11:09 26/11/2012

Mông Cổ - Địa bàn cạnh tranh mới giữa Mỹ và Trung Quốc

Theo báo “Thái Dương” (Hồng Công) ngày 25/11, việc Mông Cổ tuyên bố chính thức gia nhập “Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu” (OSCE), trở thành thành viên thứ 57 của tổ chức này, có thể là một động thái bất lợi cho Trung Quốc.

Theo báo “Thái Dương” (Hồng Công) ngày 25/11, việc Mông Cổ tuyên bố chính thức gia nhập “Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu” (OSCE), trở thành thành viên thứ 57 của tổ chức này, có thể là một động thái bất lợi cho Trung Quốc. OSCE mặc dù có chữ “Âu”, song thực tế lại do Mỹ làm chủ đạo. Là một nước láng giềng án ngữ phía bắc Trung Quốc, Mông Cổ gia nhập OSCE có nghĩa là nước này đã ngả theo Mỹ mà rời xa Trung Quốc.


 

Cuộc diễn tập chỉ huy giữa Mỹ và nước chủ nhà Mông Cổ tháng 8/2010.

Đây là kết quả sau nhiều năm lôi kéo của Mỹ. Kể từ đầu thế kỷ 21, Mông Cổ - vốn là quốc gia luôn bị đánh giá thấp trong con mắt người Mỹ - bỗng dưng được Oasinhtơn ngày càng coi trọng. Đáng nói hơn là Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc tập trận chung với Mông Cổ. Năm 2005, Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã cùng Bộ trưởng Quốc phòng D. Rumsfeld lần đầu tiên đã thăm chính thức Mông Cổ, nâng mối quan hệ song phương lên tầm cao mới. Mông Cổ coi Mỹ là “nước láng giềng thứ ba” quan trọng nhất, trong khi Mỹ cũng rất mong muốn trở thành “nước láng giềng thứ ba” của Mông Cổ.


Do từng học tập tại Đại học Harvard của Mỹ, Tổng thống Mông Cổ đương nhiệm Tsakhia Elbegdorj có sự tiếp thu sâu sắc nền văn hóa Mỹ. Sau khi lên nắm quyền năm 2009, ông Elbegdorj càng đẩy nhanh các bước tăng cường quan hệ song phương với Mỹ, để Mông Cổ dựa nhiều hơn vào Mỹ. Năm 2011, Tổng thống Elbegdorj thăm chính thức nước Mỹ và nhận được sự đón tiếp hết sức trọng thị của Oasinhtơn. Cũng trong năm đó, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Mông Cổ, các cuộc thăm viếng lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai bên đã nâng sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị giữa Mỹ và Mông Cổ lên tầm cao nhất trong lịch sử. Ngoài ra, dưới sự chủ đạo của Mỹ, Mông Cổ bất ngờ được bầu làm nước Chủ tịch luân phiên của “Khối cộng đồng chung các quốc gia dân chủ”, được đẩy lên vị trí “đầu sóng, ngọn gió” trong việc thực thi các vấn đề dân chủ trên thế giới.


Trong thời gian thăm Mông Cổ hồi tháng 7/2012, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có bài phát biểu ấn tượng, trong đó tán dương Mông Cổ là điển hình về dân chủ ở châu Á, đã hình thành sự đối lập rõ nét với một số quốc gia trong khu vực. Tuy không chỉ rõ quốc gia nào, song cùng với sự khen ngợi Mông Cổ, những lời lẽ của bà Hillary rõ ràng nhằm chỉ trích, công kích Trung Quốc. Ngoài việc các quan chức cấp cao chú trọng thăm viếng Mông Cổ, Mỹ cũng tăng cường cung cấp viện trợ với khối lượng lớn cho Mông Cổ.


Theo tờ “Thái Dương”, Mỹ ra sức lôi kéo Mông Cổ là để thông qua nước này mà đạt được mục đích chiến lược của mình, giành được những lợi ích lớn hơn nhiều, biến Mông Cổ trở thành tuyến đầu mới của Mỹ trong chiến lược tổng thể kiềm chế Trung Quốc. Trong kế hoạch của Mỹ, nếu như có thể khiến Mông Cổ kết thành đồng minh với Mỹ thì giá trị của mối quan hệ đồng minh này không hề thua kém giá trị của các mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật hay Mỹ-Hàn. Mông Cổ có vị trí địa lý hết sức quan trọng, nếu như quân đội Mỹ có thể tiến vào đồn trú tại đây, biên giới trên bộ của Trung Quốc sẽ trực tiếp bị phơi ra trước sự uy hiếp của Mỹ. Điều nguy hiểm là Mông Cổ cách thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc không xa, khi phải đối mặt với Mỹ ở Mông Cổ, Trung Quốc sẽ không còn bất kỳ quân bài nào có thể sử dụng.


Theo báo “Thái Dương”, sau khi Mông Cổ đã chính thức gia nhập OSCE, bước tiếp theo, Mỹ chắc chắn sẽ tìm cách để đưa Mông Cổ gia nhập NATO, đây cũng là điều mà Mông Cổ luôn nỗ lực để hướng tới. Xu thế này hiện gần như không còn cách gì để ngăn cản, và sớm muộn cũng sẽ trở thành hiện thực. Có thể dự kiến trong vài năm tới, Mông Cổ sẽ trở thành một chiến trường mới của cuộc đọ sức Trung-Mỹ.


TTK