01:05 07/01/2015

Môi trường kinh doanh năm 2015 sẽ tốt hơn

Đa số các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng đều dự cảm về môi trường kinh doanh trong năm 2015 sẽ tốt hơn so với năm 2014.

Đa số các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng đều dự cảm về môi trường kinh doanh trong năm 2015 sẽ tốt hơn so với năm 2014. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, những nỗ lực đồng bộ của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thể chế đã góp phần tạo niềm tin cho doanh nghiệp.

Bước tiến về môi trường đầu tư, kinh doanh

Theo ông Vũ Tiến Lộc, năm 2015 là năm sẽ có nhiều luật liên quan đến kinh doanh, đến môi trường đầu tư được ban hành và có hiệu lực như: Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và một loạt các luật khác như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… Những luật này liên quan tới thể chế kinh tế thị trường có cách tiếp cận theo hướng tích cực, hiện đại theo Hiến pháp 2013 nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng.

Cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: Danh Lam - TTXVN


Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết và Chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, thành lập, giải thể doanh nghiệp, thủ tục đầu tư…
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Bên cạnh việc thay đổi của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với tư cách là luật khung cơ bản của môi trường kinh doanh các luật chuyên ngành cũng phải xử lý, điều chỉnh trong thời gian tới.

Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam: 

Trong năm 2015 các doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách cho các ngành hàng về thuế, hải quan… Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp đều có nhu cầu mở rộng thị trường, môi trường đầu tư thông thoáng, hỗ trợ giải quyết các tranh chấp thương mại để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. 

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, đã đề nghị các hiệp hội và doanh nghiệp đánh giá lại cơ hội và thách thức về triển vọng kinh tế năm 2015, từ đó có định hướng chiến lược phát triển phù hợp, chủ động tự kiểm tra “sức khỏe” doanh nghiệp. Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp nên đưa ra những kiến nghị, vấn đề cần hỗ trợ hoặc đang gặp khó khăn để cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Các hiệp hội và doanh nghiệp cần chủ động tăng cường năng lực giám sát, phản biện các cải cách cơ chế chính sách để khi những chủ trương, chính sách được ban hành sẽ phát huy được hiệu quả và hỗ trợ tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Mỹ Phương (ghi)

Cũng liên quan đến cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính nói chung, trong đó có thủ tục về thuế và hải quan đang tiếp tục là vấn đề trọng tâm được Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ.

Sau 9 tháng triển khai Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, số giờ kê khai nộp bảo hiểm xã hội hiện còn 108 giờ (giảm 227 giờ); tiếp cận điện giảm còn 18 ngày làm việc (rút ngắn 42 ngày so với các quy định hiện hành); thời gian thông quan hàng hóa giảm từ 21 ngày xuống còn 14 ngày và giảm từ 10 - 20% chi phí cho doanh nghiệp; và tính đến tháng 10, có gần 4.200 thủ tục ở các lĩnh vực thuế được cắt giảm, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính…

Từ những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2015, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tích cực đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan. Đối với lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát lại toàn bộ chính sách thuế cũng như công tác quản lý thuế để đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách thuế cũng như quản lý thuế để đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, đồng thời giảm số giờ nộp thuế theo đúng mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra. Tiếp tục nghiên cứu, triển khai, nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho người nộp thuế và công tác quản lý thuế. Phối hợp với các ngân hàng thương mại triển khai nhanh Dự án Nộp thuế điện tử, phấn đấu đến hết năm 2015 hoàn thành triển khai dự án này tới 63/63 tỉnh/thành phố, góp phần làm giảm thời gian nộp thuế cho người nộp thuế. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật trong nội ngành, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật; chấn chỉnh lề lối, tác phong ứng xử của cán bộ, công chức thuế, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực hải quan, sẽ xây dựng thể chế chính sách và cải cách thủ tục hải quan. Trong đó, tập trung vào việc rà soát, công khai, minh bạch để giảm số lượng chứng từ trong hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục; Triển khai cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế một cửa quốc gia… Qua đó, kiến nghị với các bộ, cơ quan liên quan về những giải pháp giảm thời gian làm thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cần nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, mặc dù có nhiều dấu hiệu tích cực, mang lại sự thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn đối mặt với thực trạng năng lực cạnh tranh còn thấp. Mặt khác, trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI đang có sự hồi phục tích cực thì khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn rất khó khăn. Do đó, cần có thêm những chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện doanh nghiệp trụ vững và phục hồi.

Theo đề xuất của VCCI, về chính sách tài khóa, cần rút ngắn lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xem xét giảm thuế giá trị gia tăng cho một số ngành hàng. Rà soát, bãi bỏ các loại phí không còn phù hợp, chuyển một số loại phí thực hiện theo chế độ giá dịch vụ, chấn chỉnh hoạt động thu phí và lệ phí trái quy định, giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Tiến tới xây dựng Luật phí và lệ phí thống nhất. Thời gian qua, theo phản ánh của các doanh nghiệp, mặc dù nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp có giảm bớt nhưng các loại phí, lệ phí và các khoản đóng góp lại tăng, cộng thêm tình trạng tận thu của cơ quan thuế đã làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Mặt khác, cũng theo phản ánh của các doanh nghiệp, để được hưởng các khoản ưu đãi về thuế, doanh nghiệp phải vượt qua các thủ tục và điều kiện rất phức tạp cho nên khó thực thi. Do đó, VCCI đề nghị nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục và điều kiện để các biện pháp ưu đãi cho doanh nghiệp có thể đi vào cuộc sống.

Về chính sách tín dụng, VCCI đề nghị cần được tiếp tục tháo gỡ theo hướng cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp.

Để cải thiện tình hình này, đề nghị tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, thực hiện những hình thức cho vay mới như cho vay theo các chuỗi sản xuất và cung ứng, phát triển hình thức bảo lãnh tín dụng qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và mạng lưới quỹ bảo lãnh tín dụng cần được tổ chức ở tất cả các cấp, mở rộng hình thức cho vay tín chấp, cho vay theo dự án sản xuất kinh doanh chứ không chỉ dựa vào tài sản thế chấp, khẩn trương đưa quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vào hoạt động, phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ tiên phong...

Chính phủ cũng cần cân nhắc các kế hoạch phát hành trái phiếu để tạo áp lực buộc các ngân hàng phải tìm biện pháp đẩy mạnh cho vay đối với khu vực doanh nghiệp. Khuyến khích các ngân hàng thương mại dành tỷ lệ tín dụng thích đáng cho vay đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thu Hường