10:13 04/10/2020

Một Tổng thống Mỹ từng mắc đại dịch cách đây hơn 100 năm

Cách đây một thế kỷ, đại dịch cúm Tây Ban Nha đã lây lan tại Mỹ ở thời điểm nóng của Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Trong những người nhiễm bệnh có Tổng thống Mỹ khi đó Woodrow Wilson.

Chú thích ảnh
Ông Woodrow Wilson là Tổng thống Mỹ từ năm 1913-1921. Ảnh: CNN

Kênh CNN (Mỹ) cho biết cũng như dịch COVID-19, cúm Tây Ban Nha đã gây quá tải bộ máy y tế, khiến nơi công cộng vắng vẻ, nhiều sự kiện xã hội và công sở phải đóng cửa.

Tổng thống Wilson đã mắc cúm Tây Ban Nha và nhiều nhân viên cùng trợ lý thân cận của ông cũng như vậy.

Theo ông John M. Barry – tác giả cuốn "The Great Influenza: The Story of the Deadliest Pandemic in History" (tạm dịch: Đại dịch: Câu chuyện về dịch bệnh chết chóc nhất trong lịch sử), ở thời điểm năm 1918, Tổng thống Wilson dồn tập trung vào vấn đề Chiến tranh Thế giới Thứ nhất và “chưa bao giờ có phát biểu trước công chúng về cúm Tây Ban Nha”.

Ông Howard Markel tại Đại học Michigan nhận định rằng chính phủ liên bang khi đó có vai trò hạn chế đối với y tế công cộng. Khi đó chưa có Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) hay Viện Y tế Quốc gia, chính quyền liên bang tập trung vào chiến tranh, thu thuế, ban hành luật. Chính quyền tiểu bang sẽ giữ nhiệm vụ chính liên quan đến vấn đề y tế.

Tổng thống Wilson mắc cúm Tây Ban Nha vào năm 1919 khi ông ở Paris (Pháp) để đàm phán về hiệp định hòa bình sau cuộc chiến tranh. Trước khi mắc dịch bệnh này, ông còn gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe như hen suyễn và từng đột quỵ.

Tổng thống Wilson cảm thấy yếu người và ho dữ dội. Ban đầu bác sĩ cho rằng ông bị đầu độc. Tiếp đó, nhà lãnh đạo Mỹ có ảo giác ông bị điệp viên bao vây. Chính quyền Mỹ khi đó giữ kín thông tin về bệnh tình của vị tổng thống.

Sau đó Tổng thống Wilson hồi phục và quay trở về Mỹ. Năm 1924, ông bị đột quỵ rồi từ trần.

Chú thích ảnh
Các y tá chuẩn bị cáng dành cho bệnh nhân cúm Tây Ban Nha. Ảnh: CNN

Người mắc cúm Tây Ban Nha thường có triệu chứng xuất huyết mũi, mồm, mắt và miệng. Dịch bệnh này chủ yếu “tấn công” người trẻ tuổi, điều khiến các nhà khoa học bối rối. Tỷ lệ tử vong rất cao với nhóm trong độ tuổi từ 20-40 và trẻ em dưới 5 tuổi.

Ông Barry cho biết: “Gần 2/3 người tử vong nằm trong độ tuổi 18-50 và đặc biệt là độ tuổi 28. Tất nhiên các binh sĩ chủ yếu nằm trong nhóm độ tuổi này”. Dịch cúm Tây Ban Nha đã lây lan mạnh trong nhóm quân nhân.

Ông Alexander Navarro tại Đại học Michigan kể lại rằng khi đó nhiều người Mỹ từ chối đeo khẩu trang và quốc gia này ghi nhận có 675.000 người qua đời vì cúm Tây Ban Nha.

Dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát năm 1918 với ca mắc đầu tiên được ghi nhận vào tháng 3. Đại dịch kéo dài đến năm 1920 và trên toàn thế giới khi đó đã có trên 50 triệu người thiệt mạng vì dịch bệnh này.

Trong bài đăng trên tài khoản mạng xã hội Twitter cá nhân ngày 1/10 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận ông và Đệ nhất phu nhân Melania đã mắc COVID-19. Nhà lãnh đạo Mỹ đã được đưa đến Trung tâm Y tế quân đội quốc gia Walter Reed ở bang Maryland để theo dõi và điều trị.

Virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) xuất hiện tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) từ cuối năm 2019. Theo cơ quan chức năng Vũ Hán, dịch COVID-19 bùng phát trong khoảng thời gian từ ngày 12/12 – 29/12/2019, trong đó có nhiều bệnh nhân làm việc tại một chợ hải sản trong thành phố.

Hà Linh/Báo Tin tức