12:21 01/12/2014

Moody's hạ bậc xếp hạng tín dụng của Nhật Bản

Hãng đầu tư Moody's ngày 1/12 thông báo hạ xếp hạng tín dụng của trái phiếu Chính phủ Nhật Bản một bậc từ mức Aa3 xuống A1 về triển vọng ổn định do tình trạng bấp bênh liên quan đến khả năng khôi phục tình hình tài chính của nước này.

Hãng đầu tư Moody's ngày 1/12 thông báo hạ xếp hạng tín dụng của trái phiếu Chính phủ Nhật Bản một bậc từ mức Aa3 xuống A1 về triển vọng ổn định do tình trạng bấp bênh liên quan đến khả năng khôi phục tình hình tài chính của nước này.




Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, động thái trên diễn ra hai tuần sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Sin-dô A-bê) quyết định hoãn tăng thuế tiêu dùng lên 10% dự kiến vào tháng 10/2015 sang tháng 4/2017, làm dấy lên lo ngại khả năng phục hồi tài chính của Nhật Bản có thể bị trì hoãn. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 8/2011, theo đó Moody's hạ thấp xếp hạng tín dụng đối với nợ công của Nhật Bản.


Trong thông báo, Moody’s cho biết “phản ứng của chính phủ, tuyên bố hoãn bước tăng thuế lần hai, dường như là một thay đổi về chính sách nhằm giảm bớt áp lực trước nguy cơ giảm phát quay trở lại và rời xa mục tiêu giảm thâm hụt tài chính trong tương lai gần”. Tuy nhiên, theo hãng đánh giá tín nhiệm của Mỹ này, việc trì hoãn tăng thuế “tạo ra những rủi ro đối với việc củng cố ngân sách, xét về dài hạn, và đối với khả năng chi trả lợi cũng như tính bền vững của nền tài chính”.


Quyết định hoãn tăng thuế mới đây của Tokyo được đưa ra trong bối cảnh “ngày càng có nhiều bấp bênh liên quan đến khả năng đạt được các mục tiêu cắt giảm thâm thủng tài chính”. Trước đó, chính quyền của Thủ tướng Abe cam kết sẽ giảm một nửa tỷ lệ thâm hụt ngân sách so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến năm 2015 so với mức của tài khoá 2010 và chuyển cán cân này sang mức thặng dư đến tài khoá 2020. Tình hình tài chính của Nhật Bản hiện đang ở mức thấp nhất trong số các nước công nghiệp với nợ công hiện đã ở mức trên 200% GDP. Thâm hụt đồng nghĩa với việc Nhật Bản không thể đáp ứng cho các khoản chi của chính phủ trừ chi phí dịch vụ nợ mà không phát hành thêm trái phiếu. Việc tăng thuế lần hai sau khi tăng từ 5% lên 8% hồi tháng Tư vừa qua, được coi là một bước đi quan trọng để đạt được các mục tiêu cải cách tài chính.


TTXVN/Tin Tức