07:10 29/07/2011

Môi trường kêu cứu từ lưu vực sông Đồng Nai - Bài 2: Sông chứa nước thải

“Sông Đồng Nai nước trong lại mát...” - câu ca dao một thời nói về sông Đồng Nai có lẽ không lâu nữa sẽ trở thành quá vãng, khi mà dòng nước “trong, mát” ngày nào hiện đang bị đe dọa. Đau đáu cho câu hỏi tại sao, chúng tôi đã làm một hành trình ngược lên đầu nguồn.

“Sông Đồng Nai nước trong lại mát...” - câu ca dao một thời nói về sông Đồng Nai có lẽ không lâu nữa sẽ trở thành quá vãng, khi mà dòng nước “trong, mát” ngày nào hiện đang bị đe dọa. Đau đáu cho câu hỏi tại sao, chúng tôi đã làm một hành trình ngược lên đầu nguồn.

Ô nhiễm từ thượng nguồn

Bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên thuộc tỉnh Lâm Đồng, sông Đồng Nai (ĐN) uốn khúc chảy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, vượt khỏi miền núi rồi ra đến bình nguyên. Trong vai trò thượng nguồn, động thái của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh khu vực thượng nguồn nói chung có ảnh hưởng không hề nhỏ đối với môi trường cũng như sự phát triển bền vững của sông ĐN. Tại hội thảo tham vấn xây dựng Quy hoạch bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông ĐN, được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, thạc sỹ Phạm Mai Thông - Trung tâm Công nghệ môi trường, khẳng định: “Bên cạnh các nguyên nhân khác, những tác động về phát triển thủy điện, khai khoáng, nông nghiệp... ở vùng đầu nguồn cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm sông ĐN”.

Nước thải từ Khu công nghiệp Phú Hội chưa qua xử lý theo quy định xả thẳng ra môi trường.


Theo phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, chỉ tính riêng sông ĐN, sẽ có 6 công trình thủy điện với tổng công suất 981 MW. Hiện tỉnh đã có 3 công trình thủy điện đang trong giai đoạn thi công và thời gian tới dự kiến sẽ tiếp tục với thủy điện ĐN 5, 6 và 6A. Theo tính toán của ngành tài nguyên môi trường tỉnh, trung bình để có được 1MW điện, con người phải đánh đổi 10 - 20 ha đất lâm nghiệp và sản xuất nông nghiệp. Và với những công trình thủy điện đã, đang và sẽ thi công, con số hàng vạn ha đất nông lâm nghiệp biến mất là điều khó tránh. “Là công trình thủy lợi khổng lồ có chức năng điều tiết nước, không có rừng coi như không có nước. Mà thượng nguồn không giữ được nước, mùa khô khu vực hạ lưu chắc chắn sẽ bị ô nhiễm. Khi các công trình thủy điện đi vào hoạt động, lượng nước sẽ bị chia nhỏ theo nhiều nhánh cũng như dòng chảy bị nắn sẽ góp phần hạn chế dòng chảy bình thường của nước...”, ông Huỳnh Văn Chín – GĐ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ.

Ở một khía cạnh khác, theo ông Chín, vấn đề khai thác khoáng sản tràn lan không theo quy hoạch, chất thải trong sản xuất công nông nghiệp... cũng đang ảnh hưởng đến chất lượng nước ở khu vực thượng nguồn lưu vực sông ĐN. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 2 khu công nghiệp đi vào hoạt động, nhưng đều chưa có nhà máy xử lý và nước thải được xả thẳng ra môi trường. Tại Khu công nghiệp Phú Hội (huyện Đức Trọng), mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ dòng nước thải của một doanh nghiệp Nhật Bản cách xa cả chục mét. Màu nước đen ngòm chảy ra ngoài theo các dòng chảy tự nhiên tràn xuống lưu vực sông ĐN. “Tỉnh không có kinh phí và chúng tôi vẫn đang kêu gọi các nhà đầu tư. Tuy nhiên rất khó vì không có doanh nghiệp nào mặn mà, bởi hiệu quả kinh tế quá thấp”, ông Lê Hải - GĐ Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Phú Hội, than.

Hạ lưu - quá tải chất thải

Trước khi hòa mình vào biển lớn, sông ĐN góp một phần không nhỏ cho sự phồn thịnh của các tỉnh khu vực hạ lưu. Khảo sát của các ngành chức năng, trên lưu vực sông ĐN, đặc biệt khu vực cuối dòng, có hơn 100 khu công nghiệp, hàng chục cụm công nghiệp và khoảng 20 triệu người dân đang mỗi ngày thải hàng triệu m3 nước ra sông, trong đó phần lớn là nước chưa qua xử lý. Cụ thể tại tỉnh ĐN, có 22 khu công nghiệp đang hoạt động với lượng nước thải phát sinh khoảng 65.000 m3/ngày, trong đó chỉ có 10 khu công nghiệp đã được cơ quan thẩm quyền kiểm tra, đánh giá theo quy định. Tương tự, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 7 khu công nghiệp nằm trên lưu vực sông ĐN. Hiện chỉ có 3/4 khu được các nhà đầu tư dự án xử lý thu gom, nước thải...

“Số lượng doanh nghiệp vi phạm tài nguyên môi trường đang có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính 6 tháng đầu năm, chúng tôi kiểm tra 350 doanh nghiệp đã phát hiện 338 đơn vị vi phạm với số tiền nộp phạt gần bằng cả năm 2010. Các lỗi vi phạm tập trung ở các điểm: Xả thải vượt chuẩn, không thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường...”, ông Tào Mạnh Quân, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Bình Dương, cho hay.

Khảo sát của ngành chức năng cho thấy, hầu hết chất lượng nước tại nhiều điểm trên lưu vực sông ĐN chưa đạt yêu cầu cho mục đích cấp nước sinh hoạt, thường xuyên mất ổn định, ô nhiễm cục bộ do chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi khuẩn. Đoạn chảy qua TP Biên Hòa (ĐN) có chất lượng kém nhất, do chịu tác động trực tiếp từ nhiều nguồn thải có nồng độ và thải lượng ô nhiễm rất cao từ nguồn thải công nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh đan xen khu vực dân cư kế cận lưu vực sông.

Ông Võ Văn Chánh – PGĐ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai: “Nên có những giải pháp đồng bộ”
Theo tôi nên có những giải pháp đồng bộ trong việc bảo vệ sự phát triển bền vững, ổn định lưu vực sông ĐN. Khác với thời gian trước đây khi chỉ tập trung cho phát triển kinh tế là chính mà ít chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, hiện ĐN đã và đang thực hiện song song 2 nhiệm vụ trên. Việc xây dựng thuỷ điện ở đầu nguồn chắc chắn là có tác động đến khu vực hạ nguồn vì nó làm thay đổi cả hệ thống sinh thái. Cần bảo vệ rừng ở khu vực thượng nguồn cũng như giảm sự can thiệp của con người vào khu vực nhạy cảm này. Riêng về hoạt động của Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông ĐN, tôi kiến nghị phải nhanh chóng rà soát thay đổi hướng đến hoạt động hiệu quả hơn. Ở đây là vai trò của một người có đủ thẩm quyền, có khả năng cầm trịch, đề ra dự án tổng thể và buộc các tỉnh thành phải cùng tham gia cũng như cân đối được bài toán lợi ích kinh tế giữa các vùng miền.


Lê Nghĩa


Bài 3: Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai sẽ làm gì?