05:09 09/05/2012

Một người dân tộc Vân Kiều cưu mang nhiều học trò nghèo

Với mong muốn thắp sáng ước mơ của học sinh nghèo miền núi, ông Vỗ Công, người dân tộc Vân Kiều ở thôn Pa Hy, xã Tà Long, huyện Đakrông (Quảng Trị) nhiều năm qua đã cưu mang, đùm bọc các em có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em thực hiện ước mơ được học hành.

Với mong muốn thắp sáng ước mơ của học sinh nghèo miền núi, ông Vỗ Công, người dân tộc Vân Kiều ở thôn Pa Hy, xã Tà Long, huyện Đakrông (Quảng Trị) nhiều năm qua đã cưu mang, đùm bọc các em có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em thực hiện ước mơ được học hành.


Tà Long là một xã vùng xa của huyện Đakrông, chủ yếu là đồng bào dân tộc Pakô, Vân Kiều sinh sống. Đời sống kinh tế của người dân nơi đây còn khó khăn thiếu thốn, nên việc đi học đối với con em còn nhiều vất vả. Vốn là một cựu chiến binh xuất ngũ trở về sau những năm tháng chiến đấu gian khổ, ông Vỗ Công hiểu được ý nghĩa của giáo dục đối với học sinh dân tộc mình, nên từ những năm 1993 đến nay ông đã dìu dắt, nuôi nấng hơn 10 em học sinh nhà nghèo, đông con, khó khăn đến trường đi học.


 

Ông Vỗ Công dạy em Hồ Văn Lặm học bài.

 

Ông tâm sự: "Ngày ấy, vì không có trường lớp mà con trai tôi là Hồ Văn Hiệu chỉ học hết phổ cập đã phải bỏ”. Mọi ước mơ hi vọng để con mình có thể học lên đại học sau này đưa khoa học kĩ thuật về giúp đồng bào thay đổi cuộc sống đã bị dập tắt hoàn toàn. Sau này thấy các cháu học sinh khổ cực, muốn đi học mà ngày ngày phải băng rừng vượt suối nên ông đã đưa các em học sinh về nuôi với mong muốn các em có thể tiếp tục giấc mơ đến trường, sau này về giúp dân bản.


Mặc dù hoàn cảnh gia đình không khá giả, thu nhập chỉ dựa vào đồng lương hưu của 2 vợ chồng và từ 8 sào ruộng, ông đã chắt chiu nuôi dưỡng những học sinh không phải là họ hàng thân thuộc ăn học bao nhiêu năm trời. Đã vào tuổi 77, tuy sức khỏe đã yếu nhưng ngày ngày ông vẫn cần mẫn cuốc rẫy làm nương; tối tối vẫn đi soi ếch, bắt cá về cải thiện thêm bữa ăn cho các cháu. Tấm lòng ấy khó ai mà có được. Cuộc sống tuy khó khăn, nhưng ông không bao giờ nản chí, bởi ông xem tất cả các em như con cháu của mình.


Các em học sinh ở gia đình ông ít nhất cũng 4 hay 5 năm, em ở lâu có thể đến 10 năm. Có lúc gia đình ông có 9 người thì số học sinh ông nuôi đã chiếm tới 4 em. Học sinh quý ông như người cha già thân thiết, thường gọi ông với cái tên trìu mến “Pả Hiệu”. Ông tâm sự: Khỏe mạnh thì không sao, nhưng khi tụi nhỏ ốm đau vào những lúc trời mưa gió mới thật sự vất vả, cả nhà phải cắt rừng đưa các cháu vào trạm xá, nhiều khi tiền trong nhà không có phải vay mượn thêm.


Vào những buổi trưa, những người khách thường xuyên của ông có khoảng 10 học sinh tiểu học. Các em về đây để nghỉ ngơi, ăn cơm trưa, có em có gói mì tôm nhờ ông chế nước nóng hộ, nhưng cũng có em không có gì. Từ sáng sớm, ông đã lọ mọ đi hái rau rừng, nấu cơm, đi chợ chuẩn bị sẵn đồ ăn cho các cháu ở xa đi học về là có cơm ăn, nghỉ ngơi để chiều lại tiếp tục đến trường. Các học sinh tới đây hầu hết có hoàn cảnh nghèo khó khăn, xa nhà được ông đùm bọc bằng sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của mình. Hàng đêm, sau một ngày lao động vất vả ông lại cần mẫn giảng bài cho các em, hướng dẫn cho các em học. Giữa núi rừng thanh vắng tiếng học bài ê a của con trẻ vẫn vang lên bên cạnh những lời chỉ bảo và khuyến khích, trong cuộc sống còn nhiều khó khăn bộn bề hôm nay vẫn có một tấm lòng đáng trân trọng như thế.


Trong số những học sinh mà ông nuôi dưỡng hầu hết đã trưởng thành, có người từng trở thành Bí thư Chi bộ xã Tà Long như anh Hồ Văn Rế, cũng có em đang là sinh viên Trường Đại học Vinh như em Hồ Văn Phong… Với tấm lòng vì tương lai thế hệ sau, năm 2005, ông Vỗ Công cũng đã tình nguyện hiến 200 m2 đất vườn cây ăn quả đang thời kì thu hoạch để xã xây dựng trường mẫu giáo. Ông cũng tự bỏ tiền để đưa đường ống dẫn nước và điện sinh hoạt về trường.


Ông Phạm Đức Toàn, Hiệu trưởng Trường THCS Tà Long cho biết: Ông Vỗ Công từ lâu đã nuôi nấng chăm sóc nhiều học sinh ở xa của trường ở tại nhà. Ông là tấm gương điển hình tốt cho mọi người noi theo góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của trường. Bên cạnh nuôi dạy các học sinh, ông còn vận động bà con gần nhà cùng thực hiện theo cũng như tạo điều kiện hỗ trợ cho các học sinh nghèo ở lại ăn cơm trưa. Nhờ có ông mà số lượng học sinh bỏ học của trường cũng giảm bớt so với trước, góp một phần không nhỏ trong việc dạy và học tại trường, cũng như nâng cao dân trí của người dân ở thôn, bản.


Bài và ảnh: Thanh Thủy