11:13 08/11/2011

Mưa lũ gây thiệt hại nặng cho miền Trung

Như báo Tin Tức đã đưa, mưa lũ ở miền Trung đã làm 10 người chết và mất tích. Thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra khá lớn. Tuy nhiên, con số thiệt hại về người và của do mưa lũ gây ra vẫn tiếp tục tăng lên.

Như báo Tin Tức đã đưa, mưa lũ ở miền Trung đã làm 10 người chết và mất tích; Thiệt hại về tài sản là khá lớn. Tuy nhiên, con số thiệt hại về người và của do mưa lũ gây ra vẫn tiếp tục tăng lên. 

* Báo cáo nhanh lúc 10 giờ 30 phút ngày 8/11 của Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi cho biết: do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên vùng biển Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 nên đã làm 2 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị chìm, một ngư dân bị chết, các tàu cá cùng quê đã cứu sống kịp thời 11 ngư dân khi tàu bị chìm.

Lúc 8 giờ sáng 8/11, tàu cá QNg 94942 TS của ông Võ Hữu Đức (sinh năm 1960) ở Phổ Thạnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi), hành nghề giã cào bị hỏng máy, phá nước và chìm tại tọa độ 17 độ 06 phút Vĩ Bắc- 108 độ 24 phút Kinh đông, trên tàu có 9 lao động. Trong khi khắc phục sự cố tại cabin, thuyền viên Võ Hữu Hòa (sinh 1975) xã Phổ Thạnh, Đức Phổ đã bị chết do ngạt nước. Khi nhận được tín hiệu cấp cứu, tàu QNg 94372 TS của ông Võ Tin cùng quê cứu kịp thời 8 ngư dân và đưa thi thể ông Võ Hữu Hòa vào Đà Nẵng, đến 10 giờ 30 phút sáng 8/11, chiếc tàu này còn cách Đà Nẵng khoảng 10 hải lý. Cũng sáng 8/11, tàu cá QNg 98225 của ông Võ Công Tính, quê xã Phổ Thạnh, Đức Phổ (Quảng Ngãi), hành nghề lưới kéo, trên tàu có 3 lao động, trên đường chạy vào Đà Nẵng thì bị chìm tại tọa độ 16 độ 25 phút vĩ bắc - 108 độ 30 phút Kinh Đông; cả 3 lao động trên tàu bị chìm đã được tàu QNg 44229 TS của ông Phạm Văn Công cứu vớt vào bờ an toàn.

Được biết, sáng 8/11, đài trực canh Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi cũng nhận được tín hiệu cấp cứu của tàu cá KH-996732-TS của ông Trần Chê, ngụ TP. Nha Trang (Khánh Hòa) bị hỏng máy trôi dạt trên biển từ tối qua ở tọa độ 08 độ 30phút vĩ Bắc - 110 độ 40 phút Kinh đông. Trên tàu có 11 lao động hành nghề lưới cản, tàu bị gãy cây láp, thả trôi. Sau khi nhận tin báo, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi luôn giữ liên lạc và thông báo cho các tàu cá gần đó đến ứng cứu.

* Tại Quảng Nam, mưa lớn kéo dài cộng với nhiều nhà máy thủy điện trên địa bàn liên tục xả lũ khiến tình trạng ngập lụt diễn ra khá nghiêm trọng. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, thanh tra giao thông đã được huy động làm nhiệm vụ chốt chặn, hướng dẫn, phân luồng 24/24 giờ tại các điểm ngập sâu để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại.

Mưa lũ chia cắt các tuyến đường giao thông tại xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam). Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN.

Tại thành phố Hội An, lũ đã nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà, nước trên đường Bạch Đằng có đoạn đã dâng lên 1,5 mét, nước sông Hoài đang lên cao, vượt mức báo động III: 0,8m. Tại huyện Quế Sơn, đoạn qua các xã Quế Xuân I và Quế Xuân II nước lũ đã tràn qua quốc lộ 1A, hàng ngàn ngôi nhà vùng đông của huyện bị nhấn chìm, trong đêm 7/11, người dân tại đây đã phải trắng đêm chạy lũ. Ông Nguyễn Văn Sự, trú tại thôn Trung Vĩnh, xã Quế Xuân I, huyện Quế Sơn cho biết: do mưa lớn, cộng với thủy điện xã lũ đã làm hàng ngàn hộ dân vùng đồng ngập chìm trong biển nước. Trong đêm 7/11, hầu như nhà nào cũng phải thức trắng để di chuyển người và tài sản đến những điểm cao. Đến sáng 8/11, mưa đã tạnh nhưng nước lũ vẫn tiếp tục đổ về, người dân vẫn sống trong phập phồng lo sợ.

