10:17 18/10/2010

Một phép mầu, một câu chuyện cổ tích có thật

Khi người thợ cuối cùng Luis Alberto Urzua bước ra khỏi lồng cứu hộ Fenix (Phượng Hoàng), trở về sau 70 ngày nằm cạnh tử thần ở độ sâu gần 700 mét dưới lòng đất...

Khi người thợ cuối cùng Luis Alberto Urzua bước ra khỏi lồng cứu hộ Fenix (Phượng Hoàng), trở về sau 70 ngày nằm cạnh tử thần ở độ sâu gần 700 mét dưới lòng đất, cũng chính là lúc quốc ca Chilê, do đích thân Tổng thống Sebastian Pineda bắt nhịp, được cất vang trong sa mạc mênh mông, đánh dấu cho sự hồi sinh của 33 con người. Sự sống đã trở về từ cõi chết nhờ nỗ lực và ý chí phi thường của con người.

Hồi kết có hậu

Đúng 10 giờ 33 phút sáng 14/10 (giờ VN)), anh Manuel González, đội trưởng đội giải cứu gồm 6 người được cử xuống lòng đất để giúp 33 thợ mỏ bị kẹt trong vụ sập hầm mỏ San Jose ở Chilê đã trở lên mặt đất an toàn, chính thức khép lại chiến dịch giải cứu hoàn hảo. Tổng thống S. Pinera đã đón và chúc mừng González ngay tại cửa ra của đường ống cứu hộ, và sau đó đích thân ông đóng lại nắp đường ống này, kết thúc một chiến dịch giải cứu có một không hai trong lịch sử loài người và cũng là lúc kết lại một câu chuyện cổ tích có thật thời hiện đại.

Trước đó vài giờ, người thợ mỏ cuối cùng Luis Urzua, trưởng ca trực hôm xảy ra vụ tai nạn hầm mỏ và là người chỉ huy nhóm thợ trong suốt thời gian bị giam cầm dưới lòng đất, cũng đã bước ra khỏi chiếc lồng cứu hộ trước niềm sung sướng vỡ òa của tất cả mọi người.

Hành trình hồi sinh của 33 thợ mỏ bắt đầu vào lúc 10 giờ 10 ngày 13/10 (giờ VN), khi người thợ mỏ đầu tiên, anh Florencio Avalos, 31 tuổi được đưa lên khỏi mặt đất, tận hưởng không khí trong lành những ngày dài sống trong "địa ngục" cạnh tử thần. Cùng lúc đó, hơn 1.000 phóng viên của gần 40 nước, có mặt sẵn ở đó, cũng khẩn trương đưa tin và phát hình trực tiếp để mọi người trên khắp thế giới được chứng kiến, tận hưởng thời khắc lịch sử này. Có thể nói niềm sung sướng mà mọi người vừa được hưởng vô cùng đặc biệt. Nó diễn ra liên tục trong suốt 24 giờ, kèm theo đó là nỗi lo âu hồi hộp vì một sự cố bất ngờ (dù là nhỏ nhất) vẫn có thể xảy ra. Khi một người được kéo lên, một niềm vui tràn đến và nỗi lo âu bớt đi một phần. Người thứ hai được kéo lên, niềm vui lại nhân đôi và rủi ro về sinh mạng của số người lại bớt đi. Niềm sung sướng trở thành trọn vẹn khi người thợ cuối cùng Luis Alberto Urzua được đưa lên mặt đất.

Thành công nhờ ý chí và… công nghệ

Sau vụ tai nạn sập hầm mỏ bất ngờ hôm 5/8, dường như thấu hiểu nỗi lo âu, khắc khoải của 33 thợ mỏ cùng với người thân của họ, từ chính phủ Chilê đến từng người cứu hộ đã nỗ lực hết sức, làm bằng hơn 100% sức lực và trí tuệ của mình. Trước tiên, các nhân viên cứu hộ đã khoan một lỗ có đường kính 12 cm đến nơi trú ẩn để cung cấp thực phẩm, nước uống, thuốc men, bình dưỡng khí và các phương tiện giải trí… sau đó đội cứu hộ khẩn trương bắt tay vào công cuộc giải cứu.

