12:15 15/12/2021

Một thập kỷ chèo lái Triều Tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un

Trong tháng 12 này, Chủ tịch Kim Jong-un chính thức bước qua mốc 10 năm lãnh đạo Triều Tiên.

Chú thích ảnh
Bức ảnh được công bố tháng 9/2010 về nhóm các thành viên mới của ban lãnh đạo Đảng Lao động Triều Tiên, trong đó có ông Kim Jong-un. Ảnh: AP

Hãng thông tấn AP (Mỹ) đã điểm lại những mốc thời gian quan trọng trong một thập niên lãnh đạo Triều Tiên của ông Kim Jong-un.

Người kế thừa

Ông Kim Jong-un sinh ngày 8/1/1984 và là con thứ ba của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il.
Vào tháng 9/2010, truyền thông nhà nước đưa tin rằng ông Kim Jong-un được phong làm Tướng 4 sao.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Kim Jong-il cùng con trai Kim Jong-un khi theo dõi diễu binh tại Bình Nhưỡng vào tháng 10/2010. Ảnh: AP

Tháng 10/2010, ông Kim Jong-un "ra mắt" công chúng trong một buổi diễu binh, đứng sát cánh bên phụ thân Kim Jong-il. Ông Kim Jong-un đã cười, vỗ tay và vẫy chào binh sĩ Triều Tiên diễu binh qua.

Ngày 17/12/2011, nhà lãnh đạo Kim Jong-il từ trần, hưởng thọ 69 tuổi. Đến ngày 19/12/2011, truyền hình nhà nước Triều Tiên phát sóng bản tin đặc biệt vào buổi chiều thông báo về cái chết của nhà lãnh đạo Kim Jong-il. Khi đó, tên của ông Kim Jong-un đứng đầu trong danh sách Ban lễ tang quốc gia và truyền thông gọi ông là “người kế thừa cao quý”.

Chú thích ảnh
Ông Kim Jong-un bước bên xe chở linh cữu phụ thân ngày 28/12/2011. Ảnh: AP
Chú thích ảnh
Ông Kim Jong-un dự lễ truy điệu của cố lãnh đạo Kim Jong-il tại Bình Nhưỡng ngày 29/12/2011. Ảnh: AP

Ngày 30/12/2011, ông Kim Jong-un được vinh danh là chỉ huy tối cao của lực lượng vũ trang 1,2 triệu binh sĩ của Triều Tiên. Đây là vị trí cấp cao đầu tiên ông Kim Jong-un đảm nhận sau khi phụ thân qua đời. Trong nhiều tháng sau đó, ông Kim Jong-un giữ các vị trí cấp cao tại những cơ quan hàng đầu như Đảng Lao động cầm quyền và Ủy ban Quốc phòng.

Tham vọng hạt nhân

Chú thích ảnh
Bức ảnh chụp Chủ tịch Kim Jong-un tại một địa điểm không được công bố vào tháng 9/2017. Ảnh: AP

Tháng 12/2012, Triều Tiên tuyên bố đã phóng vệ tinh lên quỹ đạo. Nhiều nhà quan sát nhận xét đây là lần phóng tên lửa tầm xa thành công đầu tiên của Bình Nhưỡng. Liên hợp quốc coi vụ phóng này là động thái thử công nghệ tên lửa vi phạm lệnh cấm. Các lệnh trừng phạt Liên hợp quốc áp đặt có nội dung cấm Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo.

Tháng 2/2013 Triều Tiên thực hiện cuộc thử hạt nhân thứ ba và đây là vụ thử nghiệm liên quan đến hạt nhân đầu tiên dưới thời lãnh đạo của ông Kim Jong-un.

Năm 2016 Triều Tiên tiến hành hai vụ thử hạt nhân khác và lần thứ hai phóng thành công vệ tinh.

Chú thích ảnh
Hình ảnh vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 ngày 4/7/2017. Ảnh: AP

Ngày 4/7/2017, Bình Nhưỡng phóng thử lên lửa đạn đạo liên lục địa và Chủ tịch Kim Jong-un gọi đây là “món quà” Triều Tiên tặng cho Mỹ nhân ngày độc lập của nước này. Triều Tiên tiếp tục tiến hành hai vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa trong năm 2017.

Tháng 8/2017, Tổng thống Mỹ khi đó Donald Trump cảnh báo rằng Bình Nhưỡng có thể “gặp lửa và cuồng nộ”. Triều Tiên đáp trả bằng việc đe dọa phóng tên lửa đến đảo Guam, vùng lãnh thổ thuộc Mỹ.

Tháng 9/2017, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6 và mạnh nhất tính tới thời điểm đó đồng thời tuyên bố vũ khí này là bom nhiệt hạch.

Ngoại giao

Chú thích ảnh
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở làng đình chiến Panmunjom ngày 27/4/2018. Ảnh: AP

Tháng 4/2018, Chủ tịch Kim Jong-un tham gia cuộc họp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Đây là hội nghị thượng đỉnh thứ ba của Bình Nhưỡng và Seoul kể từ năm 1945. Sau đó hai nhà lãnh đạo tiếp tục tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh khác.

Tháng 6/2018, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ khi đó Donald Trump đã gặp mặt trực tiếp trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc. Sau cuộc gặp tại Singapore này, Chủ tịch Kim Jong-un cam kết hướng tới phi hạt nhân hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên nhưng không nêu rõ lộ trình chi tiết.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay cùng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore ngày 12/6/2018. Ảnh: AP

Tháng 2/2019, Chủ tịch Kim Jong-un gặp gỡ Tổng thống Trump tại Hà Nội, đây là hội nghị thượng đỉnh thứ hai của hai nhà lãnh đạo. Kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, hai bên không có tuyên bố chung do những khác biệt liên quan tới mức độ Bình Nhưỡng sẵn sàng giải trừ hạt nhân và Washington nới lỏng trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Tháng 6/2019, Chủ tịch Kim Jong-un gặp gỡ Tổng thống Mỹ Trump tại biên giới với Hàn Quốc. Tuy nhiên cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba này không mang lại đột phá.

Những khó khăn

Tháng 6/2020, Triều Tiên xóa sổ văn phòng liên lạc liên Triều trên lãnh thổ nước này, thể hiện bất bình về chiến dịch thả tờ rơi từ Hàn Quốc. Hãng tin AP cho rằng đây là động thái khiêu khích nhất của Triều Tiên kể từ khi khởi động ngoại giao hạt nhân với Washington và Seoul năm 2018.

Chú thích ảnh
Văn phòng liên lạc liên Triều bị phá hủy ngày 16/6/2020. Ảnh: AP

Tháng 1/2021, Chủ tịch Kim Jong-un thừa nhận kế hoạch phát triển kinh tế của ông đã thất bại. Nhưng ông cũng nhấn mạnh sẽ mở rộng kho vũ khí hạt nhân và phát triển thêm nhiều vũ khí tiên tiến trước “sự thù địch của Mỹ”.

Tháng 4/2021, Chủ tịch Kim Jong-un cho biết Triều Tiên đang đối mặt với “tình huống tồi tệ nhất” bởi dịch COVID-19, các lệnh trừng phạt và thảm họa thiên nhiên.

Tháng 10/2021, Chủ tịch Kim Jong-un cam kết xây dựng “quân đội bất khả chiến bại” khi tham quan triển lãm vũ khí có trưng bày tên lửa tầm xa đạt khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ.

Hà Linh/Báo Tin tức