Tại huyện Đại Lộc nước lũ đã vượt trên báo động III, hàng ngàn căn nhà nằm dọc theo sông Vu Gia đã bị lũ nhấn chìm. Tại các xã Đại Hòa, Đại Cường, Đại An..., nước lũ dâng cao làm nhiều tuyến đường đi từ trung tâm huyện về các xã đã ngập sâu, có đoạn lên đến 1 m.

Tuyến ĐT610 từ Trà Kiệu đi Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên) đã bị ngập 0,5-0,7 mét tại 2 điểm là Sũng Cá (xã Duy Trinh) và Cầu Cây Góa (xã Duy Châu) làm cho giao thông tắc nghẽn hoàn toàn. Không chỉ vậy, hầu như toàn bộ các tuyến đường liên xã, liên thôn của địa phương này cũng bị tê liệt. Ông Văn Bá Năm – Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCLB&TKCN huyện Duy Xuyên thông tin có khoảng 250 nhà dân nằm dọc các triền sông trên địa bàn đã bị ngập lũ rất sâu. Theo ông Năm, chiều 7/11, nhiều trường học thuộc vùng đông của huyện đã cho học sinh nghỉ học...

Hàng loạt khu dân cư trên địa bàn huyện Điện Bàn bị lũ cô lập và con đường huyết mạch ĐT 608 từ thị trấn Vĩnh Điện đi thành phố Hội An cũng đã bị ngập khoảng 0,5 mét nước khiến giao thông ách tắc nghiêm trọng. Chính quyền địa phương cũng đã chuẩn bị lực lượng nhằm ứng phó với mưa lũ theo tinh thần “4 tại chỗ” .

Tại các huyện miền núi như Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn..., mưa lũ đã làm cho các địa phương này bị chia cắt, cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Việc đi lại từ trung tâm hành chính huyện Bắc Trà My tới 4 xã Trà Ka, Trà Giác, Trà Giáp, Trà Bui đã bị chia cắt hoàn toàn. Mưa lũ cũng làm cô lập và chia cắt hoàn toàn tuyến đường từ trung tâm huyện Tây Giang lên 4 xã vùng cao là: Tr’Hy, Ga Ri, A Xan và Ch’Ơm. Tại huyện Nông Sơn, mực nước sông Thu Bồn đang lên rất nhanh, hầu hết giao thông trên địa bàn huyện miền núi này đều bị chia cắt, nhiều xã bị cô lập hoàn toàn với mực nước ngập sâu từ 1 đến 3 mét...

Theo thông tin từ huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam: vào khoảng 6 giờ sáng 8/11, mưa lũ đã cuốn trôi cô giáo Trương Thị Nhân (SN 1980) là giáo viên trường THCS A Vương (huyện Tây Giang) đi từ hướng Đà Nẵng đến trường trên đường ĐT 604. Cũng trong buổi sáng cùng ngày, lũ cũng đã cuốn trôi một học sinh tại khu vực cầu Tư Thiết (còn gọi là Cầu tòa án) thuộc tổ 1 thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình. Danh tính học sinh được xác định là em Lê Duy Hòa (trú tại xã Bình Quý, huyện Thăng Bình), học sinh lớp 5/2, trường tiểu học Kim Đồng.


* Tin từ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum cho biết: do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều ngày qua mưa lớn đã làm sạt lở ta luy dương tại km 1392 (khu vực đèo Lò Xo, địa phận giáp ranh giữa tỉnh Kon Tum và Quảng Nam).Tại đây, đất đá đã vùi lấp khoảng 20 m đường, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng từ 16h30' ngày 7/11. Đến 10h30' ngày 8/11, giao thông vẫn đình trệ. Hiện cơ quan chức năng của tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đang cùng nhau phối hợp để điều động phương tiện máy xúc, máy ủi, khắc phục sự cố. Riêng lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Kon Tum đã phối hợp với ngành chức năng các tỉnh trong khu vực để thông báo cho các chủ phương tiện tạm thời không lưu thông trên tuyến đường này, hoặc có sự lựa chọn tốt nhất cho phương tiện của mình khi lưu thông tuyến Bắc - Nam và ngược lại. Dự kiến, hết ngày 8/11 mới có thể lưu thông trên tuyến đường này.



TTXVN/Tin Tức