02:15 23/02/2012

Mong có hàng rào điện tử để... tránh voi

Khoảng 3 năm trở lại đây, tỉnh Đồng Nai đã phải chi gần 4 tỷ đồng để đền bù, hỗ trợ cho số hoa màu, nhà cửa của dân bị đàn voi rừng phá. Người dân mong muốn hàng rào điện tử sớm đi vào hoạt động để cuộc sống của họ trở lại ổn định, yên tâm sản xuất canh tác.

Khoảng 3 năm trở lại đây, tỉnh Đồng Nai đã phải chi gần 4 tỷ đồng để đền bù, hỗ trợ cho số hoa màu, nhà cửa của dân bị đàn voi rừng phá. Người dân mong muốn hàng rào điện tử sớm đi vào hoạt động để cuộc sống của họ trở lại ổn định, yên tâm sản xuất canh tác.

Theo số liệu của các nhà bảo tồn vừa công bố, trên phạm vi cả nước chỉ còn 3 khu vực có loài voi châu Á sinh sống là Vườn quốc gia Yok Đôn – tỉnh Đắk Lắk, Vườn quốc gia Pù Mát – tỉnh Nghệ An và khu vực rừng tự nhiên của tỉnh Đồng Nai. Riêng đàn voi khoảng 10 cá thể ở Đồng Nai đang đứng bên bờ tuyệt chủng cao bởi thời gian gần đây liên tục xảy ra tình trạng xung đột ngày càng gay gắt giữa voi và người. Hoa màu vườn tược của người dân bị voi về phá, trong khi số lượng cá thể voi đang giảm dần do voi liên tục chết. Đề án xây hàng rào điện tử bảo vệ đàn voi rừng đã được tỉnh Đồng Nai lập từ 3 năm qua, nhưng đến thời điểm này dự án mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và chấp thuận đầu tư với kinh phí 9 tỷ đồng.

Hàng rào điện tử bảo vệ voi có chiều dài 30 km gồm 20 km hàng rào cố định và 10 km hàng rào di động tại những khu vực rừng thuộc xã Phú Lý và xã Mã Đà, là những nơi đàn voi rừng thường xuyên hoạt động trong thời gian qua. Hàng rào điện sử dụng nguồn điện từ hệ thống pin năng lượng mặt trời hoặc mạng lưới điện 220 V, nhưng chỉ phát ra với cường độ đủ để gây giật và hoảng sợ, không làm chết người và động vật. Dọc hàng rào điện sẽ gắn khoảng 1.500 biển báo nguy hiểm và 8 cửa ra vào để lực lượng kiểm lâm và người dân có thể đi lại được.



Khoảng 3 năm trở lại đây, tỉnh Đồng Nai đã phải chi gần 4 tỷ đồng để đền bù, hỗ trợ cho số hoa màu, nhà cửa của dân bị đàn voi rừng phá. Ảnh: Internet.



Người dân sống trong khu vực thường xuyên bị voi tới phá nương rẫy đang ngày đêm mong chờ dự án sớm triển khai để họ ổn định cuộc sống, sản xuất. Tiếp xúc với  PV tại ấp 2 xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), chị Đặng Thị Yến Anh chủ rẫy mía vừa bị voi phá, gạt nước mắt nói: Khoảng 10 ngày nay, đêm nào voi cũng kéo cả đàn về phá mía, xoài và vườn điều của người dân. Do voi thường về vào ban đêm nên người dân trong khu vực rất hoang mang lo sợ. Gia đình chị Yến Anh và 3 hộ dân khác canh tác 10 ha mía đang trong thời kỳ thu hoạch, tuy nhiên mấy ngày gần đây voi kéo về đã quật nát hơn 2 ha.

Ông Đặng Văn Nhơn, Trưởng ấp 2, xã Phú Lý cho biết: vài năm trở lại đây voi thường xuyên kéo về phá rẫy của người dân. Nhiều hộ đã tập hợp nhau lại, hằng đêm đốt đèn lên, gõ xoong, nồi, tạo nhiều tiếng động để xua đuổi voi, tuy nhiên đàn voi vẫn không sợ. Nhiều hộ dân trong khu vực còn bị voi phá đổ nhà.

Theo số liệu thống kê về hiện trạng voi hoang dã ở Đồng Nai cho thấy, đàn voi ở khu vực này còn khoảng 10 con phân bố trong phạm vi khoảng 30.000 ha trên các cánh rừng tự nhiên thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai và Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên và văn hóa Đồng Nai cho biết: do vùng phân bố của voi bị thu hẹp, sinh cảnh xuống cấp, thiếu thức ăn và muối khoáng đã dẫn đến tình trạng xung đột giữa người và voi ngày càng gay gắt. Voi kéo về rẫy của dân để tìm thức ăn, khiến cho người dân luôn trong tình trạng hoang mang lo sợ. Khoảng 3 năm trở lại đây, tỉnh Đồng Nai đã phải chi gần 4 tỷ đồng để đền bù, hỗ trợ cho số hoa màu, nhà cửa của dân bị đàn voi rừng phá.

Đỉnh điểm của sự xung đột giữa voi và người là trong khoảng thời gian từ đầu năm 2009 đến nay, đã có 9 con voi rừng bị chết ở khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai và khu vực rừng phòng hộ Tân Phú. Gần đây cũng đã có một người dân bị voi quật chết trong khi vào rừng bắt cá.

Nhiều hộ dân sống trong khu vực thường xảy ra xung đột với voi bày tỏ sự đồng tình ủng hộ dự án trên và mong muốn dự án sớm triển khai, hàng rào điện tử đi vào hoạt động để cuộc sống của họ trở lại ổn định, yên tâm sản xuất canh tác.

Sỹ Tuyên