09:06 20/09/2016

Mòn mỏi ngóng lũ miền Tây

Những năm trước vào thời điểm này lũ đã về nhưng năm nay nước mới chỉ về loang loáng mặt ruộng.

Sau đợt hạn, mặn khốc liệt vừa qua, người dân nơi đây đang trông ngóng mùa lũ để thau rửa, bồi đắp phù sa đồng ruộng và cung cấp nguồn lợi thủy sản dồi dào, nhưng đến nay đó vẫn chỉ là sự trông chờ mỏi mòn. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp người miền Tây ngóng lũ.

Đìu hiu đầu nguồn


Từ nhiều năm qua, người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã quen với cuộc sống mùa nước nổi. Mùa nước về kéo theo nguồn thủy sản tự nhiên rất dồi dào. Đây được coi là nguồn thu nhập chính của nông dân trong mùa lũ nhất là đối với các hộ nghèo. Theo kinh nghiệm của người dân quen sống với nước nổi “Tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ”, thế nhưng, đến nay đã gần hết tháng 8 âm lịch nhưng nông dân ở các huyện đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu như Tịnh Biên, An Phú và Tân Châu (An Giang), Tân Hồng và Hồng Ngự (Đồng Tháp)… vẫn mòn mỏi vì nước lũ về chậm, mực nước vẫn thấp.

Anh Ngô Minh Hiếu đang quăng lưới bắt cá tại kênh Tứ Thường 2, đoạn chảy qua ấp 2, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Đi dọc tuyến kênh Bảy Xã (dài khoảng 15 km) của thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, chúng tôi tìm về vùng đầu nguồn sông Cửu Long. Nếu như mọi năm, vào thời điểm này, khắp nơi đồng ruộng mênh mông nước, tôm, cá đầy đồng ruộng... thì năm nay, quang cảnh thay đổi hoàn toàn. Ruộng trơ gốc rạ, chuột bọ bắt đầu sinh sôi. Người dân sống hai bên bờ kênh Bảy Xã đa số sống dựa vào việc giăng lưới, đặt lợp, trồng rau nhút, hái bông súng đồng trong mùa nước nổi để mưu sinh, nhưng cả mấy tháng nay, đa phần chỉ “ngồi không”.

Bà Tăng Thị Hiện, 53 tuổi, ngụ tại ấp Vĩnh Phát, xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú (An Giang), kể gần như cả cuộc đời vợ chồng bà gắn bó với sông nước, kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá mùa nước nổi trên sông Bình Di (giáp ranh giữa hai nước Việt Nam và Campuchia). Chưa năm nào mực nước trên sông lại thấp như vậy, có nơi thấp hơn mặt ruộng nên nước không ngập đồng, không có cá về. Cả hai tháng nay chồng bà chỉ ngồi chơi, ngóng lũ chứ cũng không biết làm gì khác, vì ông tuổi đã cao, đi xin việc ở nhà máy, xí nghiệp người ta cũng không nhận nữa. “Nhiều người cũng bỏ đặt lợp, đánh cá. Không ai đầu tư thêm ngư cụ nữa, ai cũng ngao ngán hết cả”, bà Hiện chia sẻ.

Cách đó không xa là xã Phú Hội (An Giang), nơi đây đón lượng nước và cá đầu tiên từ thượng nguồn sông Mê Kông qua sông Châu Đốc để hòa vào dòng sông Hậu. Người dân cũng ngày đêm ngóng lũ về. Anh Phan Văn Sang, 32 tuổi, cho biết làm nghề chài lưới vào mùa lũ hơn 10 năm nay. Theo lời anh, những mùa lũ trước, ngày nhiều nhất kiếm được từ 400 - 500 kg cá linh, ngày ít nhất thì cũng được 100 kg cá. Thế nhưng mùa lũ này đến thời điểm này, đánh được nhiều nhất cũng chỉ khoảng 50 kg cá (bán với giá 20.000 đồng/kg). “Tôi đấu giá 13 triệu đồng/mùa để mua ô nước thả đáy bắt cá linh. Tính từ tháng 7 âm lịch đến nay trừ hết chi phí chỉ kiếm được khoảng 30 triệu đồng, còn như những năm lũ lớn tôi có thể kiếm được 5 - 6 triệu đồng/ngày. Nói thiệt, năm nay là năm khó khăn nhất, phải nhấc lưới 4 lần thì mới kiếm được một ký cá”, anh Sang buồn nói.

