minh