01:11 11/01/2011

Mua hàng khuyến mãi cuối năm: Coi chừng dính “bẫy”

Cuối năm là mùa làm ăn của nhiều doanh nghiệp (DN) khi họ tăng tốc bán hàng thu hồi vốn. Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng sau một năm tằn tiện nhưng lại chi tiêu thoải mái hơn cho những ngày Tết sắp đến, không ít DN tung nhiều chiêu khuyến mãi (KM) hấp dẫn.

Cuối năm là mùa làm ăn của nhiều doanh nghiệp (DN) khi họ tăng tốc bán hàng thu hồi vốn. Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng sau một năm tằn tiện nhưng lại chi tiêu thoải mái hơn cho những ngày Tết sắp đến, không ít DN tung nhiều chiêu khuyến mãi (KM) hấp dẫn. Tuy nhiên, thực tế lại là một chuyện khác.

KM nhưng không vui

Những ngày này đi ngang qua khu vực siêu thị điện máy Nguyễn Kim trên đường Trần Hưng Đạo (TP Hồ Chí Minh) luôn thấy cảnh tấp nập người đến mua hàng. Đại diện Nguyễn Kim cho biết, với sự hợp tác của các tập đoàn điện tử, DN cung cấp hơn 500.000 sản phẩm điện máy cho người tiêu dùng với mức tài trợ trên giá bán từ 15 - 45% và đây là đợt khuyến mại lớn nhất trong năm.

Đổ xô đi mua hàng khuyến mãi cuối năm, sau niềm vui có là nỗi buồn? Ảnh: Trần Việt – TTXVN


Tuy nhiên đang chăm chú khảo giá tại khu vực bán các mặt hàng gia dụng, chị Ánh, nhân viên Truyền hình TP.HCM (HTV) nhận xét: “Hàng mình thích thì không khuyến mại và các mặt hàng khuyến mãi thường không đa dạng và nghèo nàn về mẫu mã. Giá cả cũng không như quảng cáo”.

Biết thông tin KM từ một cửa hàng bán máy ảnh, anh Phước nhà ở 178 Võ Thị Sáu, đến hỏi mua chiếc máy ảnh với giá công bố là 1,9 triệu đồng. Nhưng khi đến, nhân viên tại đây cho biết là giá 2,2 triệu đồng với lý do thiếu hàng bán nên nhà phân phối đẩy giá lên buộc cửa hàng phải tăng giá. Anh ấm ức: “Tại sao siêu thị trưng ra những mặt hàng giá cực kỳ hấp dẫn nhưng khi khách hàng hỏi mua thì được báo là hết hàng và siêu thị lại tìm cách bán với giá không như cam kết.

Ngoài ra, có rất nhiều chương trình hấp dẫn được tung ra nhưng thường kèm theo lời nhắn nhủ: Phải mua hàng với hóa đơn từ 1-2 triệu đồng trở lên thì mới được mua những sản phẩm đó”.

Theo khảo sát của phóng viên, những hàng hóa đắt tiền như laptop, điện thoại, tủ lạnh… dù đã giảm giá cũng chỉ ngang với mua ở ngoài, hoặc rẻ hơn một chút. Riêng loại hàng hóa bình dân như chảo, bếp… có mức giảm khá sâu nhưng số lượng bán ra nhỏ giọt, gây bức xúc cho người tiêu dùng.

Người tiêu dùng cần tỉnh táo

Theo luật sư Phan Thị Việt Thu thuộc Văn phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh, khi quyết định mua một món hàng khuyến mại, người mua nên so sánh với những sản phẩm khác xem có thỏa mãn những tiêu chí: Các chức năng như thế nào? Dịch vụ hậu mãi có tốt không? Thiết kế đẹp hơn không và quan trọng với mức giá tương ứng với các điều kiện đó, sản phẩm này có thực sự rẻ không và đừng quên đọc kỹ các điều lệ, điều kiện tham gia chương trình, thời gian cũng như thành phần, ngày sản xuất, giá niêm yết cụ thể…

“Ngoài ra, cần lưu ý là các nhà cung cấp sẽ không bao giờ tung ra cùng một lúc tất cả các sản phẩm giảm giá, vì vậy khách hàng cần bình tĩnh và chờ đợi để vừa mua được một sản phẩm chất lượng lại vừa được hưởng giá ưu đãi hơn”, bà Thu nói thêm.

Theo quy định, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại. Tuy nhiên, thực tế nhiều điểm bán hàng, siêu thị khuyến mại tới 70%. Sự chênh lệch lớn như thế này chủ yếu do các yếu tố về mặt bằng, hệ thống phân phối, bảo hành, các chương trình hậu mãi... chi phối.

Đối với những trường hợp này, các chuyên gia kinh tế khuyên, người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ khi chọn sản phẩm định mua và tìm hiểu kỹ thông tin, nguồn gốc, hình thức và thời gian bảo hành... trước khi quyết định mua. Hiện qui định về khuyến mại và bán hàng giảm giá tại Việt Nam chưa cụ thể, rõ ràng, phù hợp, vì thế điều quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng là chất lượng, giá cả, lượng hàng, cách thức khuyến mại, sự minh bạch thông tin cũng như sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Lê Nghĩa