11:14 30/11/2011

Mỗi ngày, 30 người chết do TNGT

Trong 10 tháng năm 2011, cả nước đã xảy ra trên 11.000 vụ tai nạn giao thông thông, làm chết 9.265 người và hơn 8.300 người bị thương. Trung bình, mỗi ngày cả nước có hơn 30 người chết do tai nạn giao thông.

Ngày 30/11, tại thành phố Biên Hoà (Đồng Nai), Tổ chức Handicap International (Bỉ) và Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Về mô hình an toàn giao thông tại Việt Nam ”, đồng thời bàn giao dự án “ATGT cho cuộc sống tốt đẹp hơn”. Tham dự hội thảo có Uỷ ban ATGT Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và đại diện Uỷ ban ATGT các nước Lào, Campuchia.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 10 tháng năm 2011 cả nước đã xảy ra trên 11.000 vụ tai nạn giao thông thông, làm chết 9.265 người và hơn 8.300 người bị thương. Tuy so với năm 2010, tình hình tai nạn giao thông có giảm nhưng vẫn chưa bền vững.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Quảng Nam. Ảnh: Trần Tĩnh- TTXVN

Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông gây chết người chủ yếu là do, người điều khiển phương tiện đi sai phần đường, uống rượu bia, tránh vượt và chuyển hướng sai quy định. Vào thời gian trên, trong cả nước có 31 địa phương có tỷ lệ xảy ra các vụ tai nạn giao thông giảm và 32 địa phương tai nạn vẫn còn tăng so với năm 2010.

Đánh giá tình hình tai nạn giao thông, ông Hiệp cho rằng việc giảm số vụ và số người chết do tai nạn giao thông vẫn chưa bền vững. Hiện nay trung bình mỗi ngày cả nước có hơn 30 người chết do tai nạn giao thông. Do đó, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra cho các gia đình và xã hội là hết sức nặng nề. Trong số những nạn nhân của các vụ tai nạn thì những người trẻ tuổi chiếm trên 40% và có hơn 70% số vụ xảy ra do người điều khiển xe mô tô, gắn máy gây ra.

Nhiều chuyên gia cũng đánh giá, nhận thức của người dân trong việc uống rượu bia khi tham gia giao thông vẫn còn nhiều hạn chế. Theo điều tra, nghiên cứu của Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Minh Tâm (Bệnh viện Đại học Y dược Huế), chỉ có số ít (khoảng 24%) những người sau khi uống bia rượu nhận thức về khả năng bị cảnh sát chặn kiểm tra xe và giữ bằng lái; 25,5% số người nhận thức rằng uống bia rượu có khả năng bị chấn thương do tai nạn giao thông. Qua số liệu điều tra trên, Tiến sĩ Tâm cho rằng, chúng ta cần có một chiến lược can thiệp đa ngành để làm giảm tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia tại Việt Nam . Đặc biệt là tăng cường kiểm tra, xử phạt và có các chương trình nâng cao nhận thức của người dân.

Ông Philippe Martinez , Giám đốc Handicap International tại Việt Nam cho rằng, việc giáo dục ý thức chấp hành luật an toàn giao thông, thực hiện nét văn hoá khi tham gia giao thông, đặc biệt đối với nhóm tuổi học sinh là rất cần thiết. Hiện Handicap International đã triển khai dự án “An toàn giao thông cho cuộc sống tốt đẹp hơn” tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam với các hình thức như xây dựng các mô hình công viên an toàn giao thông trong các trường học; thành lập các chốt sơ cấp cứu đặt trên các tuyến quốc lộ để cấp cứu cho người bị tai nạn giao thông; trang bị các xe cứu thương cho các bệnh viện…

Cũng tại Hội thảo, Ban GTGT Đồng Nai đã bàn giao dự án “An toàn giao thông cho cuộc sống tốt đẹp hơn” cho tổ chức Handicap International, sau 4 năm triển khai. Đầu năm 2012, Handicap International sẽ tiếp tục triển khai dự án tại tỉnh Bình Thuận và Bắc Giang.


Sỹ Tuyên