07:21 03/07/2011

Một quyết định không tuân thủ pháp luật gây thiệt hại cho dân

Hơn chục ngày qua, nhiều người dân ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) xôn xao dư luận và bất bình việc UBND phường Tân Lập cưỡng chế phá bỏ văn phòng làm việc của một doanh nghiệp và nhiều nhà cán bộ công nhân của đơn vị này, gây thiệt hại lớn tài sản và ảnh hưởng đến trật tự trên địa bàn.

Hơn chục ngày qua, nhiều người dân ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) xôn xao dư luận và bất bình việc UBND phường Tân Lập cưỡng chế phá bỏ văn phòng làm việc của một doanh nghiệp và nhiều nhà cán bộ công nhân của đơn vị này, gây thiệt hại lớn tài sản và ảnh hưởng đến trật tự trên địa bàn.

Công ty TNHH 27-7 Tây Nguyên (Công ty 27-7) thành lập từ năm 2007, chuyên làm nhiệm vụ trồng dược liệu, cây cảnh và trồng rừng. Đây là doanh nghiệp của những thương binh, cựu chiến binh và nạn nhân chất độc da cam - những người đã từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hoạt động của công ty nhằm giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho nhiều lao động thương binh và cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn. Tháng 10/20110, công ty thực hiện hợp đồng sử dụng đất sản xuất trong khu đất 1 ha của Hợp tác xã nông nghiệp Păn Lâm tại Khối 7, phường Tân Lập. Theo hợp đồng này, hàng năm công ty nộp thuế sử dụng đất và trả lại sản phẩm cho hợp tác xã theo mức khoán đã thỏa thuận. Hợp đồng có thời hạn sử dụng đất đến năm 2043. Từ đầu năm 2011, công ty xây dựng căn nhà tạm làm văn phòng với diện tích trên 100 m2 .Căn nhà này vừa làm việc, vừa làm nơi giao lưu anh em cựu chiến binh, những người đã từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên (Chiến trường B3). Do quá khó khăn về nhà ở, 15 thành viên của doanh nghiệp là những thương binh, cựu chiến binh nghèo, gia đình chính sách cũng xây dựng nhà tạm trên khu đất này. Đến đầu tháng 5/2011, văn phòng của công ty và những căn nhà của cán bộ, công nhân doanh nghiệp được xây dựng xong và đưa vào xây dựng.

Nhà Văn phòng Công ty 27-7 bị đập phá và sát vách là nhà dân vẫn được giữ nguyên.

Ngày 25/5/2011, UBND phường Tân Lập đã đưa một đoàn cán bộ đến lập “Biên bản số 24/BB-VPHC vi phạm hành chính và ngừng thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng” đối với Giám đốc Công ty TNHH 27-7 Tây Nguyên, ông Đào Quang Lam. Biên bản ghi rõ việc vi phạm hành chính của công ty là “Xây dựng không có giấy phép” và buộc doanh nghiệp phải khắc phục trong 24 giờ. Điều đáng nói là, trong quá trình thi công xây dựng nhà thì không thấy ai ngó ngàng nhắc nhở gì, nhưng khi nhà làm xong và đã đưa vào sử dụng thì cán bộ phường đến lập biên bản buộc dừng thì công!?

Trong khi Công ty 27-7 đang lúng túng tìm hướng khắc phục căn nhà làm tạm văn phòng, thì đến 30/5/2011, UBND phường Tân Lập ra Quyết định số 106/QĐ-UBND về việc cưỡng chế tháo dỡ căn nhà Văn phòng Công ty 27-7 Tây Nguyên. Quá bất ngờ và bức xúc, ngày 1/6/2011, Công ty 27-7 có công văn số 01/CV-CT gửi UBND phường Tân Lập “Xin cho một số thương binh, gia đình chính sách đã làm nhà tạm được ở trong thời gian ngắn, khi Nhà nước thu hồi thì các hộ này tự tháo gỡ và không đòi hỏi sự trợ tái định cư”.

Phớt lờ ý kiến của công ty, sáng ngày 3/6/2011, UBND phường tổ chức một lực lượng đông đảo cùng với các thiết bị cơ giới hạng nặng đến vùng đất của doanh nghiệp hợp đồng sản xuất để cưỡng chế phá bỏ căn nhà văn phòng Công ty 27/7. Trong lúc cán bộ nhân viên công ty 27-7 đi vắng, cửa văn phòng khóa, đoàn cưỡng chế của phường không lập biên bản mà tự ý phá cửa, vào nhà lôi các loại tài sản, két sắt, tài liệu ra ngoài rồi cho máy múc cào sập tường, san phẳng căn nhà.

