01:11 19/01/2012

Mùa bóng 2012: Đầu có xuôi?

Mùa giải 2012 mới chỉ ở giai đoạn chạy “rốt đa”, nhưng bóng đá Việt Nam đã có không ít chuyện bùng nhùng. Nổi cộm là cuộc chiến về bản quyền truyền hình các trận đấu và nguy cơ bạo lực sân cỏ tái diễn trở lại.

Mùa giải 2012 mới chỉ ở giai đoạn chạy “rốt đa”, nhưng bóng đá Việt Nam đã có không ít chuyện bùng nhùng. Nổi cộm là cuộc chiến về bản quyền truyền hình các trận đấu và nguy cơ bạo lực sân cỏ tái diễn trở lại.

Rắc rối bản quyền truyền hình

Thật ra, câu chuyện bản quyền truyền hình (Tin Tức Cuối tuần số 52 đã đề cập) đã nóng từ cuối mùa giải 2010 khi Công ty CP Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG) mua lại bản quyền truyền hình hầu hết các giải đấu quốc nội của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trong thời hạn 20 năm với giá trị 6 tỉ đồng/năm, lũy tiến tăng 10% mỗi năm. Sự việc tiếp tục diễn biến phức tạp khi nổ ra cuộc tranh giành bản quyền giữa Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và AVG. Ngay sau khi VFF bán bản quyền cho AVG, giới truyền thông và người hâm mộ đã phản ứng dữ dội về sự phi lý ở thời hạn 20 năm của hợp đồng (thông thường hợp đồng bản quyền chỉ kéo dài ba năm và mỗi nhiệm kỳ của các quan chức VFF cũng chỉ có năm năm).

Sài Gòn FC gặp K. Khánh Hòa được coi là trận đấu thiếu chuyên môn, nhưng thừa bạo lực.


Để làm rõ đúng sai, mới đây, cùng với quyết định tạm thời để AVG tiếp tục khai thác bản quyền truyền hình các trận đấu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã quyết định thành lập đoàn thanh tra để thanh tra hợp đồng bản quyền truyền hình giữa VFF và AVG. Theo đó, đoàn thanh tra sẽ tiến hành làm rõ việc ký hợp đồng bán bản quyền truyền hình của VFF cho AVG có đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, việc thanh tra sẽ tập trung vào 2 vấn đề: Các CLB có được xin ý kiến khi VFF ký hợp đồng với AVG không? Vì sao VFF phải ký hợp đồng độc quyền đến 20 năm với cái giá được VPF cho rằng không phản ánh đúng giá trị thật của bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hiện nay? Khi làm rõ được tính pháp lý của hợp đồng, Bộ VH,TT&DL sẽ đưa ra kết luận chính thức ai là chủ sở hữu bản quyền truyền hình hiện nay. Trong Công văn Bộ VH,TT&DL gửi tới VFF và Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành phố tham gia giải bóng đá chuyên nghiệp cũng nêu: Trước khi có kết luận thanh tra về việc ký hợp đồng trên, Bộ đề nghị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, các Sở VH,TT&DL các địa phương có đội bóng tham dự các giải thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về bản quyền truyền hình và quyền sở hữu đối với giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp, tôn trọng hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải đấu thuộc VFF và AVG.

Tái diễn bạo lực sân cỏ

Cùng với việc khẩn trương giải quyết những bất đồng xung quanh bản quyền truyền hình, thì bạo lực sân cỏ cũng trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà tổ chức giải.

Lượt trận thứ hai Cúp Quốc gia 2012 diễn ra không chỉ chứng kiến hàng loạt đội bóng lớn “rủ nhau” rời cuộc chơi, mà còn xuất hiện hàng loạt hình ảnh bạo lực sân cỏ phản cảm. Có đến 3 trận đấu suýt đổ vỡ vì sự cay cú ăn thua. Đầu tiên là cảnh hỗn loạn ở cuối trận đấu giữa chủ nhà Kienlongbank Kiên Giang gặp HAGL.

Trong một pha tranh bóng trong vòng cấm, tiền vệ Đoàn Văn Marcelo của HAGL đã đạp vào thủ môn Văn Hưng của Kienlongbank Kiên Giang. Ban huấn luyện, cầu thủ dự bị chủ nhà ùa vào sân phản ứng khiến trận đấu phải hoãn lại. Sau trận đấu, khán giả Rạch Giá đã ném đủ vật lạ xuống sân và một số cổ động viên quá khích đã vây lại hành hung Đoàn Văn Marcelo. Ban tổ chức sân đã viện cảnh sát cơ động để hộ tống đội khách rời sân về khách sạn và Đoàn Văn Marcelo đã bị vật lạ ném trúng mặt gây thương tích.

Trận đấu giữa V.Ninh Bình và CLB Hà Nội cũng có nhiều tình huống quyết liệt, căng thẳng quá mức. Sau trận đấu, tức giận vì CLB Hà Nội thua 1-2, tiền đạo Timothy của đội khách và Hoàng Vissai của V.Ninh Bình đã lời qua tiếng lại rồi lao vào ẩu đả. Cảnh tượng lộn xộn chỉ được chấm dứt khi đích thân bầu Trường cùng dàn cầu thủ Ninh Bình ngăn cản được cái đầu nóng của Hoàng Vissai, khi cầu thủ này quay lại hòng “ăn thua” với Timothy. Đây không phải là màn quây đuổi duy nhất của vòng đấu này. Có đến 3 trận đấu suýt bị đổ vỡ vì sự cay cú ăn thua. Trong trận gặp chủ nhà Sài Gòn FC, các cầu thủ K.Khánh Hòa cũng chực hành hung trọng tài sau khi để thua ngược đội chủ nhà với tỷ số 2 - 3. Bảo vệ sân Thống Nhất phải vào sân bảo vệ tổ trọng tài rời sân.

Còn ở vòng 2 Super League, trước khi bước vào trận đấu V.Hải Phòng với N.Sài Gòn, một nhóm cổ động viên trên sân Lạch Tray đã đốt pháo sáng, khiến lực lượng an ninh phải vất vả vào cuộc để ổn định tình hình. Chưa hết, đã có rất nhiều quả pháo sáng được ném thẳng xuống khu cabin kỹ thuật của đội khách N.Sài Gòn khiến cho thầy trò HLV Phạm Công Lộc tất tả chạy thoát thân.

“Đầu có xuôi, đuôi mới lọt”, mùa giải 2012 – mùa giải đầu tiên dưới cây gậy chỉ huy của VPF nghe chừng khó suôn sẻ.

Yến Nhi