10:07 22/10/2015

Mùa lụt quê tôi

Khi miền Bắc gió heo may mới chớm vờn mây trắng, miền Nam còn nắng ấm trời cao, thì quê tôi đoạn giữa cong gánh hai đầu Nam Bắc lại đang cong thêm vì gánh bão lũ đất trời.


Chỉ sau vài ngày rả rích "Trời mưa ở Huế sao buồn thế/ Cứ kéo dài ra đến mấy ngày", thì không kịp cho thi nhân than thở "Xa xôi ai nhớ mà thương nhớ/ Mà nhớ mà thương đến thế này (Nguyễn Bính)" con sông Hương trong xanh hiền hòa bỗng ngầu đục phù sa báo hiệu cho những trận lụt nhỏ to, dài ngắn sẽ lần lượt ghé quê tôi. Lụt cứ lần lượt nhặt khoan dai dẳng từ tháng chớm thu cho đến tận cuối tháng đầu đông "Ông tha mà Bà chẳng tha/ Làm ra cái lụt hăm ba tháng Mười".

Người ta lo sợ lụt lội, nhưng khi những giọt mưa ngâu đến chậm để "Nắng tháng Tám làm rám trái bưởi" thì người ta lại mong sao cho lũ lụt mau về. Vì lụt đem phù sa trải đều trên đồng ruộng. Lụt loại bớt lũ chuột phá hoại mùa màng. Năm nào lụt về không đủ "đô" thì mùa màng không èo ọp cũng bị lũ chuột lộng hành cắn phá.

Giòng phù sa quánh đỏ còn như có khả năng diệu kỳ xóa đi những tị hiềm xích mích xóm làng để người ta xích lại với nhau, gắn bó tình nghĩa "tối lửa tắt đèn" với nhau hơn. Những bè chuối kết vội đơn sơ băng qua hàng rào chè tàu mang đến cho nhau những món quà quê cây nhà lá vườn. Dăm củ khoai, vài khúc sắn, muỗng ruốc kho, vài trái khế... kèm những lời an ủi, động viên nhau. Những điều bình dị này người ta đã lãng quên trong tất bật, bộn bề của những ngày tạnh nắng.

Với lũ trẻ thì mưa lụt vui hơn cả ngày Tết, nghỉ hè. Được nghỉ học, được chơi đùa thỏa thích mà không bị cấm đoán kiêng cữ gì cả. Mưa lụt là "sân chơi" lý tưởng cho bọn trẻ mà cũng là thời điểm lưu nhiều ký ức đẹp của các cặp "tình thắm duyên quê". Khi nước mới mấp mé ngoài đường xóm đã có những chàng trai "may ô, quần đùi" hành quân qua nhà bạn gái với khí thế "Đâu cần thanh niên có. Đâu khó có thanh niên". Rồi khi nước rút các thành viên này lại xách sô, kẹp chậu của nhà mình đến chặn cửa, be bờ, tát nước rửa bùn cho nhà bạn gái. Bà tôi bảo chú Út Lợi tôi cũng làm bể mấy cái sô nhựa trước khi đưa được thím tôi về "nhập trạch".

Nhắc đến chú Lợi, tôi lại nhớ đến những hiểm nguy vất vả của các bà mẹ lâm bồn trong mùa lũ lụt. Họ phải vượt nước lụt trên con đò nhỏ chòng chành giữa cánh đồng mênh mông lộng gió mới đến được nơi... vượt cạn. Để ghi nhớ khoảnh khắc này nhiều người đã đặt tên con là Bão - Tố - Lũ - Lụt... Có gia đinh cả cha con hay cả mẹ con cùng sinh vào mùa lụt nên khách phương xa nhiều khi bối rối khi hỏi thăm nhà lại bị hỏi ngược "Ông hỏi Lụt mô? Lụt con ông Lội hay Lụt con bà Lũ ?". Sau này nhiều người đã thêm cái "móc câu" vào Lũ thành Lữ, Bão thành Bảo, Lội thành Lợi - như chú Lợi tôi đã làm - cho dễ nghe và đỡ bị ám ảnh bão lũ "vận" vào người.

Hàng năm lụt vẫn về theo chu kỳ thời tiết. Nhưng giờ đây giao thông thuận tiện, phương tiện đa dạng. Trong làng đã dần hết các tên người mang dấu ấn bão, lũ, lụt, lội. Nhà cửa đã lên cao, hàng rào đã kiên cố nên không còn những chuyến bè chuối nghĩa tình đem cho nhau những món quà cây nhà lá vườn nữa...

Bây giờ mỗi lần nhìn gióng sông chuyển màu phù sa, tuy không nói ra, nhưng ai cũng thoáng chạnh bâng khuâng, thầm nhớ đến vị ngọt bùi của củ khoai, bột căng nứt vỏ, lát khế vàng chua rốt, trái ớt đỏ cay sè, chén ruốc nâu mặn thơm "điếc mũi"... thấm đẫm tình quê của những mùa mưa lụt đã qua.
Đào Quang Bắc