12:19 31/12/2014

Mùa đông biên viễn

Mùa đông nơi Đồn biên phòng 657 (huyện Tây Giang, Quảng Nam), gương mặt chiến sĩ tươi rói nụ cười. “Còn vài tuần nữa là tới mùa xuân chứ mấy” - trung úy Nhân nói.

Mùa đông nơi Đồn biên phòng 657 (huyện Tây Giang, Quảng Nam), gương mặt chiến sĩ tươi rói nụ cười. “Còn vài tuần nữa là tới mùa xuân chứ mấy” - trung úy Nhân nói.

Mùa đông biên viễn

Khí đông phủ không gian. Đất trời trắng xóa. Mưa lưa thưa khiến Khu kinh tế mở cửa khẩu Nam Giang nhão nhoẹt đất và nước. Khu biên phòng, thương mại, hải quan, khu nhà ban quản lý và mấy hàng quán co cụm trong tấm chăn sương. Ở đây cao gần 1.300 m so với mực nước biển, mưa khiến không gian thêm lạnh nhức, những bóng người, những chuyến xe qua lại cửa khẩu vắng hoe. Chén trà nóng vừa rót, chưa kịp uống đã nguội tanh. Sau vài câu xã giao, Trung úy Nguyễn Thế Nhân, Trạm phó trạm cửa khẩu Nam Giang nói: “Các anh đi đường vất vả, chúng tôi sắp xếp chỗ ở, đường xa và gồ ghề, không nên đi vội”. 

Khu cửa khẩu mờ sương mưa.


Đã chiều, khu hậu cần, anh nuôi đang sửa soạn món ăn, có đủ thịt, cá, rau. Ở đây, mưa cũng như nắng, những chuyến xe chở hàng của mấy người buôn ở xuôi vẫn lên đều đặn. Tôi có gặp vợ chồng anh Đại và chị Dũng, vừa chở hàng lên, thổ lộ rằng: “Ngoài vợ chồng tôi thì có một vợ chồng nữa, hai bên chúng tôi phân công chở xen kẽ, mỗi nhóm chở 15 ngày/tháng. Dù mưa tầm mưa tã cũng phải lên, không thể để chiến sĩ nhịn đói được”.

Tôi hỏi Trung úy Nhân, mùa đông, khó khăn của chiến sĩ là gì? Anh nói: “Thiếu nước”. Trung úy Nhân kể: “Mùa nắng, anh em phải mang thùng, đi xe máy hơn 3 cây số đến khe Dum, suối Đắc Nghe bên Lào để tắm rửa, giặt giũ; rồi khuân nước về. Nên, phải sử dụng nước tiết kiệm, nước rót ra ly phải uống cho hết, rửa chân thì có một thau nước riêng, người này rửa xong để lại người kia rửa tiếp. Mùa đông, có bồn chứa nước mưa thể tích 60 m3, dùng được gần nửa tháng. Nhưng ớn nhất là mùa đông không mưa, bồn chứa cạn nước, lại như mùa hè, ra suối tắm, lạnh cắt thịt; khuân nước về, bì bõm, trơn tuột…

“Khó khăn thứ hai là nhiệt độ có khi dưới 10 độ, ẩm đến nền xi măng cũng nhơm nhớp nước. Áo quần giặt rồi sấy mấy cũng không khô, lại gởi áo quần cho những chuyến xe qua cửa khẩu, nhờ chuyển lên đồn để hong”.

Mùa hè, ruồi vàng đốt ghê. Có người bị đốt sưng cả bàn chân, phải nhập viện. Mùa đông thì đỡ hơn. Khó khăn nữa là chuyện hớt tóc. Chỗ hớt cách trạm 27 cây số, khi trời quá lạnh, xe qua lại thưa thớt, không đón xe xuống được, anh em tự hớt lẫn nhau, hớt xong, tóc chỗ lồi chỗ lõm, cụt ngủn” - Trung tá Nhân cho biết.

