06:14 09/06/2016

Mùa mưa bão 2016: Nguy cơ thời tiết nguy hiểm

Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay có nguy cơ xảy ra những hình thái thời tiết nguy hiểm, như mưa rất lớn trong khoảng thời gian ngắn gây ra lũ lụt cục bộ, kèm theo tố lốc, hay nắng gay gắt, lạnh bất thường.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, El Nino sẽ chấm dứt và hiện tượng ENSO (nhiệt độ mặt nước biển ở trạng thái nằm giữa "pha nóng" và "pha lạnh") trở về trạng thái trung tính từ khoảng tháng 6-7/2016. Vì vậy thời tiết từ nay tới cuối năm sẽ tương đối ổn định, diễn biến bình thường theo quy luật đặc trưng của khí hậu nước ta. Nhưng trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay vẫn có nguy cơ xảy ra những hình thái thời tiết nguy hiểm, chẳng hạn mưa rất lớn trong khoảng thời gian ngắn gây ra lũ lụt cục bộ, kèm theo tố lốc; hoặc có thời điểm nắng gay gắt, lạnh bất thường. Đặc biệt là khả năng xuất hiện hiện tượng La Nina từ những tháng cuối năm 2016 là tương đối cao, do đó mưa lớn cục bộ, bão cường độ mạnh vẫn có thể xảy ra.

Cảnh giác với lũ lớn, bão mạnh

Nước ngập sâu do mưa lớn cuối tháng 5 ở Vĩnh Phúc, người nông dân phải dùng vải bạt dứa làm thuyền để chở lúa gặt về. Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN

Qua phân tích của các nhà khoa học tại Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho thấy, hoàn lưu quy mô lớn và dự báo diễn biến của hiện tượng ENSO nêu nhiều khả năng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông sẽ xuất hiện muộn và ít hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 12-13 cơn/năm. Trong đó sẽ có khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta (TBNN khoảng 5-6 cơn) và tập trung vào những tháng cuối năm (tháng 8-11). Nhưng số lượng các cơn bão có cường độ mạnh có thể có xu hướng tăng lên.

Thời tiết trên biển, vùng ven bờ có khả năng diễn biến phức tạp hơn so với năm 2015. Nhận định gió mùa mùa hè năm nay yếu hơn so với TBNN, sóng trên Biển Đông và vùng ven bờ cũng sẽ có xu hướng lặng hơn so với năm 2015 và TBNN. Tuy vậy, bão, áp thấp nhiệt đới di chuyển hướng Tây sẽ gây nguy cơ nước dâng ven bờ cao hơn các hướng khác. Ngoài ra, các đợt gió mùa Đông Bắc mạnh kết hợp với triều cường, sóng lớn sẽ tiếp tục là nguy cơ gây ngập lụt tại các khu vực trũng ven bờ và cửa sông, đặc biệt là vào thời kỳ cuối năm 2016.

Trong năm 1997-1998, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng El Nino có cường độ tương đương với kỳ El Nino hiện tại. Hiện tượng này sau khi kết thúc vào năm 1998 thì đến năm 1999, Miền Trung đã phải gánh chịu cơn “đại hồng thủy” nhấn chìm nhiều huyện, thị xã làm 500 người bị chết, thiệt hại tài sản lên tới 3.800 tỷ đồng.

Từ tháng 6-8 năm nay, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn TBNN từ 0,5-1 độ C. Tháng 9 và tháng 10 ngoại trừ khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có nhiệt độ trung bình ở mức xấp xỉ TBNN, các khu vực khác phổ biến cao hơn TBNN từ 0,5-1 độ C. Nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ tập trung nhiều trong thời đoạn từ nay đến tháng 8, nhưng mức độ không gay gắt như các đợt nắng nóng trong năm 2015.

