07:23 09/07/2015

Mua bán và sáp nhập sôi động khi nới “room”

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 60/2015 (NĐ60) thay thế Nghị định 58/2012 hướng dẫn Luật Chứng khoán, trong đó có quy định về nới “room” (tăng tỷ lệ sở hữu) cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài và ngày 1/9 sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 60/2015 (NĐ60) thay thế Nghị định 58/2012 hướng dẫn Luật Chứng khoán, trong đó có quy định về nới “room” (tăng tỷ lệ sở hữu) cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài và ngày 1/9 sẽ bắt đầu có hiệu lực. 

Quyết định này đã làm nhiều NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài đang có nhu cầu mua cổ phần kiểm soát tại các công ty trong nước đón nhận một cách đầy hứng khởi. Theo đó, trong tuần qua thị trường chứng khoán đã có những phiên tăng điểm tích cực.

Tín hiệu vui cho cổ đông lớn

Theo ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng phụ trách văn phòng phía Nam Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), điểm đột phá của NĐ60 là ở chỗ đối với những ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm giữ chi phối, thì thay vì tỷ lệ sở hữu tối đa là 49%, thì nay sẽ có tỷ lệ nhất định nào đó do DN quyết định, thậm chí có thể lên tới 100%. Vì thế, việc nới “room” thật sự đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp lẫn NĐT nước ngoài. Cụ thể, NĐT nước ngoài có cơ hội được nâng tỷ lệ sở hữu ở những doanh nghiệp (DN) niêm yết đã hết “room” hoặc không còn nhiều “room”. Đối với DN niêm yết, thông qua nới “room” NĐT nước ngoài có thể tham gia quản trị, quản lý DN giúp nâng cao tính minh bạch, hiệu quả hoạt động. Đồng thời, DN có thể thu hút thêm vốn để đầu tư, phát triển.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ dẫn dắt thị trường tăng điểm từ nay đến cuối năm sau khi nới “room”.


Đối với thị trường chứng khoán (TTCK), sẽ thu hút hơn nữa dòng vốn ngoại để nâng cao tính thanh khoản, đưa TTCK Việt Nam vào nhóm thị trường mới nổi, từ đó có cơ hội thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời giúp DN và nền kinh tế phát triển bền vững hơn thay vì chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng thương mại. Đối với nền kinh tế, dòng vốn ngoại có thể giúp nâng cao tỷ lệ dự trữ ngoại hối, giúp ổn định tỷ giá và ổn định lạm phát.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, TGĐ Công ty chứng khoán SJC, cho biết thêm: Bên cạnh thông tin lợi ích về nới “room”, thị trường còn đón nhận thông tin Bộ Tài chính đi Mỹ kêu gọi DN đầu tư vào Việt Nam. Đây là hai thông tin đã đem lại cho TTCK những phiên tăng điểm ấn tượng. Có thể thấy, đến ngày 7/7, VN-Index đã đạt mức 630,27 điểm, trung bình VN-Index tăng thêm 10 điểm. Không chỉ thế, thị trường còn đón nhận một luồng tiền của NĐT nước ngoài, sự duy trì và quyết liệt mua. Trong đó, những nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn như các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản tiếp tục dẫn dắt thị trường. Đáng chú ý, từ ngày 1/7, những quy định mới về bất động sản được áp dụng đã làm cho thị trường bất động sản sôi động hơn. Dự kiến từ nay đến cuối năm và cả tới năm 2016, các nhóm này sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường tăng trưởng.

Tuy nhiên, trong khi các NĐT khối ngoại vui thì ngược lại, một bộ phận NĐT Việt Nam lại chần chừ trước diễn biến tăng của thị trường. Theo ông Tuấn, TTCK Việt Nam có đến 80% là NĐT nhỏ lẻ nên chỉ có khoảng 20% là các NĐT lớn vui khi thị trường tăng điểm, còn đa số các NĐT còn lại cảm thấy băn khoăn vì tỉ lệ nắm giữ của họ lại bị giảm đi.

Dễ “thâu tóm” trên sàn

Bên cạnh những hiệu ứng tích cực, nhiều DN cũng lo ngại khi có nguy cơ bị thâu tóm trên sàn. Bởi quyết định nới tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài được xem là điều kiện pháp lý rất quan trọng để thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam.

Trước đây, việc chuyển quyền kiểm soát thông qua các giao dịch M&A đối với các công ty đại chúng Việt Nam lâu nay bị hạn chế bởi quy định về tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài. Vì thế, khi NĐ60 được thông qua không chỉ giúp cho các chủ doanh nghiệp Việt Nam, những người muốn chuyển nhượng công ty của họ cho các NĐT chiến lược khi họ đến tuổi nghỉ hưu, mà còn giúp cho các quỹ đầu tư tư nhân có thể kết hợp với các NĐT trong nước dễ dàng thoái vốn và bán cổ phần kiểm soát công ty cho các NĐT chiến lược cùng ngành nước ngoài.

Chính vì vậy, quyết định nới “room” của Chính phủ được nhiều NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài đang có nhu cầu mua cổ phần kiểm soát tại các công ty trong nước đón nhận một cách đầy hứng khởi. Theo đó, tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài sẽ không còn là rào cản với họ trong quá trình tìm kiếm cơ hội M&A tại Việt Nam. Đây cũng được coi là thông tin tốt với các NĐT tài chính, những người đang có nhu cầu thoái vốn thông qua hình thức bán cổ phần trực tiếp cho các NĐT chiến lược trong ngành.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực trên thì vẫn có mặt tiêu cực, nhất là những DN không có sự quản trị tốt sẽ dẫn đến sự thâu tóm. Để hạn chế những tiêu cực do hoạt động thâu tóm mang lại, Vụ trưởng UBCKNN phía Nam Lê Nhị Năng khuyến nghị DN cần tìm hiểu kỹ đối tác nước ngoài, có cam kết đồng hành cùng DN với những chiến lược phát triển dài hạn đã đề ra; tìm hiểu thiện chí của đối tác có muốn hợp tác vì lợi ích đôi bên và lợi ích cổ đông; duy trì mối quan hệ tốt với cổ đông lớn, tìm hiểu đánh giá của các cổ đông về cổ phiếu, dự kiến mua/bán trong ngắn hạn, dài hạn; chủ động tìm kiếm đối tác phù hợp với chiến lược và văn hóa của công ty.

Dù vậy, NĐ60 đã trao quyền tự quyết vấn đề nới “room” cho đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp. Như vậy, trần tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp cho NĐT ngoại phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của các cổ đông lớn, nắm quyền kiểm soát công ty, mà trong nhiều trường hợp chính là ban lãnh đạo công ty.



Hải Yên