Bên kia biên giới là các bản Đắc Đôm, Đắc Điêng, Đắc Tà Ọc Nọi, Đắc Tà Ọc Nhầy, Đắc Măl của nước bạn Lào. Lập đông, người Tà Riềng bên kia cũng ít qua đây mua hàng. Không gian vắng lạnh. Lâu lâu, tiếng động cơ rú lên một hồi, rồi im bặt. “Ở đây, dù có lạnh đến mấy thì sinh hoạt cũng theo quy định mà làm, không được sai khác” - Trung úy Nhân nói. Rồi tiếp, những đối tượng gây rối an ninh luôn rình rập, dù có lạnh mấy chiến sĩ cũng không được lơ là. “Cái lạnh thì chúng tôi đã quen, còn những cái khó khăn như tôi đã nói thì là chuyện bình thường ở tuyến núi. Rứa là hết, chúng tôi ở đây yên tâm công tác”- Trung úy Nhân chắc nịch. - “Thế anh có người yêu chưa”; - “Thông báo cho các đồng chí, tôi năm nay 26 tuổi, đã có người yêu”;  - “Nhớ không”; - “Có nhớ”. Rồi trung úy chuyển giọng: “Có chiến sĩ vì nhớ quá mà đem luôn vợ con lên đây lập nghiệp đấy”.

Nỗi nhớ miền xa

Hai quán tạp hóa nhỏ ở khu cửa khẩu Nam Giang được 2 người đàn bà, là vợ của 2 chiến sĩ ở đây dựng nên. Theo trung úy Nhân, cuộc sống miền biên viễn sẽ rất khó khăn nếu không có 2 hàng quán này. Bởi, ngoài việc bán hàng cho người Tà Riềng ở bên kia biên giới, cho các chuyến xe qua lại cửa khẩu thì 2 hàng quán này còn bán các nhu yếu phẩm cho các anh em chiến sĩ. Hàng của 2 quán lấy từ những người buôn ở Đại Lộc chở lên đây, giá tăng gần gấp đôi so với giá dưới xuôi. Tôi thấy bóng mình được đèn điện in lên nền sương khi ngồi ở quán tạp hóa của chị Nguyễn Thị Thạnh (43 tuổi) và chồng là Đại úy Nguyễn Hùng Cường (51 tuổi). 

Quán dựng cách đây 11 năm. Hồi đó, năm 1993, anh đang công tác ở đồn 657, gặp chị dạy ở trường tiểu học LaDê, rồi năm 1995, hai người cưới nhau. Năm 2002, anh về công tác ở Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh, năm 2003 thì lên cửa khẩu, dẫn luôn vợ lên đây dựng quán. “Tôi phải nghỉ dạy lên đây với chồng bởi hồi đó ở đây không có hàng quán nào hết. Anh em chiến sĩ mua cái gì cũng phải nhờ mấy bà buôn ở Đại lộc đưa hàng lên, thứ có thứ không, rất khó khăn” - chị Thạnh nói. Giờ, có 2 đứa con gái, đứa học lớp 6, đứa lớp 10, đều gửi cho nhà nội ở Đà Nẵng. Đông sang, nhớ con đứt ruột. “Dẫn chúng nó lên đây thì không thể, mà về thì cũng không xong. Mỗi lần về thăm là chúng nó khóc lóc, đòi ba mẹ ở lại” - mắt chị Thạnh rơm rớm. 

Vào quán tạp hóa của vợ chồng chị Phạm Thị Thoa (36 tuổi) và thượng úy Phạm Quốc Dương (43 tuổi), chưa kịp hỏi chuyện thì anh chị chạy ngay vô phòng, thay bộ áo quần mới tinh như sắp trẩy hội, xong rồi chạy ra nói liền: “Chụp ảnh vợ chồng anh chị lên báo với, để con cái và cha mẹ chị ở quê biết chị vẫn khỏe mạnh”. Vợ chồng chị Thoa quê ở Nam Định, có 2 đứa con gái, đứa nhỏ mới hơn 1 tuổi, ở với cha mẹ, đứa lớn học lớp 6 đang sống với nội ở Nam Định. Chị Thoa nhắc lại: “Nhớ đưa ảnh anh chị lên báo nghe, để con chị ở nhà thấy được cha mẹ nó cho đỡ nhớ”.

Còn nhiều chiến sĩ, không may mắn như anh chị, được chung sống vợ chồng. Những chuyến xe mà các chiến sĩ thường gửi nhờ thư chuyển giùm lên bưu điện Thạnh Mỹ cũng thưa thớt khi gió biên cương đưa lạnh về. Mùa đông biên viễn. Gương mặt chiến sĩ vẫn nở nụ cười. “Còn vài tuần nữa là tới mùa xuân chứ mấy” - trung úy Nhân nói. Khi ấy, hoa lan nở trắng rừng, bếp lửa nồng men tà vạt, những cánh váy thổ cẩm hòa theo điệu tung tung - da dá, trong tiếng khèn Abel...

Mai Thành Dũng