12:21 14/12/2016

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại các địa phương

Những ngày qua, mưa liên tục, nhiều tỉnh có nơi bị ngập cục bộ, mưa lũ đã gây thiệt hại ở nhiều địa phương.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ ngày 11-14/12 đã có mưa to đến rất to và dông, lượng mưa phổ biến từ 150 – 290 mm. Đặc biệt, trong ngày 14/12, một số nơi ở vùng núi mưa rất to như: trạm Khe Tre, huyện Nam Đông đạt 157 mm, trạm A Lưới 95 mm; biển động mạnh.
Độ rủi ro thiên tai ở cấp 2. Mực nước các sông trong tỉnh tiếp tục lên, xuất hiện một đợt lũ lớn.

Dự báo đêm 14/12, mực nước trên sông Bồ tại trạm Phú Ốc có khả năng đạt xấp xỉ báo động 3; mực nước sông Hương tại trạm Kim Long có khả năng đạt báo động 3 và vượt báo động 3.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, mưa lũ đã làm một người thiệt mạng. Nạn nhân là ông Phạm Minh Trí ( 40 tuổi, trú tại thôn 4 xã Hồng Tiến, thị xã Hương Trà) bị nước cuốn trôi khi qua suối Khe Trái.

Nhà dân ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) bị ngập lụt. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN.


Một số nơi trên địa bàn đã xảy ra úng ngập cục bộ như: Quốc lộ 1A từ Km866+200 đến Km867 đoạn qua xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc ngập sâu 0,3m, có lúc gây ách tắc giao thông. Các tuyến đường tỉnh lộ trên địa bàn huyện Phú Vang như tỉnh lộ 10A, 10C xuất hiện một số đoạn ngập sâu từ 0,3m-0,5m.

Các tuyến tỉnh lộ 19, tỉnh lộ 8 qua huyện Quảng Điền ngập sâu 0,5-0,6m; tỉnh lộ 4 khu vực tràn Thủ lễ thuộc xã Quảng Phước ngập sâu 0,8m. Nhiều trường học ở các vùng trũng thuộc các huyện Phú Lộc, Quảng Điền, Phú Vang đã chủ động cho học sinh nghỉ học từ chiều 14/12.

Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để kịp thời triển khai ứng phó với mọi diễn biến bất thường của thiên tai có thể xảy ra.

Tỉnh khẩn trương triển khai phương án ứng phó cho các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò, đồi, vùng ven sông suối, ven biển; vùng thấp trũng; tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn; bố trí lực lượng thường trực hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, các đoạn đường thường bị ngập lụt đảm bảo an toàn về người và phương tiện tham gia giao thông.

Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt, cố gắng đảm bảo an toàn công trình và an toàn cho nhân dân vùng hạ du. Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các địa phương căn cứ tình hình mưa lũ thực tế để chủ động cho học sinh nghỉ học...

Những ngày qua trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa liên tục, các nhà máy thủy điện phải xả tràn để có dung tích phòng lũ, từ chiều 14/12 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều nơi bị ngập cục bộ.

Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam cho biết, tính từ 11-14/12, nhiều địa phương tại Quảng Nam đã có mưa to như: Phước Sơn trên 200 mm; Nam Giang 300 mm; Hiệp Đức 400mm, Nông Sơn 350mm…

Lượng mưa lớn kéo dài nên nhiều nhà máy thủy điện cũng như hồ chứa thủy lợi Phú Ninh đã tiến hành xả tràn. Mưa lớn cộng với xả lũ của các nhà máy thủy điện, công trình thủy lợi trên thượng nguồn đã khiến cho nhiều địa phương vùng hạ du bị ngập lụt cục bộ.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Quảng Nam, một số địa phương có nhiều điểm ngập như Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc, Nông Sơn…

Đặc biệt, mưa lũ đã làm chia cắt tuyến đường ĐT 611 nối từ huyện Quế Sơn đi Nông Sơn. Đoạn ngập nặng nhất là từ chân Đèo Le đến trung tâm huyện Nông Sơn, có đoạn ngập sâu đến 1,5m.

Đường từ trung tâm huyện Nông Sơn đến một số xã như Quế Châu, Quế Phước… bị chia cắt nhiều đoạn. Lãnh đạo huyện Nông Sơn đang chỉ đạo lực lượng chức năng huy động tối đa lực lượng hỗ trợ giúp nhân dân di dời người và tài sản lên đến những điểm cao; tổ chức chốt chặn không cho người dân đi qua những đoạn đường bị ngập có nguy cơ xảy ra tai nạn.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra, tính toán lượng mưa, lượng nước đổ về các hồ thủy điện, thủy lợi. Từ đó, có phương án phối hợp xả lũ hợp lý, đảm bảo an toàn đập và khu vực hạ du; ứng phó với sạt lở, lũ quét trên địa bàn.

Ông Phan Như Hải, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại tại các địa phương trong tỉnh.

Tại thành phố Quy Nhơn, mưa lũ đã gây ngập úng tại phường Bùi Thị Xuân; khu vực 2 phường Trần Quang Diệu. Huyện Tuy Phước đã có 6 căn nhà bị sập, 560 nhà bị ngập sâu từ 0,4 – 0,6m; 120 m đê sông Cây Me tiếp tục bị sạt lở.

Ngập lụt gây chia cắt ở xã Phước Nghĩa, Phước Thuận, Phước Thắng, Phước Hòa, tuyến đường ĐT 640. Tại Thị Xã An Nhơn ngập lụt gây chia cắt khu vực Huỳnh Kim, thôn Tân Lập (phường Nhơn Hòa) và một số thôn ở xã Nhơn Hạnh…

Huyện Phù Mỹ đã có 5 nhà bị hư hỏng, 425 nhà bị ngập, 425 giếng bị ngập nước, 1.407 ha lúa đông xuân bị ngập úng, 86 ha hoa màu bị hư hại, 126 con gia súc bị chết, cuốn trôi; 100 m3 kênh mương bị sạt lở, 5,4 m3 kênh bê tông bị gãy sụp, 3 cầu nhỏ bị hư hỏng.

Trước tình hình trên, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành Công văn số 387/PCTT ngày 13/12/2016 chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố chủ động ứng phó với mưa lũ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo điều tiết hồ chứa nước theo quy trình vận hành liên hồ, điều chỉnh lịch gieo sạ vụ Đông Xuân. UBND các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống mưa lũ, thông báo cho người dân ngừng ngâm ủ giống, ngừng gieo sạ từ nay đến 20/12.

Các địa phương và lực lượng vũ trang đang triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân ứng phó với mưa lũ và đẩy mạnh công tác cứu trợ.
TTXVN/Tin tức