06:09 19/06/2011

Một nghề đáng quý

Nhân ngày 21 tháng 6, nhiều bạn đồng nghiệp yêu cầu viết bài. Viết nhiều sợ nhàm chán và khó đáp ứng thị hiếu của độc giả từng báo. Tại sao không mời các đồng nghiệp trẻ đến nghe họ hỏi gì thì biết đâu nói đấy.

Nhân ngày 21 tháng 6, nhiều bạn đồng nghiệp yêu cầu viết bài. Viết nhiều sợ nhàm chán và khó đáp ứng thị hiếu của độc giả từng báo. Tại sao không mời các đồng nghiệp trẻ đến nghe họ hỏi gì thì biết đâu nói đấy. Lớp nhà báo trẻ ngày nay thông minh lắm, kỹ năng nghề nghiệp có phần vượt trội hơn thế hệ trước, lại gắn bó với độc giả. Nói những suy nghĩ và hiểu biết của mình để họ ghi nhận, sàng lọc thành bài viết của họ chắc chắn có nhiều hiệu quả hơn. Hai tháng qua đã làm như vậy và cũng đã nhận được điện thoại từ các bạn trẻ tỏ sự hài lòng về cách tiếp cận một đề tài cũ theo phương thức mới.
Nhưng với báo Tin Tức của Thông tấn xã không thể làm như vậy. Nhưng viết gì đây, tìm được nội dung gì mới cho một đề tài cũ?

Phóng viên TTXVN gửi tin về tổng xã


I. Chợt nhớ đến tập sách gần một nghìn trang mà Tạ Quang Ngọc và gia đình vừa gửi cho, tập sách có tựa đề “Một nghề đáng quý” của Quang Đạm. Từ cõi linh thiêng, hi vọng nhà báo Quang Đạm cũng hài lòng về những nỗ lực của con cháu cùng những đồng nghiệp thế hệ sau và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia- Sự thật đã lựa chọn cẩn trọng những bài viết của anh, kể cả những trang bản thảo viết tay chưa công bố. Họ đặt tên sách “Một nghề đáng quý” là cũng dựa theo ý tưởng của anh đã từng thể hiện trong khi nói chuyện và có cả trong một bài viết nào đó. Với tấm lòng kính trọng tài năng và trí tuệ uyên bác của anh, xin cho phép tôi được mượn tên sách để làm đề bài báo cho ngày 21 tháng 6 năm 2011 này. Từ cõi Bác Hồ, xin anh lượng thứ cho khi tôi viết đôi lời về anh, nếu có điều gì không chuẩn và không phải đạo.

Thời những năm 50-60, chúng tôi thường có hai nhận xét: Quang Đạm xuất thân từ lò luyện Trường Chinh hàm ý nói về tính nghiêm túc và cẩn trọng của anh; hai là chúng tôi thường xếp anh vào loại nhà báo “tĩnh”. Nhà báo “tĩnh” thì được đọc nhiều, có thời gian tự học nhiều và suy nghĩ sâu sắc, cũng có những người cùng thời được xếp vào loại nhà báo “tĩnh” nhưng lại có phong cách khác nhiều so với anh như Xích Điểu, Ngô Đức Ngộ. Loại thứ hai là loại “động” như kiểu Thép Mới, Lưu Quý Kỳ, loại “động” thường tiếp xúc nhiều hơn, hoạt động xã hội nhiều hơn và cũng viết nhiều hơn.

Dẫu biết tiếng Quang Đạm từ bút chiến về tư pháp trong những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám nhưng chỉ thực sự quan tâm và coi trọng anh từ lần Bác Hồ gọi lên giao việc. Việc rất đơn giản nhưng lại để cho tôi một ấn tượng sâu sắc. Không qua văn phòng, tự tay Bác trao một bản viết tay chữ Hán gửi cho một nhà lãnh đạo nước ngoài. Bác dặn: “Chú đem về chụp lại làm thành dương bản và trao tận tay cho chú Quang Đạm, Bác nhắc lại nhớ phải trao tận tay chú Quang Đạm để in nguyên bản trên báo”. Bản tiếng Việt coi như bản dịch và Bác cũng đưa luôn bản tiếng Việt để phát chung cho các cơ quan báo chí.

