03:22 08/03/2013

Mũ bảo hiểm giả, thật, ai biết?

Công Thương, GTVT, Công an, Khoa học Công nghệ, thì thời điểm xử phạt người sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng đang đến rất gần (15/4). Vẫn biết từ nay tới thời điểm đó, vẫn còn cả tháng để chuẩn bị.

Đó là tâm trạng của rất nhiều người đối với chiếc mũ bảo hiểm xe gắn máy mà họ đang sở hữu. Nếu đúng như tinh thần của Thông tư liên tịch số 06/2013 giữa các Bộ: Công Thương, GTVT, Công an, Khoa học Công nghệ, thì thời điểm xử phạt người sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng đang đến rất gần (15/4). Vẫn biết từ nay tới thời điểm đó, vẫn còn cả tháng để chuẩn bị. Nhưng cái khó là người sử dụng vẫn hết sức mù mờ trong việc phân biệt mũ thật, mũ dỏm. Đấy là chưa kể, bỏ nhiều tiền nhưng chắc gì đã mua được mũ thật!

 

Sẽ không ít người lập luận rằng, thật, giả đều bắt nguồn từ ý thức của người dân cả. Rồi, đã bỏ tiền ra mua, thì người tiêu dùng phải nhận thức được chất lượng của nó chứ?. Khổ nỗi, đại bộ phận người sử dụng xe gắn máy còn nghèo. Hằng ngày, họ phải bươn chải với cuộc sống, thì còn thời gian đâu, hơi sức đâu mà phân biệt mũ thật, mũ giả. Có người luôn có ý thức chấp hành luật lệ giao thông, nhưng không có đủ kiến thức để nhận biết, nên mua phải mũ giả. Phải chăng đấy là lỗi của họ? Phía các cơ quan chức năng, có cả hệ thống quản lý, con người, công cụ và thiết bị hỗ trợ... , ấy vậy mà mũ kém chất lượng vẫn có đất để sống, thậm chí là sống “ngon”.

 

Có thể thấy rằng, ý thức của người dân luôn đồng hành với chủ trương, chính sách đúng đắn, sát với thực tế, vì cái chung. Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã rất thành công mà trước năm 2007 khó ai ngờ tới, bởi nó hợp lòng dân (đội mũ bảo hiểm an toàn cho tính mạng), người dân chấp hành khá tốt. Tuy nhiên, cũng xảy ra tình trạng người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm theo kiểu đối phó với lực lượng chức năng. Đó là mũ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm định chất lượng. Ăn theo việc này là trên các vỉa hè, một số tuyến phố ở các đô thị lớn bày bán tràn lan các loại mũ bảo hiểm thời trang, kém chất lượng. Rất tiếc, một bộ phận người dân tham gia giao thông không nghĩ đến hậu quả của việc sử dụng loại mũ này. Mặc dù biết rõ những trường hợp đội mũ bảo hiểm dỏm, nhưng lực lượng cảnh sát giao thông không có cơ sở để phạt. Bởi lẽ, theo Nghị định 34 và Nghị định 71 của Chính phủ, chỉ quy định xử lý các trường hợp không đội mũ bảo hiểm, chứ không quy định mũ kém chất lượng. Nếu cơ quan công quyền giải quyết triệt để tình trạng mũ bảo hiểm chất lượng kém được bày bán công khai, tràn lan trên thị trường, thì việc buộc người điều khiển phương tiện cởi mũ ra để kiểm tra chất lượng, rồi phạt (nếu vi phạm)... mới trở nên thuyết phục.


Triệt tiêu mũ bảo hiểm dỏm để bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Do vậy, người tiêu dùng luôn trông chờ vào sự quyết tâm, mạnh tay của các cơ quan công quyền trong việc loại bỏ vĩnh viễn mũ bảo hiểm dỏm. Nhiều ý kiến đề xuất, việc xử phạt người sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chất lượng chỉ thực hiện khi đã có sự truyền thông, hướng dẫn để người dân có thể phân biệt, đồng thời các nhà sản xuất cũng phải cam kết cung cấp mũ đạt chuẩn. Nói cách khác, là phải giải quyết vấn đề từ gốc trước (nhà sản xuất), tiếp đến xử lý triệt để, tiêu hủy ngay mũ bảo hiểm kém chất lượng, rồi cuối cùng mới tính đến chuyện xử phạt người sử dụng. Vấn đề không kém phần quan trọng là chính người tham gia giao thông cần có ý thức chọn mua, sử dụng loại mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng để bảo vệ chính mình và người thân.


Thể hiện quyết tâm trong việc loại trừ mũ bảo hiểm dỏm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, phấn đấu đến hết năm 2013, chấm dứt tình trạng lưu hành, sử dụng, buôn bán, sản xuất mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng.


Yến Nhi