Tất cả các phương án tối ưu đã được đưa ra để bàn bạc nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Phương án được quyết định lựa chọn là triển khai cùng một lúc cả 3 máy khoan gồm: Máy khoan Strata 950 (Kế hoạch A), máy khoan T-130 (Kế hoạch B) và máy khoan RIG-421 (Kế hoạch C). Hai máy khoan Strata 950 và T-130 đều sử dụng mũi khoan thông thường, trong khi đó máy khoan RIG-421 với mũi khoan được vận hành bằng khí nén có thể nghiền nát đá khi mũi khoan xoay vòng.

Giáo sư kỹ thuật địa chất Maurice B.Dusseault, thuộc đại học Waterloo của Canađa cho biết với núi đá lửa cứng pha lẫn khoáng chất cứng ở khu vực xung quanh mỏ San Jose thì việc sử dụng máy RIG-421 là rất phù hợp. Tuy nhiên, do trục trặc trong quá trình khoan do đụng phải bu lông mái bằng thép khiến mũi khoan RIG-421 bị hỏng và phải dừng lại vài ngày để sửa. Trong khi đó, nhóm kỹ sư của kế hoạch B (sử dụng máy khoan T-130) đã đến nơi thợ mỏ trú ẩn do tận dụng được một trong những lỗ khoan được tạo trước đó để xác định vị trí các thợ mỏ, rồi sau đó khoan mở rộng ra 71 cm, đủ để đưa lồng giải cứu xuống nên kế hoạch B được lựa chọn.

Mặc dù công việc khoan, gia cố đường hầm, cũng như thiết kế lồng cứu hộ, ròng dọc kéo… đều đã hoàn tất, song công việc cuối cùng là đưa 33 thợ mỏ lên mặt đất cũng không hề đơn giản. Để thực hiện công việc này, hàng tuần trước đó, đội cứu hộ đã phải theo dõi kiểm tra sức khỏe thường xuyên và thực hiện hướng dẫn các thợ mỏ chế độ ăn uống đặc biệt với các khẩu phần ăn lỏng giàu năng lượng do Cơ quan Hàng không -vũ trụ Mỹ (NASA) cung cấp và cuối cùng mọi việc đã diễn ra suôn sẻ, kế hoạch giải cứu đã thành công, 33 sinh mệnh đã được hồi sinh.

Thế giới hân hoan trước "phép màu ở San Jose"

Những bức ảnh tràn ngập niềm vui, nụ cười và cả những giọt nước mắt trên những gương mặt rạng ngời hạnh phúc của các thợ mỏ Chilê vừa trải qua những thời khắc đáng nhớ khi được trở lại với cuộc sống đời thường cùng dòng tít đầy ấn tượng về sứ mạng giải cứu có một không hai này tràn ngập trang nhất các báo hàng đầu thế giới số ra ngày 14/10. Đây là sự kiện được báo chí thế giới đề cập nhiều thứ 5 từ trước đến nay.

Người dân Chilê đổ ra đường ăn mừng như trong các lễ hội quốc gia.

Hàng loạt những dòng tít ấn tượng như "Phép nhiệm màu ở San Jose" trên trang nhất tờ Telegraph của Anh, hay "Những lời nguyện cầu, những giọt nước mắt và niềm vui sướng" trên tờ South China Morning Post. Trong khi đó, tờ New York Times nhận xét chiến dịch giải cứu này là một sự kiện nghẹt thở, khiến ngay cả những phóng viên dày dạn có mặt tại hiện trường cũng không kìm được những giọt nước mắt vui sướng.

Theo tờ Die Welt của Đức, gần một tỷ người trên thế giới đã theo dõi diễn biến chiến dịch cứu hộ trên qua Internet, đài phát thanh và truyền hình. Và ngày vui này không còn chỉ là của riêng Chilê mà đã trở thành ngày vui của cả thế giới.