01:09 16/01/2015

Một số nhân tố cản trở đàm phán hạt nhân Iran

Mỹ và Iran đều đang tỏ ra tích cực thúc đẩy thu hẹp những bất đồng hướng tới vòng đàm phán hạt nhân tiếp theo, tuy vẫn còn đó các nhân tố cản trở.

Theo một số tạp chí nghiên cứu quốc tế Canada, dự kiến ngày 18/1/2015, vòng đàm phán tiếp theo giữa Iran và Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) sẽ được tổ chức. Mỹ và Iran đều đang tỏ ra tích cực thúc đẩy thu hẹp những bất đồng. Tuy nhiên, vẫn còn đó các nhân tố cản trở không dễ gì giải quyết, thậm chí có những nhân tố còn không nằm trong khả năng giải quyết của mỗi bên.

Đại diện các bên tại vòng đàm phán ở Vienna, Áo ngày 24/11/2014. Ảnh: AFP/ TTXVN.


Thứ nhất,  giữa Mỹ, phương Tây và Iran còn nhiều bất đồng liên quan đến những nội dung cốt lõi, đặc biệt là về chương trình làm giàu urani, lò phản ứng nước nặng Arak và tiến độ nới lỏng trừng phạt của phương Tây.

Những bất đồng khó khỏa lấp này khiến cho quan chức các bên vẫn không thể đảm bảo đàm phán có kết quả tích cực. Gần đây nhất, ngày 15/1, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani vẫn thẳng thừng tuyên bố nước này sẽ cân nhắc làm giàu urani tới "bất cứ mức độ nào mong muốn" trong trường hợp Phương Tây áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.

Thứ hai, vấn đề hạt nhân Iran không chỉ gói gọn giữa Mỹ và Iran. Việc hai bên có đạt được kết quả tích cực hay không còn phải tính đến yếu tố tác động của những đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Trung Đông - đó là Isarel và Saudi Arabia. Với những diễn biến trên thị trường dầu thời gian qua, có cơ sở để tin rằng đã có những tác động ngầm từ Saudi Arabia.

Isarel và Saudi Arabia luôn coi Iran là kẻ thù. Vì thế, cả hai sẽ không ngồi im nhìn Iran và Mỹ mặc cả lợi ích riêng. Hiện con bài quan trọng nhất đối với Mỹ tại khu vực này đang nằm trong tay Saudi Arabia, đó là giá dầu lửa.

Đại diện các bên đàm phán tại Vienna, Áo ngày 24/11/2014. Ảnh: THX/TTXVN.


Giá dầu giảm là mũi tên trúng nhiều đích. Với Mỹ và châu Âu, mũi tên này, cộng với các lệnh trừng phạt (chưa đủ sức mạnh để răn đe theo ý Mỹ và châu Âu) phá hoại nền kinh tế Nga. Với Saudi Arabia, Israel, đích nhắm là Iran. Hai nước này không hề muốn một Iran hùng mạnh trong khu vực.

Giá dầu giảm cũng tác động trực tiếp đến nền kinh tế Iran, buộc nước này ngồi vào bàn đàm phán với một thái độ thiện chí và bớt cứng rắn hơn. Những tính toán này hoàn toàn phù hợp với lợi ích của Mỹ và phương Tây.

Thứ ba, nội bộ Mỹ vẫn chưa đạt được sự nhất trí về vấn đề Iran. Tổng thống Barack Obama từng đề xuất tạm dừng việc thực hiện các biện pháp trừng phạt, song ông Obama không có thẩm quyền để dỡ bỏ một số biện pháp chính mà không có sự thông qua của Quốc hội Mỹ. Và rõ ràng, Quốc hội Mỹ chắc chắn sẽ không đồng ý với yêu sách phải dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt từ phía các nhân vật theo đường lối bảo thủ của Iran.

Và, thứ tư là vấn đề nội bộ Iran. Xã hội Iran đang bị chia rẽ sâu sắc về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Khi mà các biện pháp trừng phạt đang ảnh hưởng xấu đến Iran. Năm ngoái, GDP của Iran giảm 5,8% và đến nay Tehran vẫn chưa vượt qua được suy thoái kinh tế. Người dân Iran đã quá mệt mỏi với những khó khăn kinh tế gây ra cho họ.

Nhưng trong chính giới Iran, thậm chí cả những nhân vật thuộc phe đối lập, đều nhận thức được rằng từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân đồng nghĩa với từ bỏ một vũ khí đảm bảo độc lập.

Nhiều người hiểu rằng phương Tây đang cố tình kéo dài thời gian đàm phán với ý đồ không hề tốt đẹp, đó là tạo ra sự thay đổi chế độ trong nội bộ Iran theo hướng thân phương Tây hay nói cách khác, đó là một cuộc “Cách mạng màu” ở Iran. Vì thế, có một điều chắc chắn là Iran sẽ không dễ dàng từ bỏ hoàn toàn chương trình làm giàu nguyên liệu hạt nhân.


Lê Hoàng
(P/v TTXVN tại Canada)