Cũng ngày 3/6/2011, đoàn cưỡng chế của UBND phường Tân Lập đã đập phá và san phẳng luôn 15 căn nhà của các hộ cán bộ công nhân của Công ty 27-7. Trong quá trình thực hiện việc cưỡng chế theo quyết định của phường, một số gia đình đi vắng, nhưng việc đập phá nhà vẫn được tiến hành. Nhiều gia đình cố van nài, năn nỉ xin tự tháo dỡ nhà để tận dụng các loại vật liệu và bảo quản tài sản, nhưng đoàn cưỡng chế của phường vẫn không cho và việc đập phá tháo dỡ bỏ nhà đã được thực hiện nhanh chóng. Nhiều người xót xa nhìn đống đồ đạc, tài sản của gia đình mình bị đất đá vùi lấp, đổ nát, vật liệu hư hỏng không thể tận dụng được đã không cầm nổi nước mắt vì tiếc của và công sức.

Nhà thương binh và gia đình chính sách của Công ty 27-7 bị san phẳng, các tấm tôn và vật liệu xây dựng bị nghiền nát.

Nhiều người dân khi chứng kiến sự việc trên rất bức xúc và bất bình, vì việc ban hành quyết định của UBND phường Tân Lập cưỡng chế phá bỏ nhà văn phòng doanh nghiệp của anh em thương binh làm không đúng trình tự của luật pháp, không đủ tính pháp lý và vượt thẩm quyền. Trong quyết định của UBND phường chỉ ghi nội dung cưỡng chế dỡ bỏ văn phòng Công ty 27 -7, nhưng trong khi thực hiện cưỡng chế thì toàn bộ 16 căn nhà gồm văn phòng doanh nghiệp và tất cả nhà các hộ thương binh, cựu chiến binh, gia đình chính sách cũng bị đập phá. Trước đó, UBND phường cũng chưa một lần mời gặp các hộ dân của công ty để thông báo việc giải quyết sự việc và cưỡng chế dỡ bỏ nhà tạm.

Thật khó hiểu là, tại khu đất của công ty nhận quản lý sử dụng, trước đây người dân địa phương đã xây dựng trên chục căn nhà, trong đó có cả cơ sở cưa xẻ chế biến gỗ tư nhân. Thực hiện việc cưỡng chế giải tỏa, UBND phường vẫn để nguyên những căn nhà của dân làm trên khu đất này, trong khi đó nhà tạm của cán bộ công nhân Công ty 27-7 là cựu chiến binh, thương binh, gia đình chính sách thì bị cưỡng chế dỡ bỏ toàn bộ. Không ít người dân chứng kiến sự việc rất băn khoăn và thắc mắc việc làm của UBND phường có sự ưu ái đối với những hộ dân làm nhà ở từ trước, nhưng xử sự đối với Công ty 27-7 lại quá bất công. Với hình ảnh đối chứng, căn nhà văn phòng Công ty 27-7 bị đập nát vụn, trong khi đó căn nhà sát vách của người dân được xây dựng từ lâu trên vùng đất của công ty hợp đồng nhận khoán thì vẫn giữ nguyên vẹn. Hay hàng loạt nhà của cán bộ công nhân doanh nghiệp bị san phẳng, trong khi những nhà dân xen kẽ thì vẫn bình an vô sự. Đây thực sự là vấn đề làm cho nhiều người nghi vấn và đặt câu hỏi tại sao UBND phường quá thiên vị và xử sự quá bất công. Hơn nữa đối với khu đất này của HTX Păn Lâm đã được bàn giao cho Công ty 27-7 quản lý và hiện nay, Nhà nước vẫn chưa quy hoạch xây dựng công trình.

Sự việc trên đang là vấn đề gây nhức nhối trong dư luận tại Buôn Ma Thuột. Ngày 15/6/2011, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có công văn số 2888/UBND-CV gửi UBND thành phố Buôn Ma Thuột. Công văn yêu cầu Chủ tịch TP Buôn Ma Thuột kiểm tra sự việc, báo cáo về nội dung trên cho UBND tỉnh trước ngày 25/6/2011 để xử lý. Nhiều người dân địa phương đòi hỏi cơ quan chức năng phải xem xét khách quan để giải quyết sự việc thấu đáo, nhằm giữ nghiêm pháp luật, xử lý kẻ vi phạm, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân. Nhất là các đối tượng gia đình chính sách, những thương binh, và các cựu chiến binh nghèo với cuộc sống khó khăn đang cần sự giúp đỡ.

Bài và ảnh:
Nguyễn Tiên Tri