09:18 02/09/2016

Mùa cáy tuổi thơ

Nhà tôi nằm bên hông con sông Lam hiền hòa, nước lúc nào cũng trong lẻo lẻo. Cả tuổi thơ của tôi ngụp lặn dưới sông, lúc thì bắt con ngao, con hến, lúc lại đi chài lưới cá tôm với cha. Không chỉ riêng mình tôi mà tất thảy bọn trẻ trong xóm đều lấy công việc làm niềm vui, phụ giúp thêm gia đình. Mùa cáy về làm cho chúng tôi thích thú hơn cả, háo hức đến …mất ăn mất ngủ.

Cáy sông có quanh năm, nhưng nhiều hơn vẫn là vào mùa mưa. Hai bên khúc sông, khi thủy triều rút cạn, để lộ bao nhiêu là hốc cáy. Những chú cáy nâu, cáy đỏ bò lên bờ, thập thò loạn xạ. Vì quá phấn khích mà tụi con nít chúng tôi reo lên thích thú, làm những chú cáy lại chui tọt xuống hang. Phải im lặng một lúc sau cáy lại bò lên. Ai cừ khôi lắm thì mới nghĩ tới việc dùng "tay không bắt cáy" còn không thì chuẩn bị sẵn câu để câu cáy. Cần câu cáy là thân cây tre, cây hóp được chặt ngay sau hè, buộc sợi cước dài cùng lưỡi câu bé tí hon. Cáy đặc biệt rất thích sâu khoai và ruột ốc vặn. Cha tôi luôn miệng bảo, câu cáy mà không kiên nhẫn thì chẳng nên cơm nên cháo gì. Phần vì đặc tính “nhát như cáy” nên mọi thao tác phải thật nhẹ nhàng, nhử từng con một.

Thêm một cách bắt cáy nữa đó là dùng thuổng để đào. Cách này chỉ áp dụng cho những người có sức khỏe và nhanh nhẹn. Những nhát thuổng phải thật nhanh bén, thọc sâu tít mọi hang hốc cáy nằm, cho tới khi cáy “cụt đường” chui ra ngoài, người bắt chỉ việc nhanh tay tóm gọn cho vào giỏ. Tôi vốn yếu như sên nên chỉ mon men học mỗi cách câu cáy.

Cáy mang về tôi đưa mẹ rửa sạch, bóc mai, yếm ngâm qua nước vo gạo cho đỡ hôi. Dưới mỗi cái yếm, trứng cáy nhiều vô kể. Tôi lon ton chạy ra gốc chanh bẻ lấy một vài cái gai bự rồi làm nhiệm vụ khều trứng cáy riêng ra bát. Số trứng cáy mẹ phi hành mỡ thơm nức mũi. Phần thịt cáy được mẹ bỏ vào cối đá giã cho thật nhuyễn. Lọc lấy nước dùng đến khi nước trong thì thôi. Có thể canh cáy không được đậm đà như canh cua nhưng nó lại có vị rất riêng và nó rất lành bụng. Mùa nắng nóng, nhấp một ngụm canh cáy, thân thể như đang được tiếp một nguồn năng lượng, mát lạnh, đê mê.

Nói tới cáy không thể không nhắc tới mắm cáy. Thịt cáy được bóp thật kỹ với muối, rồi cho vào vại hoặc chum sành ủ kín, chôn dưới đất hoặc trộn rơm với đất trát kín để dưới gốc cây trong vườn. Khoảng ba tháng sau mắm bắt đầu nhuyễn dần mới lấy ra thưởng thức. Những giọt mắm cáy đầu tiên trong veo, vàng ươm như mật ong. Nước sóng sánh, mùi thơm lan tỏa. Mẹ tôi bảo cũng bởi vì mắm cáy mà rất… tốn cơm. Cả nhà lại được một trận cười nắc nẻ.

Anh chị em tôi lớn lên từ những thìa mắm cáy trong bữa ăn mỗi ngày. Hương vị mắm cáy với tôi còn là sự chắt lọc từ nỗi nhọc nhằn sớm hôm của mẹ. Bây giờ cuộc sống nơi phố thị không còn khốn khó như xưa. Lũ trẻ mò cua bắt cáy xưa đã đều lớn và trưởng thành. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau, có dịp lại hàn huyên chuyện cũ. Đứa nào đứa nấy vẫn bùi ngùi nhớ về quê xưa, nơi có những con cáy xanh, đỏ. Tuổi thơ lớn lên bên sông Lam hiền hòa cùng với vị mắm cáy đượm nồng.
Quyền Văn