Về cơ quan, thực hiện đúng lời Bác dặn và tự mình đem phim dương bản trao cho anh với lời dặn dò của Bác. Cũng may là đúng hôm anh trực đêm. Không nói gì thêm với anh vì biết chắc hẳn anh hiểu rõ tình hình quốc tế đang có nhiều điều tế nhị. Sớm mai thức dậy nhìn báo Nhân Dân thấy thư chữ Hán của Bác được in trang trọng kèm theo bản tiếng Việt đặt ở dưới, thật sự yên tâm vì đã thực hiện được đúng lời dặn của Bác dẫu có nhận được vài cú điện thoại phàn nàn về báo ta sao lại in chữ Hán. Và cũng từ đó mỗi khi có tin, bài quan trọng tôi thường gặp và trao đổi ý kiến với anh. Càng ngày tôi càng cảm thấy nhà báo ”tĩnh” khá uyên bác dẫu nói ít nhưng ý kiến sâu sắc không chỉ về sách vở mà cả về đời sống thực tiễn trong nước và thế giới. Thậm chí nhiều lần phải làm phiền anh về ý nghĩa của những từ Hán và cả những cách dịch, phiên âm tiếng nước ngoài phức tạp.

Có lần tôi yêu cầu anh phân tích nguồn gốc chữ “Tin Tức” và đối chiếu nó với những từ đồng nghĩa của nước ngoài, anh cười vui: “Làm thông tấn cựu trào mà đi hỏi người ngoại đạo về chính nghề nghiệp của mình”. Tuy nhiên anh vẫn dành cả tiếng đồng hồ không chỉ nói mà còn bút đàm về hai từ “tin tức” đối chiếu với từ nouvelle và news. Cũng có dịp nói chuyện với anh về nghề báo của Bác Hồ, về cách học viết báo của Bác, về tờ Le Parisa và tờ Thanh Niên, nhưng cũng như tôi, anh chưa hề được đọc một bản gốc hai tờ báo do Bác sáng lập. Cũng dễ hiểu, ngay cả Tố Hữu và Trần Quang Huy cũng chưa được xem bản gốc tờ Thanh Niên, hai ông đều nói biết có tờ Thanh Niên, biết nội dung những bài báo và cũng truyền bá rộng rãi nội dung tờ báo cho người khác, nhưng bản thân mình chưa từng có trong tay tờ báo đó. Quả thật, khi tiếp cận với các bậc cách mạng tiền bối, những người đã từng học truyền miệng tư bản luận tiếng Pháp ở trong tù; khi tranh luận về đường lối, các cụ trích cả từng đoạn tư bản luận bằng tiếng Pháp. Nhưng khi hỏi các cụ về tờ Thanh Niên thì các cụ đều giải thích cặn kẽ nội dung của tờ báo và cuốn Đường Kách Mệnh được coi như vốn liếng khi truyền dạy và tổ chức các đoàn thể cách mạng, cũng chưa thấy cụ nào được có trong tay bản gốc tờ Thanh Niên.

Thế mới hay sức lan tỏa của một tờ báo không hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng phát hành mà chính từ nội dung những bài báo đã đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người đọc và hướng dẫn cho người ta hành động. Người ta đã truyền miệng cho nhau những nội dung bài báo viết đúng sở nguyện của họ. Tờ Thanh Niên không ra được nhiều kỳ, cũng không thể in được số lượng lớn, nhưng đã đóng vai trò tuyên truyền, tổ chức và hướng dẫn hành động cách mạng cho thế hệ thanh niên yêu nước cuối những năm 20 và trong những năm 30, không chỉ phát triển hội viên hội cách mạng thanh niên, mà còn phát triển thành các tổ chức tiền thân của Đảng.

