11:14 05/11/2019

Mong các bộ trưởng, trưởng ngành đề ra những giải pháp cụ thể

Bên hành lang Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, nhiều đại biểu quan tâm đến phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong ba ngày tới tại nghị trường.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy cần làm quyết liệt

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) quan tâm đến phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.  

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, ông Bùi Văn Phương.

Đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng, những vấn đề mà cử tri quan tâm hiện nay là việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. Chủ trương của Trung ương đưa ra là "đúng" và "trúng"; song thực hiện đang có phần lúng túng, chưa tập trung chỉ đạo thống nhất, dẫn đến cách hiểu, cách nhận thức và cách làm khác nhau.  

“Đây là việc mà Bộ Nội vụ cần tập trung thực hiện bài bản, đúng tinh thần là tinh giảm những người cần giảm, giảm những tổ chức cần giảm, chứ không thể giảm một cách dàn hàng ngang mà tiến", đại biểu Bùi Văn Phương đề nghị. Cũng theo đại biểu tỉnh Ninh Bình, trước đó đã có ý kiến nêu hiện tượng có tới "30% cán bộ, công chức sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về". Mặc dù ý kiến trên chưa chỉ ra được cụ thể số 30% ấy ở lĩnh vực cụ thể nào, nhưng thực tế có hiện tượng như vậy.

Đại biểu Bùi Văn Phương cho biết thêm, đánh giá cán bộ, viên chức hiện nay vẫn còn có sự nể nang, khi đánh giá xếp loại vẫn tốt, vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng câu chuyện 30% cán bộ sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về là câu chuyện có thật trong bộ máy của chúng ta. Do đó, tổ chức lại bộ máy thì phải tinh giản biên chế mới đạt được theo yêu cầu, thực hiện thành công Nghị quyết. “Còn nếu chỉ tinh giản theo cách thức hạn chế đầu vào thì chưa đạt hiệu quả, đối tượng cần giảm vẫn chưa giảm", đại biểu Bùi Văn Phương nói.

Đồng quan điểm này, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi kỳ vọng vào phần trả lời thỏa đáng của Bộ trưởng Bộ Nội vụ liên quan đến vấn đề biên chế cho giáo viên, biên chế cho các đơn vị sự nghiệp công lập của các tỉnh thành hiện nay, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh. Vì giảm biên chế, tinh gọn bộ máy là chủ trương đúng đắn, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện có những ngành, những lĩnh vực cũng cần được ưu tiên để đảm bảo giảm phù hợp”.

Trong các phiên thảo luận tại Quốc hội, liên quan đến vấn đề giảm biên chế trong ngành Tư pháp thì giảm như thế nào để cán bộ vẫn có thể thực hiện được nhiệm vụ trong điều kiện án tăng hàng năm với một tỷ lệ cao.

Truy xuất nguồn gốc hàng hoá và những dự án “đắp chiếu”

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) lại quan tâm đến vấn đề khắc phục tình trạng các hàng hóa nước ngoài “đội lốt” nhãn mác Việt Nam để vào thị trường trong nước.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường.

Vấn đề liên quan đến truy xuất nguồn gốc hàng hoá không chỉ với hàng công nghiệp, mà cả hàng nông sản. Đó là những vấn đề cử tri quan tâm tại các phiên chất vấn.

Theo đại biểu TP Hà Nội, bên cạnh những vấn đề tích cực, cũng cần chỉ ra những tồn tại, tiêu cực để khắc phục những yếu kém mà nội tại các ngành cần xem xét.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho biết: Kỳ họp này, nhiều đại biểu quan tâm đến các dự án “đắp chiếu” chưa giải quyết được, những dự án thua lỗ, chưa có lối thoát.

“Vấn đề này, Chính phủ nên có sự quyết liệt, đánh giá đầy đủ các nguyên nhân chủ quan, khách quan để xử lý. Có thể giải thể hoặc cổ phần hoá tùy theo từng trường hợp, chứ không để kéo dài như nhiều năm nay. Phải xử lý nghiêm những đối tượng sai phạm để xảy ra tình trạng này”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa.

Với lĩnh vực Thông tin truyền thông, đại biểu Phạm Văn Hòa lại quan tâm vấn đề những tin tức đăng tải trên mạng xã hội, tin đồn thất thiệt, xuyên tạc, nói xấu… Bộ Thông tin và Truyền thông cần có giải pháp khắc phục, để hạn chế thấp nhất những thông tin trên mạng xã hội không đúng, gây hoang mang, gây tâm lý ngán ngại trong nhân dân, khó phân biệt thật -  giả, trắng - đen. Cơ quan quản lý cũng cần phải có giải trình, giải thích cho người dân biết.

“Ở trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, tôi mong muốn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trả lời về những giải pháp của mình để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực mà trong các kỳ họp Quốc hội trước đây đại biểu đã đặt vấn đề”, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyến kiến nghị.

Tin, ảnh: Viết Tôn - Tạ Nguyên/Báo Tin tức