07:09 28/07/2011

Môi trường kêu cứu từ lưu vực sông Đồng Nai - Bài 1: Chất lượng nước ngày càng xuống cấp

Theo các chuyên gia kinh tế, lưu vực sông Đồng Nai (ĐN) có tác động trực tiếp đến hầu hết các tỉnh miền Đông Nam bộ về tài nguyên nước, nguồn điện năng, giao thông thủy... Đây là khu vực có tốc độ phát triển cao nhất nước về công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung.

Theo các chuyên gia kinh tế, lưu vực sông Đồng Nai (ĐN) có tác động trực tiếp đến hầu hết các tỉnh miền Đông Nam bộ về tài nguyên nước, nguồn điện năng, giao thông thủy... Đây là khu vực có tốc độ phát triển cao nhất nước về công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung. Tuy nhiên, con người vẫn chưa đối xử công bằng với những gì thiên nhiên đã ban tặng mà đang dần phá vỡ sự cân bằng sinh thái của sông ĐN.

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 187 phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai” bao gồm những tiêu chí cụ thể cho các tỉnh, thành căn cứ thực hiện. Bốn năm trôi qua, đã có hàng loạt thông tư hướng dẫn, cuộc họp triển khai... nhưng thực tế môi trường nước lưu vực sông ĐN được cải thiện tới đâu thì chỉ những người dân trong vùng chịu ảnh hưởng là “thấm thía” hơn cả.

Nhọc nhằn nghề cá

Buổi sáng, làng cá bè trên sông Cái (một nhánh của sông ĐN) khá im ắng. Chỉ có tiếng sủa bâng quơ của các chú chó được chủ bè nuôi bảo vệ cá khi thấy bóng người. Tại đây thời cực thịnh, nghề nuôi cá bè trên sông trở thành nguồn lợi mang lại sự sung túc cho hơn 100 hộ với số lượng gần 1.000 bè. “Nhưng đó là thời điểm của 10 năm về trước, 5 năm gần đây số lượng chỉ gần 600 bè với 52 hộ nuôi. Nếu không lỗ hoặc trắng tay do cá chết thì lợi nhuận cao lắm cũng chỉ bằng 1/3 so với thời gian trước. Hiện chúng tôi chỉ chủ yếu lấy công làm lời, lỡ đổ vốn cả trăm triệu vào đây nên bắt buộc phải sống chết với nghề thôi”, chị Lưu Thị Dung, chủ nuôi cá bè có số lượng vào loại lớn nhất nhì trên sông Cái than thở.

Nước ô nhiễm, cá chết hàng loạt..., việc nuôi cá bè trên sông Đồng Nai ngày càng vất vả hơn.


Quê ở TP Hồ Chí Minh, theo chồng về ĐN lập nghiệp với nghề nuôi cá bè hơn 10 năm nhưng chưa bao giờ chị Dung quên thời điểm cá chết đồng loạt cách đây hơn một năm làm hàng loạt hộ phá sản, nợ nần chồng chất. Lúc ấy, không khí buồn bã bao trùm cả làng cá bè thuộc phường Thống Nhất, TP Biên Hòa (ĐN). Theo các ngành chức năng, chỉ tính từ tháng 6/2010 đến nay, đã có hơn 10 đợt cá bè của người dân bị chết với tổng số lượng hàng trăm tấn cá. Chị Dung cho hay, hiện tình hình chỉ cải thiện chút ít so với khoảng 2 tháng gần đây, khi ngành chức năng ra tay triệt để hơn.
Là một phân lưu của sông ĐN, sông Thị Vải được xem như ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh ĐN và Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau vụ Nhà máy Vedan xả nước thải trực tiếp ra sông gây ô nhiễm, sáng 21/7 chúng tôi đã có gần 1 ngày lênh đênh trên dòng Thị Vải. Theo trực quan, tình hình có vẻ đã được cải thiện nhiều, dòng nước đã trở lại màu xanh vốn có. Nhưng theo phản ánh của người dân, thực chất tình hình ô nhiễm chỉ được “gội rửa” ở bề mặt.

