12:07 12/12/2014

Mosul – thành phố lĩnh án tử hình

Ngày 9/12 đánh dấu mốc tròn 6 tháng thành phố Mosul ở miền bắc Iraq bị phiến quân thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm giữ.

Ngày 9/12 đánh dấu mốc tròn 6 tháng thành phố Mosul ở miền bắc Iraq bị phiến quân thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm giữ.

Trong lúc các thông tin về cuộc nội chiến tưởng chừng không có hồi kết tại Iraq đã làm độc giả ở phương Tây chán ngán, sự nổi lên tàn bạo của các phần tử thánh chiến IS vào khoảng giữa năm nay đã khiến trang nhất các tờ báo trở nên kịch tính hơn. Nắm được Mosul trong tay, IS có đã được một vùng lãnh thổ, tạo bàn đạp cho lời đe dọa vẽ lại bản đồ thế giới của chúng. Diễn biến này đã biến Iraq thành tâm điểm của sự chú ý mới, khiến Mỹ đưa máy bay quân sự quay lại quần thảo bầu trời Baghdad. Song, số phận của Mosul lại sớm bị rơi vào quên lãng.


Ngày hôm nay, Mosul như một thành phố đang chờ đợi án tử hình khi phải chịu đựng một hiện tại khủng khiếp song song với một tương lai có khả năng còn tối tăm hơn nữa. Những kế hoạch ban đầu về một chiến dịch nhanh chóng giành lại thành phố Mosul đã bị xóa sổ bởi sự từ chức đột ngột của Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki cùng với sự xuất hiện của liên minh quốc tế chống IS do Mỹ đứng đầu. Nhóm khủng bố IS đã chứng tỏ chúng là một đối thủ cứng đầu, không dễ gì bị hạ gục. Trong khi sự tiến công của IS tại thành phố Kobane ở Syria bị không kích kìm kẹp, Mosul vẫn nằm dưới bóng ngọn cờ đen. 


Các tay súng IS trên đường phố Mosul. Ảnh: Reuters


Tháng 11 vừa qua, Phó Thống đốc Mosul, ông Nuraddin Kaplan tuyên bố rằng “Chiến dịch tấn công nên bắt đầu càng sớm càng tốt. Càng để lâu, mọi việc sẽ càng khó khăn hơn”. Thời gian có thể giúp các kẻ thánh chiến “cực đoan hóa” người dân, biến họ thành tay sai phục vụ cho mục đích gây dựng vương quốc riêng của chúng. Mối lo ngại này đang được đi đẩy lên cao trước bối cảnh hàng loạt ngôi trường thánh chiến huấn luyện trẻ em đã được IS mở ra gần đây.


Bức tranh đen tối


Hàng loạt thông tin được các nhà hoạt động và truyền thông chia sẻ đã vẽ nên một bức tranh thành phố Mosul đen tối dưới sự thống trị của những tên khủng bố IS. Tờ Guardian (Anh) hồi tháng 10 đã báo động về Mosul với tình trạng “thiếu hụt nghiêm trọng thức ăn và uống, các cơ quan công cộng không hoạt động, kinh tế địa phương gần như sụp đổ”.


Hệ thống trường học đã bị “IS hóa” bằng việc áp đặt thuế giáo dục, phân biệt giới tính, cấm đoán một số môn học, ví dụ như mỹ thuật. Nhà của người theo đạo Thiên chúa cũng như các thánh đường Hồi giáo dòng Shi’ite đã bị phiến quân lùng sục cướp bóc và phá hủy. Không chỉ có thế, trong vòng từ tháng 6 đến tháng 10, phiến quân IS đã bắt giữ gần 25.000 người ngoại đạo, những người chống lại chúng hoặc vi phạm luật Hồi giáo nghiêm khắc. 


Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại nhiều thành phố khác mà nhóm khủng bố tàn độc này đang điều hành, điển hình là Raqqa – thành trì phiến quân tại Syria.


Khói bốc lên từ một ngôi làng ở thành phố Mosul do giao tranh giữa lực lượng người Kurd và phiến quân IS. Ảnh: AFP


Hình ảnh những người đàn ông có râu quai nón cầm súng máy đứng trấn giữ khắp các nẻo đường Raqqa cho thấy lực lượng cực đoan đã hoàn toàn làm chủ khu vực này và kiểm soát đời sống của người dân địa phương. Những vụ hành quyết tập thể diễn ra công khai, xác người nằm la liệt trên phố… Người dân Raqqa cho biết thành phố đã bị biến đổi chóng mặt khiến họ cảm thấy như “người lạ” tại chính quê hương của mình.


Theo nhiều chuyên gia nhận định, biện pháp tuyên truyền “trúng tâm” có thể tách biệt các công dân Iraq đang đứng trong hàng ngũ hoặc đang đồng lòng với sự thống trị của IS ra khỏi sự xúi giục của các thủ lĩnh thánh chiến. Điều này quả thực không hề dễ thực hiện. Những báo cáo gần đây cho biết các phần tử khủng bố đã quyết định cắt phần lớn các mạng viễn thông di động tại Mosul – động thái được cho là cần thiết để giữ vững “những trái tim và khối óc” trong phong trào của chúng.


Cơ quan tình báo Mỹ ước tính rằng lực lượng IS đang sở hữu một lượng vũ khí đủ để chiến đấu trong 2 năm liền và chính phủ Iraq cần huy động tới 80.000 binh lính để có thể chiếm lại thành phố Mosul.

 

 

Hoàng Trang