11:14 17/11/2019

Món quà của thầy cô

Được ký tuyển dụng đặc cách vào biên chế là tin vui với những giáo viên hợp đồng lâu năm đang khắc khoải chờ đợi, vì rốt cuộc, tâm tư, nguyện vọng của họ đã được ghi nhận và đền đáp. Tuy nhiên, vào biên chế chưa hẳn đã là món quà ý nghĩa nhất đối với các thầy cô.

Ngày 15/11/2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký văn bản gửi Sở GD-ĐT và UBND các quận, huyện về việc tuyển dụng đặc cách với giáo viên hợp đồng đã đóng bảo hiểm từ năm 2015 trở về trước.

Trước đó, tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) đưa tới Nghị trường lá thư của một giáo viên ở Ba Vì (Hà Nội), được ký hợp đồng giảng dạy năm một trong suốt 14 năm qua, nay bị chấm dứt hợp đồng. Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Quốc hội này cho biết: Dù có chủ trương tuyển dụng viên chức giáo viên đã ký hợp đồng trước năm 2015 và được đóng BHXH nhưng hầu hết các địa phương vẫn diễn ra cảnh cán bộ ngành Y tế, Giáo dục bị giảm biên chế theo kiểu "cào bằng". Văn bản chỉ đạo chưa có nhưng kỳ thi viên chức giáo dục ở một số địa phương đã chính thức diễn ra, mà không có bất cứ có sự ưu tiên nào giành cho giáo viên hợp đồng, đặc biệt là những giáo viên hợp đồng lâu năm có đóng bảo hiểm. Hàng trăm ngàn giáo viên có nguy cơ mất việc làm, dù đã có thâm niên giảng dạy và tâm huyết với sự nghiệp trồng người.

Chú thích ảnh
Nhà giáo Lê Thị Hòa - người giáo viên tiêu biểu tại Chương Mỹ, Hà Nội đã dành nhiều năm giảng dạy cho trẻ khuyết tật và tham gia tổ chức các hoạt động từ thiện,  một trong 10 “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Văn bản của Chủ tịch UBND TP Hà Nội và tiếp sau nữa có thể là của các địa phương trong cả nước, sẽ góp phần giải toả những khắc khoải (từ mà đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý sử dụng) của đông đảo đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành sư phạm. Ở góc độ tích cực, cần ghi nhận những phản ứng nhanh của lãnh đạo địa phương sau khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu yêu cầu tại diễn đàn Quốc hội và ký văn bản chỉ đạo gửi đi. Tuy nhiên, một câu hỏi cần đặt ra: Vì  sao bao lâu nay trên 8.000 giáo viên thuộc diện “khắc khoải mong chờ” này tại Hà Nội và hàng trăm ngàn giáo viên cả nước đã lên tiếng đề nghị, yêu cầu, cả bằng đơn thư, tâm thư, lẫn ý kiến tại các diễn đàn nghề nghiệp, công đoàn cũng như mạng xã hội; mà nguyện vọng vẫn như rơi vào khoảng không? Thậm chí cả khi số lượng giáo viên đang thiếu còn nhiều hơn số giáo viên bị đe doạ mất nghề, nghĩa là qua việc thống kê này, các nhà quản lý giáo dục địa phương và lãnh đạo các tỉnh, thành hoàn toàn nắm được tình hình thực tế, thì dường như những lo lắng của các thầy cô vẫn mãi chỉ là tâm tư từ một phía mà thôi.

Từ Đông sang Tây, từ quá khứ đến hiện tại và cả tương lai, con người luôn ghi nhớ công ơn của những người đã truyền thụ cho mình kiến thức, khơi mở cảm hứng cống hiến, phụng sự. Mặc nhiên, thầy cô giáo – những người mang thiên chức khai sáng- trở thành những thần tượng trong mắt của học trò, đến mức đôi khi học trò và mọi người trong xã hội quên mất rằng thầy cô của mình cũng có những vất vả, cực nhọc trong cuộc sống. Như với nhân sự của nhiều ngành nghề khác, những cuộc sát hạch về ngoại ngữ, tin học… thực sự là những thách thức đối với các thầy cô giáo thế hệ trước. Tuổi tác là những hạn chế của các thầy cô đã 20-30 năm trong ngành, nhất là đứng trước những yêu cầu về cập nhật và sử dụng công nghệ, hội nhập. Tuy nhiên “thầy già, con hát trẻ”, đúc rút của cha ông là sự ghi nhận về kinh nghiệm nghề nghiệp, khả năng sư phạm… của người làm việc lâu năm với trẻ nhỏ và với hoạt động truyền thụ kiến thức. Bộ Chính trị đã có Kết luận số 9028 và Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo: Đối với những người đang thực hiện chế độ hợp đồng từ ngày 31/12/2015 trở về trước đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vị trí việc làm của Bộ Giáo dục quy định, có đóng bảo hiểm và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian này thì thực hiện tuyển vào công chức nhà nước, coi như nằm trong biên chế của năm 2015. Đây chính là việc hiện thực hoá chủ trương đãi ngộ với các thầy cô giáo đã cống hiến cả cuộc đời mình cho giáo dục. Bộ GD- ĐT khi lên phương án nhân lực cho chương trình đổi mới giáo dục phổ thông cũng tính tới việc đào tạo lại hoặc bố trí công việc phù hợp để tạo điều kiện về mặt chế độ cho đội ngũ các thầy cô giáo thế hệ trước.

Tất nhiên nhìn ở khía cạnh toàn ngành giáo dục đang đứng trước yêu cầu chuyển đổi nội dung, phương pháp đào tạo, thì chính bản thân các thầy cô giáo cũng cần nỗ lực hơn nữa và phải thực sự nghiêm khắc với bản thân mình. Gần đây, có thông tin về việc một địa phương có những khoá học chớp nhoáng một vài buổi dành cho các thầy cô giáo lấy các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nghề nghiệp… Những nhà giáo cả đời dạy học trò trung thực, đã phải đánh đổi tiền bạc để nhận những mảnh “bằng” không thực chất, nhằm chuẩn bị đầy đủ hồ sơ. Điều này thực sự là nỗi chua xót với các thầy cô, và dù rất thông cảm nhưng xã hội vẫn khó lòng chấp nhận.

Nhìn ở góc độ quản lý, khi thực thi các chính sách đối với đội ngũ cán bộ giáo viên có thâm niên nghề nghiệp, song song với việc bảo đảm chế độ cho các thầy cô, các địa phương, các nhà quản lý phải bảo đảm sự sàng lọc thật chuẩn chỉ, nghiêm minh. Các thầy cô giáo với lòng tự trọng của mình, không chấp nhận việc nới tay, hay làm điều gì trái với lương tâm. Bảo đảm quyền lợi cho các thầy cô giáo trên cơ sở giải quyết có tình có lý nhưng tối thượng phải là tận dụng những cá nhân có năng lực để bảo vệ chủ trương lớn về đổi mới nền giáo dục đất nước, bảo vệ quyền lợi cho người học.

Các thầy cô giáo giỏi thật sự được giữ trong ngành và tiếp tục cống hiến, sẽ là món quà vô cùng trân quý mà các thế hệ học trò được nhận. Được theo học những thầy cô giỏi về chuyên môn, vững về nghiệp vụ sự phạm, sáng ngời về đạo đức và nhân cách, các chủ nhân tương lai của đất nước sẽ thực sự được phát triển toàn diện, nhanh chóng trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội.

Và đó mới chính là “món quà” lớn nhất dành tặng mỗi thầy cô giáo, dù hợp đồng hay biên chế, dù lâu năm nay mới vào nghề.

Thuỳ Hương