Khi người phải xa sông

Với công suất 90.000 m3/ngày đêm, Xí nghiệp cấp nước Dĩ An đứng hàng đầu tỉnh Bình Dương về cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn. Lấy nguồn từ sông ĐN, qua quá trình xử lý, xí nghiệp đang cung cấp cho hơn 6.000 hộ dân thuộc huyện Dĩ An và Thuận An có nước sạch sử dụng. Ông Trần Chiến Công, GĐ xí nghiệp, cho biết: “Điều lo lắng nhất của chúng tôi là chất lượng nước đầu vào đang ngày càng xấu đi. Hiện các tiêu chuẩn về độ đục, sắt, mặn... trong nước đều vượt mức cho phép và điều đáng lo là đang gia tăng theo từng năm.

Trong khi đó, dưới cái nắng gay gắt của trưa hè, khu vực suối Linh - một trong 2 đoạn suối chính chảy qua TP Biên Hòa (ĐN), rồi đổ ra sông ĐN, nồng nặc mùi hôi thối đến mức gây cảm giác khó thở, nôn oẹ cho những ai mới đến. Dưới lòng suối, nước đen ngòm lẫn các đống rác sinh hoạt đã trương sình, cỏ dại um tùm tìm đường ra sông lớn. Tình hình ô nhiễm trên đã kéo dài gần 30 năm do nước thải sinh hoạt và công nghiệp đổ trực tiếp ra môi trường. Mặc dù người dân kêu cứu vì chất lượng nước sông ĐN bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng các ngành chức năng vẫn bình chân như vại. “Có rất nhiều người bị bệnh về đường hô hấp, ai không chịu nổi thì bán nhà đi chỗ khác ở”, ông Nguyễn Viết Ái, phường Long Bình, bức xúc.

PGS.TSKH Bùi Tá Long - Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh: Cần có hệ thống thông tin môi trường

Trong xu thế phát triển kinh tế - xã hội những năm gần đây, dưới tác động của các yếu tố tự nhiên và hoạt động của con người, chất lượng nước một số lưu vực sông ở nước ta đang bị suy giảm nghiêm trọng. Vấn đề cấp bách diễn ra ở quy mô toàn lưu vực là ô nhiễm nguồn nước sông do chất thải từ các khu công nghiệp và đô thị, từ vấn đề xử lý và quản lý chất thải... Hiện hệ thống chính sách, văn bản pháp quy liên quan đến bảo vệ chất lượng nước lưu vực sông vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, nguồn kinh phí cũng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đặc biệt, tại các lưu vực sông vẫn chưa có được hệ thống dữ liệu - thông tin nhằm phục vụ quản lý chất lượng nước lưu vực - cốt lõi của vấn đề bảo vệ môi trường lưu vực sông. Vì vậy, việc đưa ra một hệ thống thông tin môi trường hỗ trợ và phục vụ công tác quản lý chất lượng nước cho các cơ quan quản lý là một điều hết sức cần thiết.

Ông Lê Hồng Hải - Bộ phận dự án Công ty CP Sonadezi Long Thành: Phải tăng cường công tác kiểm tra sau cấp phép

Là đơn vị làm hạ tầng khu công nghiệp cũng như trực tiếp đầu tư, vận hành xử lý nước thải khu công nghiệp, theo tôi cái khó không phải thiếu kinh phí đầu tư, mà chủ yếu làm sao vận hành được một cách hiệu quả, triệt để nhất. Với bất kỳ một doanh nghiệp nào được cấp phép đầu tư vào khu công nghiệp, theo luật đều có cam kết với ngành chức năng về việc đảm bảo những quy định xả thải, tuy nhiên để giám sát được họ có thực hiện và làm nghiêm túc hay không mới là điều đáng nói. Thực tế sau khi đã cấp phép các thủ tục về môi trường, cần tăng cường công tác kiểm soát, nhất là việc kiểm tra việc hoàn thành các công trình như đã phê duyệt cũng như đánh giá hiệu quả của nó. Nếu như không đạt so với bản cam kết, cần phải cho ngừng hoạt động ngay và bắt buộc bổ sung, làm đúng như quy định. Chỉ khi làm nghiêm như vậy chúng tôi mới đỡ vất vả và chất lượng nước xả thải của các khu công nghiệp nói chung và doanh nghiệp nói riêng mới mong đi vào nề nếp.



Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Bài 2: Sông chứa nước thải