Thời điểm bắt đầu mùa mưa tại các khu vực trên toàn quốc có khả năng đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ trong các tháng 6, 7, 8 ở mức cao hơn TBNN từ 5-15%; các tháng 9 và 10 ở mức thấp hơn TBNN từ 5-15%. Các đợt mưa lớn ở Bắc Bộ sẽ tập trung từ tháng 6-8, cần đề phòng các đợt mưa lớn trong thời đoạn ngắn. Lượng mưa tại khu vực Trung Bộ trong các tháng 6, 7, 8 ở mức thấp hơn TBNN từ 15-30%; các tháng 9 và 10 ở mức cao hơn TBNN từ 5-15%. Đặc biệt tình trạng thiếu hụt lượng mưa ở Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ còn tiếp tục kéo dài đến khoảng tháng 9. Lượng mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ các tháng 6, 7, 8 ở mức thấp hơn TBNN từ 15-30%; các tháng 9 và 10 ở mức cao hơn TBNN từ 5-15%.

Mùa lũ chính vụ trên các sông Bắc Bộ có khả năng xuất hiện đúng theo chu kỳ TBNN với 2-3 đợt lũ lớn. Đỉnh lũ năm trên các sông phổ biến tương đương đỉnh lũ năm 2015; trên một số sông suối nhỏ khu vực miền núi đỉnh lũ có khả năng vượt mức báo động 3 (BĐ3), các sông chính ở thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long ở mức trên BĐ2 đến BĐ3, hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội dưới mức BĐ1, hạ lưu sông Thái Bình tại Phả Lại ở mức trên BĐ1. Tương tự như năm 2015, lũ muộn có khả năng xảy ra, lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ xuất hiện nhiều hơn.

Trung Bộ hạn mặn kéo dài


Người nông dân bên trà lúa mùa bị lép hạt, thiệt hại do nhiễm mặn. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Trong các tháng tiếp theo của mùa khô năm 2016 (từ nay đến cuối tháng 8), dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm dần; các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng thấp hơn TBNN từ 30-60%; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên thấp hơn từ 40-65%, riêng các sông ở Khánh Hòa và Ninh Thuận thấp hơn 80-90%; Trên hầu hết các sông ít có khả năng xảy ra lũ tiểu mãn, riêng các sông ở Thanh Hóa có khả năng xảy ra lũ tiểu mãn nhỏ. Hạ lưu các sông sẽ tiếp tục xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ hoặc thấp nhất lịch sử.

Tình trạng khô hạn, thiếu nước sẽ lan rộng ra các tỉnh Trung Bộ khu vực từ Nghệ An đến Bắc Bình Thuận và có khả năng kéo dài tới tháng 8-9; ở khu vực Nam Bình Thuận và Tây Nguyên kéo dài đến đầu tháng 6. Xâm nhập mặn sẽ lấn sâu vào vùng cửa sông, ven biển khu vực Trung Trung Bộ.

Mùa lũ năm 2016 trên các sông ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng xuất hiện muộn hơn so với TBNN. Đỉnh lũ năm 2016 trên các sông đều cao hơn đỉnh lũ năm 2015. Cụ thể: Các sông ở Bắc Trung Bộ ở mức BĐ1 - BĐ2, xấp xỉ đỉnh lũ TBNN; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2 và trên BĐ2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN, đề phòng khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét trên một số sông suối nhỏ. Đỉnh lũ cao nhất năm 2016 trên các sông ở Thanh Hóa, Bình Thuận xảy ra vào tháng 8 và 9; trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình và Tây Nguyên vào tháng 9 và 10, các sông từ Quảng Trị đến Ninh Thuận vào tháng 10 và 11.

Trong năm nay ít có khả năng xuất hiện lũ sớm tại Đồng bằng Nam Bộ. Đỉnh lũ năm 2016 trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc có khả năng xuất hiện vào nửa đầu tháng 10 và ở mức BĐ1-BĐ2, cao hơn năm 2015, thấp hơn đỉnh lũ TBNN.

Văn Hào (TTXVN)