Cuối nguồn, lũ chưa về

Đầu nguồn đã vậy, nơi cuối nguồn tình trạng còn đìu hiu hơn. Khi dừng chân ở huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, phóng tầm mắt về phía những cánh đồng nằm hai bên đường, đáng lẽ hình ảnh mà chúng tôi thấy được là một màu trắng xóa của nước lũ tràn đồng nhưng thay vào đó vẫn là màu xanh của “lúa chét” vừa lên lại (theo cách gọi của người dân địa phương, “lúa chét là lúa sau khi được thu hoạch, gốc rạ lên xanh lại”).

Ông Ba Hoàng, ngụ tại ấp Cà Nổ, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An đang ngồi sửa lại dớn bắt cá.

Tại ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng (Long An), ông Ba Hoàng, 61 tuổi đang ngồi cặm cụi sửa chiếc lợp trong căn nhà lá cũ kỹ nằm sát mé kênh 79. Bao quanh căn nhà là hàng trăm chiếc lờ, lợp khác được sắp xếp ngay ngắn. Theo lời ông, từ khi mới 14 tuổi ông đã theo cha mẹ từ An Giang về vùng trũng Tháp Mười này và bám trụ với nghề đánh bắt thủy sản tự nhiên trong mùa lũ cho đến tận bây giờ. “Đúng ra thời điểm này là đỉnh lũ rồi nhưng vẫn chưa thấy nước về được bao nhiêu nên dân tụi tôi ai cũng ngao ngán, buồn rầu. Chắc năm nay lại tiếp tục là một năm thất thu cho bà con làm nghề giăng câu, thả lưới. Dù vậy nhưng vẫn cứ hi vọng nước lũ sẽ đổ về trong nay mai”, ông Ba Hoàng nói.

Dừng công việc, ông đưa chúng tôi ra dòng kênh 79, rồi kể những năm trước, cứ vào tầm khoảng tháng 7 đến hết tháng 10 âm lịch, hàng chục ghe, thuyền của cư dân hội tụ về dòng kênh này để đánh bắt cá, tôm. Sáng sớm, họ len lỏi vào khắp các cánh đồng để giăng câu, thả lưới, đặt lờ, lợp. Riêng ông, mỗi ngày kiếm từ vài chục đến cả trăm kilôgam cá tự nhiên các loại. Thế nhưng bây giờ dù ông có đặt hơn 200 chiếc lờ, lợp và sau hai ngày mới cất vó thì cũng chỉ đem về được 2 - 3 kg cá. “Kể từ khi làm nghề này chưa từng thấy khi nào khó khăn như hai năm nay. Bình thường tôi đặt lờ, lợp ở ruộng khi có lũ nhưng nay lũ về ít đến mức đồng ruộng không có nước nên tôi tận dụng ở bất cứ đâu có nước là đặt, thậm chí cả kênh tưới tiêu”, ông chia sẻ.

Chúng tôi tiếp tục lên đường, đến đâu cũng chỉ thấy những cái lắc đầu ngao ngán và buồn rầu của bà con mòn mỏi chờ lũ về vì chưa bao giờ có việc lũ về chậm và ít trong nhiều năm liên tiếp. Điều này có cơ sở bởi theo Cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước đây, bình quân cứ 2 năm, ĐBSCL có 1 năm lũ lớn vượt báo động 3. Thậm chí có những năm lũ lớn liên tiếp, kéo dài 4 - 5 tháng. Như 3 năm liên tiếp từ 2000 đến 2002 có lũ lớn, trong đó năm 2000 là lũ lịch sử. Tại Tân Châu, đỉnh lũ năm 2000 là 5,06 m. Thế nhưng 7 năm liên tiếp, từ 2003 - 2009, ĐBSCL chỉ có lũ dưới trung bình, trong đó mực nước lũ tại Tân Châu năm 2008 chỉ đạt 3,65 m. Từ đó đến nay, lũ về ngày càng ít, đến năm 2015 mực nước chỉ đạt 2,17 m.

Tính đến thời điểm ngày 15/9 mực nước được đo ở trạm Tân Châu trên sông Tiền (An Giang) là 2,45 m, cao hơn so với cùng kỳ 2015 là 0,0 7 m. Còn tại trạm Châu Đốc mực nước đo cao nhất ngày 15/9 là 2.08 m không tăng so với cùng kỳ 2015. Đồng thời, theo dự báo thủy văn hàng ngày khu vực tỉnh An Giang, mực nước từ ngày 16 - 19/9 sẽ tăng dần và dự kiến ngày 20/9 tại trạm Tân Châu, Châu Đốc mực nước sẽ tăng 2,9 m và 2,52 m. Tuy mực nước có tăng cao hơn chút so với năm ngoái nhưng vẫn là một mùa “lũ buồn” vì nước về chậm và vẫn thấp.


Bài và ảnh: Anh Đức - Thu Trang