II. Những năm 50, 60, 70 của thế kỷ trước, hàng ngàn nhà báo chuyên nghiệp và nửa chuyên nghiệp kế tục sự nghiệp của báo Thanh Niên vẫn được coi là thế hệ những người làm báo một chiều. Xét cho cùng đúng là làm báo một chiều thật. Bởi họ chỉ có một chiều hướng tư tưởng xuyên suốt là phục vụ sự nghiệp xây dựng lực lượng sản xuất, chiến đấu chống xâm lược giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Cũng có phê bình và tự phê bình trên báo, có cả những cuộc đấu tranh chuyển vụ lúa chiêm thành lúa xuân, cải tiến quản lý hợp tác xã, phê phán tệ rong công phóng điểm, cơ chế phân phối chưa hợp lý thiếu công bằng và tệ quan liêu nhũng nhiễu ở miền Bắc. Nhưng đấu tranh nội bộ là chính, có phản ánh trên báo thì cũng với bút pháp nhẹ nhàng.
Chính Bác Hồ cũng viết bài phê bình trên báo. Những người viết báo thời đó đi cơ sở đến phong trào chỉ mong chọn những việc tốt, những điển hình tiên tiến để biểu dương cổ vũ. Gặp điều bất bình thì về làm báo cáo chứ không phải để viết bài đăng báo. Thời đó còn có hướng chỉ đạo “thắng mười viết mười, thua mười chỉ viết ba”, nghĩa là bắn rơi và bắn cháy được 3 máy bay địch thì viết đủ 3 máy bay, ta có tổn thất dẫu nặng cũng chỉ được viết tổn thất nhẹ. Chỉ riêng trường hợp cần thiết tố cáo địch giết hại dân thường thì được viết đầy đủ, nhưng cách viết phải làm sao không gây dao động trong nhân dân. Người viết bài này đã từng được Bác Hồ ghi bên cạnh tiểu phẩm phê phán nội bộ đăng trên báo Cứu Quốc: “Lời văn khinh bạc, thể loại không thích hợp, chỉ dùng để đánh địch chứ không thể phê bình đồng chí mình”. Đặc biệt đưa tin về miền Nam thì chỉ được đưa tin chiến thắng, biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm và tố cáo địch khủng bố nhân dân, tuyệt đối không được phê bình những sai phạm và càng không được nêu tổn thất của ta.

Nếu coi những điều đó là làm báo một chiều thì cần xác định một chiều chính là chiến đấu và cách mạng. Nhớ lại có lần đầu những năm 90 trong cuộc nói chuyện với các nhà báo phương Tây tại trung tâm báo chí ở thủ đô Oasinhtơn, dành một phần nói về tính chân thật của báo chí Việt Nam, người nói đã dám thẳng thắn thừa nhận: “Chúng tôi chỉ viết những sự thật có lợi cho cuộc chiến đấu của chúng tôi. Thậm chí chúng tôi còn chủ động viết sai sự thật” và nêu lên một số thí dụ nổi bật: Khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã ngồi tại sở chỉ huy ở miền Nam chỉ đạo tư tưởng “nắm thắt lưng địch mà đánh” thì chúng tôi vẫn đưa hình ảnh của ông đang đi thăm cánh đồng ở miền Bắc và làm việc với lãnh đạo địa phương với tư cách là người phụ trách cao nhất về nông nghiệp của Đảng Cộng sản Việt Nam (đương nhiên chúng tôi phải giải thích trước với lãnh đạo và người dân địa phương). Dẫu biết chắc không lừa hoàn toàn được các ông, nhưng ít ra cũng làm cho chỉ huy Mỹ bán tín bán nghi. Rồi trong chiến dịch Khe Sanh, chúng tôi đưa những thông tin nửa thực nửa hư như là chuẩn bị biến Khe Sanh thành Điện Biên Phủ thật. Cú đưa tin sai có dụng ý này đã thực sự thu hút không chỉ bộ tham mưu mà cả giới báo chí Mỹ cũng tưởng chúng tôi lấy Khe Sanh làm quyết chiến điểm. Hình như việc đưa tin sai sự thật này đạt được thành công nhất định để chúng tôi mở cuộc tập kích chiến lược vào hầu hết thành phố và thị xã toàn miền Nam trong Tết Mậu Thân năm 68. Còn chiến dịch đường 9 - Nam Lào, trong khi quyết tâm đánh trận tiêu diệt lớn, huy động nhiều sư đoàn chủ lực từ miền Bắc, kể cả lực lượng xe tăng và bộ binh cơ giới. Chúng tôi đưa tin ảnh các tướng Lê Trọng Tấn, Lê Quang Đạo đi thăm các sư đoàn đang huấn luyện và tập trận tại các vùng căn cứ sâu ở miền Bắc. Không biết có đánh lừa được bộ tham mưu Mỹ hay không, nhưng chúng tôi đã giành toàn thắng trong chiến dịch này. Người nói cũng vui cười nhìn các nhà báo phương Tây, trong đó có những người đã viết bài về tình trạng nghèo đói và không biết quản lý kinh tế của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Và, nói thẳng thắn: “Chúng tôi không chỉ nói và viết về tình trạng cực nghèo ở Việt Nam đến mức bình quân thu nhập mỗi ngày của một người chỉ trên dưới ba mươi xu Mỹ và rằng những người lãnh đạo Việt Nam đang phải học tập từ trong thực tế để hi vọng sớm thoát khỏi tình trạng khủng hoảng và siêu lạm phát. Cảm ơn các bạn đã viết, dẫu từ một góc nhìn khác nhưng vẫn còn dưới mức sự thật.

