09:17 26/09/2017

Mỗi năm có khoảng 250.000- 300.000 ca phá thai được báo cáo

Chủ động được việc tránh thai sẽ giúp phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tránh được các tai biến sản khoa do nạo phá thai, phòng tránh dị tật thai nhi, phòng tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục…

Hội thảo "Lợi ích của việc tránh thai và trách nhiệm của chúng ta".

Ngày 26/9, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo: “Lợi ích của tránh thai và trách nhiệm của chúng ta” do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ, Bộ Y tế) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức.


Chương trình nhằm hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới (26/9) với mục đích nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng về nguyên nhân của việc mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, lợi ích của việc tránh thai… cũng như kêu gọi sự quan tâm và nhiều nỗ lực hơn nữa từ các cơ quan có liên quan, đặc biệt là cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.


Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ- Trẻ em (Bộ Y tế), hiện mỗi năm nước ta có khoảng 250.000- 300.000 ca phá thai được báo cáo. Nguyên nhân của tình trạng này là do mang thai ngoài ý muốn. Trong số các ca tránh thai thất bại, có tới hơn 55% không áp dụng các biện pháp tránh thai, hơn 39% sử dụng không đúng cách hoặc sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống kém hiệu quả.


Theo thống kê, hiện số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) ở nước ta là hơn 24,2 triệu người và dự báo sẽ vẫn tiếp tục gia tăng. Năm 2016, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai như: Đặt cổ tử cung, tiêm cấy, uống thuốc tránh thai, sử dụng bao cao su...  là 77,6%, trong đó tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại chiếm 66,8%.


Theo dự báo, nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai sẽ tiếp tục tăng lên; đặc biệt là trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên, vì đây là những đối tượng gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục... Độ tuổi này cần được quan tâm và phổ biến về các phương tiện tránh thai hơn nữa vì họ thiếu các kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân; tỷ lệ phá thai ở vị thành niên, thanh niên còn cao; nhất là tỷ lệ vô sinh, đặc biệt vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng.


Trước thực trạng đó, phòng tránh thai chính là một trong những phương pháp mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất.


Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, khi chủ động được việc tránh thai sẽ giúp phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tránh được các tai biến sản khoa do nạo phá thai, phòng tránh dị tật thai nhi, phòng tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục… Việc thực hiện tốt kế hoạch hóa cũng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống mỗi gia đình.


Tin, ảnh: Tạ Nguyên/Báo Tin Tức