01:01 04/01/2014

Mong lễ hội đúng là lễ hội

Mùa lễ hội 2014 đã chính thức khởi động. Có lẽ, sức nóng và những bất cập từ vài mùa trước đó, đã khiến công tác tổ chức và quản lý lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) quan tâm, rốt ráo hơn;

Mùa lễ hội 2014 đã chính thức khởi động. Có lẽ, sức nóng và những bất cập từ vài mùa trước đó, đã khiến công tác tổ chức và quản lý lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) quan tâm, rốt ráo hơn; thể hiện qua việc ngành chủ quản tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm “lên dây cót” cho công tác chuẩn bị.


Lễ rước kiệu khai mạc Hội Lim.


Theo số liệu thống kê của Bộ VHTTDL, cả nước hiện có gần 8.000 lễ hội, trong đó có tới hơn 7.000 lễ hội dân gian. Có những lễ hội trở nên tiêu biểu, nức tiếng gần xa như Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), lễ hội Cổ Loa, Lệ Mật, Phù Đổng (Hà Nội), hội Liễu Đôi (Nam Định), Bắc Ninh có hội Đồng Kỵ, hội Lim... Bắc Giang có hội Yên Thế, Xương Giang, Thổ Hà, Vạn Vân, các hội làng ở Hà Nội, hội đền Kiếp Bạc (Hải Dương), hội chùa Dâu, Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), hội chùa Keo (Thái Bình) và hội đua ghe ngo của đồng bào Khơme Nam Bộ, hội vùng núi Sam (Châu Đốc - An Giang)...


Không thể phủ nhận ý nghĩa tích cực của lễ hội trong việc làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng và góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng thực tế cho thấy, có không ít lễ hội đang bị thương mại hóa, đặc biệt là sự biến tướng, xa dần bản chất tốt đẹp ban đầu của lễ hội. Nhiều lễ hội quá nhấn mạnh các yếu tố mê tín dị đoan thay vì phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, do chưa dự báo được xu thế phát triển của các loại hình lễ hội nên ở nhiều nơi, ban tổ chức lễ hội còn bị động, lúng túng. Mặt khác, thiếu tiềm lực để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lễ hội không đáp ứng được nhu cầu của lượng khách ngày càng tăng cao. Những “căn bệnh” tồn tại nhiều năm như dâng đồ lễ bằng thức ăn chín; đặt hòm công đức quá quy định, đặt tiền lễ lộn xộn, chèo kéo khách, cờ bạc trá hình, khấn thuê, bán sách tử vi, xem bói, rút thẻ, đốt đồ mã nơi thờ tự... vẫn không được giải quyết triệt để. Một số địa phương cố gắng tổ chức thật lớn, để tranh thủ kinh phí nhà nước và các tổ chức tài trợ, nhưng hiệu quả của lễ hội mang lại lại rất hạn chế, đã gây lãng phí lớn. Nhiều lễ hội thu được hàng chục tỉ đồng từ tiền công đức, nhưng hầu như nguồn thu chi này không kiểm soát được, mỗi nơi áp dụng một cách quản lý khác nhau. Nơi thì do Ban quản lý di tích, nơi thì thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; một số nơi lại do thủ nhang, thủ đền quản lý... Đây chính là nguyên nhân đẻ ra các hình thức biến tướng nhằm thu tiền của khách hành hương.


Không thể phủ nhận việc phục hồi và khuyếch trương các lễ hội tại các địa phương đã làm tăng số lễ hội có quy mô lớn (cấp tỉnh, cấp quốc gia). Sự khuếch trương này, theo quan điểm của nhiều lãnh đạo địa phương là vừa đáp ứng phần nào nhu cầu của các địa phương, vừa góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Nhiều địa phương vì mục tiêu tăng trưởng du lịch nên luôn cố gắng mở những lễ hội giới thiệu bản sắc dân tộc trong vùng miền của mình để thu hút khách đến. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngoài một số ít thành công như Quảng Nam, Thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế... còn hầu hết là gây hiệu ứng ngược, tức là khách đến không chi tiêu gì, mất an ninh trật tự, cuộc sống cộng đồng bị xáo trộn. Và đó là sự mất mát lớn nhất. Có thể thấy, bên cạnh những yếu tố tích cực là khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức hướng về cội nguồn, hội làng còn tồn tại một số tập quán lạc hậu, những biểu hiện mê tín, những tệ nạn xã hội. Ở một số nơi, lễ hội được tổ chức không phải để tôn vinh các giá trị truyền thống mà để kinh doanh kiếm lời. Họ rào làng, bịt lối, bán vé vào cửa, bán vé vào lễ, gây phiền hà cho người đến lễ hội, trái ngược hẳn với tục mở rộng vòng tay đón bạn mười phương về chung vui hội làng thời xưa. Các tệ nạn mê tín dị đoan như lên đồng, bói toán, đội bát nhang, uống nước thánh, đốt vàng mã, cúng tế, rước xách linh đình kéo dài ngày càng có chiều hướng gia tǎng. Hơn nữa, trong lễ hội đã bắt đầu xuất hiện các tệ nạn xã hội như đánh bạc, cá cược, hút thuốc phiện...


Theo thống kê của Thanh tra Bộ VHTTDL, năm 2013, số tiền thu công đức tại các lễ hội lên tới gần 300 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động lễ hội chỉ vỏn vẹn 21 triệu đồng. Như vậy, công tác kiểm tra dù được thực hiện thường xuyên, nhưng không thật sự hiệu quả. Tất cả vẫn còn chờ phải có quy chế rõ ràng hơn, tỷ mỉ hơn để rộng đường đưa hoạt động lễ hội vào quy củ, trả lại không gian lễ hội trong sạch cho cộng đồng.


Muốn lập lại trật tự trong quản lý lễ hội, vấn đề là phải làm thế nào để phát huy tới mức cao nhất những giá trị văn hóa, tinh thần của lễ hội, đồng thời tạo được phong cách mới phù hợp với nhịp sống của xã hội. Một vấn đề không kém phần quan trọng là phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa ngành chủ quản và các địa phương trong xử lý các sai phạm trong hoạt động lễ hội.


Yến Nhi