Chúng tôi không hề giấu giếm cái khó, cái khổ hôm nay, nhưng lại có niềm tin chắc chắn vào những ngày mai tươi sáng như chúng tôi đã nhìn thấy thắng lợi hoàn toàn sẽ sớm đến khi hàng trăm hàng ngàn lần chuyến B52 mở chiến dịch hủy diệt Hà Nội và Hải Phòng. Các cán bộ ngoại giao Việt Nam cùng đi dự cuộc nói chuyện đó đã tỏ ra e ngại trước cách đề cập vấn đề như vậy. Rất may là các nhà báo phương Tây đều hoan hỉ và tỏ thái độ đồng tình với người nói. Mặc dù buổi nói chuyện kéo dài quá thời gian quy định, bà giám đốc trung tâm và một số nhà báo Mỹ khác đã mời người nói đi uống cà phê và tiếp tục đàm đạo chân thành và thân mật.

III. Có lẽ thế hệ làm báo một chiều của chúng tôi có nhiều thuận lợi hơn ngày nay. Thời đó phân biệt đúng - sai- tốt - xấu thật đơn giản và dễ dàng. Thế hệ làm báo trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế ngày nay chắc chắn khó khăn hơn nhiều. Họ không chỉ cần có bản lĩnh chính trị, kỹ năng nghề nghiệp mà còn đòi hỏi sự hiểu biết rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, nghĩa là cần có tri thức cao hơn nhiều thế hệ trước. Hàng loạt vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và phong cách sống trong thời đại mới đều phức tạp và rất khó phân định đúng sai. Công việc làm thường xuyên trên báo là biểu dương người tốt việc tốt và phê phán tiêu cực quan liêu tham nhũng, nhưng đã có bao trường hợp được biểu dương như những thần tượng trên báo rồi đùng một cái bị kỷ luật, cách chức, thậm chí vào tù. Không ít người chịu oan sai nằm trong tù nhiều năm mới được tuyên bố trắng án, vật chất có thể bù đắp phần nào nhưng sự tổn thất về tinh thần thật nan giải. Lại có những việc tưởng là rất dễ như việc sử dụng hợp lý đất đai và tài nguyên, vậy mà không hề đơn giản. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa tất phải sử dụng đến diện tích đất, nhưng đất ở vùng nào và diện tích bao nhiêu là thích hợp cho việc vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa bảo đảm đời sống và công việc làm ăn của người nông dân. Viết về một DN, nhất là một tập đoàn, một công ty lớn càng không dễ. Đầu tư bằng tỷ lệ vốn tự có và vốn vay bao nhiêu cho thích hợp, có đầu tư thu lợi ngay, có đầu tư dài ngày mới hoàn được vốn, đầu tư như thế nào thì vừa bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư vừa bảo đảm lợi ích cho xã hội. Nếu không có vốn tri thức về kinh tế, về khoa học và quản lý kinh tế thì khó có được bài viết chuẩn xác.

Báo chí rất gần với văn hóa nhưng nội hàm văn hóa ngày nay lại rất rộng. Văn hóa thể hiện trên rất nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau, biểu dương và phê bình những hoạt động văn hóa khó hơn trước kia nhiều lần. Không thể chỉ bằng kiến thức văn hóa chung, mà đòi hỏi sự am hiểu từng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và phải bằng tư duy mới, nhạy bén mới có thể tiếp cận và lý giải. Cho nên những bài học kinh nghiệm của thế hệ những người đi trước dẫu vẫn còn giá trị trong chừng mực nào đó, nhưng không thể đem ra ứng dụng cho nghề báo hôm nay. Những người làm báo hôm nay được đào tạo bài bản hơn và được tiếp cận với nhiều thông tin hơn. Họ được sinh ra trong thời đại này cho nên dễ dàng tiếp cận những vấn đề của thời đại mới. Nếu không chủ quan, biết chắt lọc những thông tin phong phú và đa dạng, làm giàu vốn tri thức sẵn có, chắc chắn sẽ dễ dàng vượt qua thế hệ đàn anh, thực hiện một cách hoàn hảo chức năng chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa trong thời đại mới. Làm cho “một nghề đáng quý” của chúng ta càng đáng quý hơn.

Đỗ Phượng