08:08 01/08/2018

Một vụ tai nạn, 13 người thiệt mạng và hai bài học

Vụ tai nạn giao thông thảm khốc vừa xảy ra ngày 30/7 tại tỉnh Quảng Nam khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa. Chiếc xe khách chở theo 17 người đang trên đường đi đón dâu thì va chạm với một chiếc xe container lưu thông theo chiều ngược lại. Có tới 13 người thiệt mạng, bao gồm cả lái xe. Nhiều nạn nhân là người thân của nhau.

Sự mất mát về người là quá lớn. Nhưng trong nỗi đau cảm xúc, nhiều ý kiến vẫn nhắc tới hai vấn đề mang tính lý trí: Sự chủ quan của các lái xe khi làm việc quá sức và sự chủ quan của hành khách khi không cài dây an toàn.

Thời điểm xảy ra tai nạn là vào khoảng 2h sáng khiến nhiều người nghĩ ngay đến khả năng lái xe buồn ngủ. Trên các diễn đàn, các tài xế chuyên nghiệp chia sẻ kinh nghiệm duy trì sự tỉnh táo khi phải lái xe đường dài vào ban đêm. Một số ý kiến khác nhắc nhở việc cài dây an toàn không nên chỉ để đối phó với cảnh sát giao thông, mà trước hết vì sự an toàn của chính mình.  

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết lực lượng công an đã làm việc với tài xế xe container và một số nhân chứng. Nguyên nhân ban đầu rất có thể là do lái xe khách đã ngủ gật, khiến xe bị mất lái rồi lao vào xe container gây ra vụ tai nạn thảm khốc. Có mặt tại hiện trường và sau đó đến thăm hỏi các nạn nhân bị thương đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng đưa ra nhận định tương tự.

Nguyên nhân chính thức của vụ tai nạn đang tiếp tục được các cơ quan chức năng làm rõ. Nếu kết quả điều tra phù hợp với các nhận định nói trên, đây sẽ là một hồi chuông mới nhất cảnh báo về tình trạng lái xe khách chủ quan trước các quy định về thời gian làm việc.

Tại Điều 65 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã có quy định “thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ”. Nếu vi phạm quy định này, theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, lái xe sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng. Như vậy, pháp luật đã quy định người lái xe ô tô nói chung và lái xe khách nói riêng phải có đủ thời gian nghỉ ngơi hợp lý khi tham gia giao thông, nhất là vào thời điểm về đêm hay gần sáng.

Đáng tiếc là trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải và lái xe vẫn rất chủ quan. Trong các đợt cao điểm lễ tết hoặc cuối tuần, nhiều tài xế xe khách tận dụng bằng cách “chạy sô” liên tục. Một số nguồn tin cho biết, trước ngày xảy ra tai nạn tại Quảng Nam, tài xế xe khách đã làm việc không nghỉ tới 12 tiếng. Bản thân lái xe cũng không có giấy phép kinh doanh vận tải, chiếc xe gặp nạn được coi là “hoạt động chui”.

Còn nhớ, cách đây không lâu khi các cơ quan chức năng tại Hà Nội ra quân xử phạt các lái xe chạy dịch vụ quá 4 tiếng liên tục, nhiều hãng xe và tài xế còn phản đối. Thậm chí họ “lách luật” bằng cách khai gian lận có hai tài xế thay phiên nhau làm việc để tránh bị xử phạt.

Vấn đề thứ hai liên quan đến việc tuyệt đại đa số người đi xe khách đều chủ quan không thắt dây an toàn. Đương nhiên lý do còn vì nhiều chủ xe đã gỡ bỏ dây an toàn trên các ghế ngồi để tránh vướng víu hoặc cắt giảm chi phí. Nhưng cần khẳng định tâm lý hành khách không muốn sử dụng trang bị bảo hộ này, kể cả khi xe chạy trên đường cao tốc, là một thực tế phổ biến. Rất nhiều người hiểu rõ tính năng quan trọng của sợi dây có thể cứu được mạng sống nếu xảy ra tai nạn, nhưng đều bỏ qua. Nhiều ý kiến cho rằng, trong vụ tai nạn ở Quảng Nam nói trên, nếu dây an toàn được sử dụng thì mức độ thương vong đã không thảm khốc đến như vậy.
 
Ô tô được xếp vào nhóm các phương tiện cơ giới có khả năng gây nguy hiểm cao độ. Tuân thủ các quy định pháp luật khi tham gia giao thông trước hết là đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho bản thân, sau đó là cho những người xung quanh. Bài học tuân thủ pháp luật, dù là những quy định nhỏ nhất, không còn dành cho các nạn nhân đã đi xa. Bài học ấy dành cho những người ở lại.

Vũ Hội