10:09 08/10/2012

Mọi miền rộn ràng lễ hội Lễ hội Lam Kinh 2012: Điểm hẹn văn hóa - lịch sử xứ Thanh

Ngày 7/10, tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, đã diễn ra Lễ hội Lam Kinh 2012, nhân kỷ niệm 594 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 584 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang và 579 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Ngày 7/10, tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, đã diễn ra Lễ hội Lam Kinh 2012, nhân kỷ niệm 594 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 584 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang và 579 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi.


 

Biểu diễn nghệ thuật tái hiện cảnh Vua Lê đánh thắng giặc ngoại xâm. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Phần lễ được thực hiện theo đúng nghi thức cổ truyền, tái hiện nhiều sự kiện trọng đại và mang đậm nét văn hóa thời Lê. Mở đầu là đoàn rước kiệu Lê Lợi, kiệu Bát cống, kiệu Lê Lai, quân kiệu, quân cờ... xuất phát từ đền thờ Lê Thái Tổ, theo đúng nghi thức cổ truyền về trước sân điện Lam Kinh. Trong không khí tôn nghiêm, thành kính bởi âm thanh của trống, chiêng, đoàn rước kiệu Vua Lê Thái Tổ và kiệu Lê Lai cùng quân kiệu, quân cờ xuất phát từ đền thờ Vua Lê Thái Tổ theo đúng nghi thức cổ truyền về sân Rồng Lam Kinh để hành lễ. Điểm nổi bật trong phần lễ chính là những nghi thức tế lễ với những bài chúc văn, tế cáo mang đậm tính nhân văn qua các đời Vua Lê truyền lại, đây là những nét đẹp truyền thống về văn hóa tâm linh trong Lễ hội Lam Kinh.


Trước đó, các lễ dâng hương tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các Vua Lê, các tướng sĩ và nhân dân có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước đã được tổ chức tại các địa điểm di tích như: Đền thờ Lê Thái Tổ, xã Xuân Lam; Khu lăng mộ Lê Thái Tổ; các tòa miếu di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân); đền thờ Trung Túc vương Lê Lai, xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc); Thái miếu Nhà Lê, phường Đông Vệ và Tượng đài Lê Lợi (TP Thanh Hóa), theo nghi thức cổ truyền, bảo đảm nếp văn hóa, văn minh, lành mạnh.


Phần hội diễn ra với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa, trang trọng, gọn nhẹ. Đây cũng là năm đầu tiên ngành văn hóa Thanh Hóa phục dựng lại và đưa toàn bộ 5 trò diễn Xuân Phả nổi tiếng có tên “Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống” - được ví như một đỉnh cao của nghệ thuật múa dân gian Việt vào nội dung của Lễ hội Lam Kinh với các điệu múa: Ai Lao, Ngô Quốc, Chiêm Thành, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung.

 

Cao Bằng: Công bố di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó


Ngày 6/10, tại quảng trường Hồ Chí Minh, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Lễ công bố di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, khai mạc Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" và công bố Quyết định thị xã Cao Bằng trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.


Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Cao Bằng được coi là phên dậu của Tổ quốc, giữ vị trí chiến lược quan trọng ở biên giới phía Bắc, gắn liền với công cuộc chống giặc ngoại xâm của cả dân tộc. Năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Người chọn Pác Bó làm nơi hoạt động bí mật, gây dựng phong trào cách mạng. Tại đây, Người đã ra nhiều quyết sách quan trọng, đưa con thuyền cách mạng đến bến bờ thành công. Từ Pác Bó, ngọn lửa cách mạng đã bùng cháy, lan tỏa khắp non sông đất nước, làm nên cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 vĩ đại, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới, một thời đại mới cho dân tộc Việt Nam...


Hơn 60 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng với tinh thần đoàn kết, đã vượt qua khó khăn, đạt được những thành tựu quan trọng: Kinh tế phát triển với nhịp độ tăng trưởng hằng năm đạt trên 11%; công tác xóa đói giảm nghèo được quan tâm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; tình hình an ninh - chính trị ổn định; khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố. Từ một thị xã bé nhỏ với 4 phường, dân số 5 vạn người, thị xã Cao Bằng đã trở thành một đô thị có 11 đơn vị hành chính phường, xã; diện tích 10.762,81 ha, dân số 8,4 vạn người. Ngày 25/9, Chính phủ ra Nghị quyết công nhận thị xã Cao Bằng trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.


Bắc Giang: Đón nhận các sự kiện văn hóa quan trọng và có ý nghĩa


Tối 6/10, tỉnh Bắc Giang đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế; Quyết định công nhận 16 xã thuộc huyện Hiệp Hòa là An toàn khu (ATK) II và Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Giang lần thứ V năm 2012.


Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được gắn liền với ngôi chùa Vĩnh Nghiêm - được mệnh danh là "Đại danh lam cổ tự" nổi tiếng khắp cả nước. Chùa còn được gọi theo tên thôn là chùa Đức La, thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng. Đây là một trung tâm Phật giáo lớn của thời Trần, một chốn tổ quan trọng - nơi ba vị Trúc Lâm Tam tổ (Trần Nhân Tông - Pháp Loa - Huyền Quang) từng trụ trì và mở đường thuyết pháp. Với số lượng 3.050 mộc bản, được khắc bằng chữ Hán và chữ Nôm với nhiều kiểu chữ khác nhau xen thêm những bức họa đồ tinh tế, bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là bộ sưu tập cổ vật có các giá trị to lớn về tính xác thực, tính quý hiếm, độc đáo có ý nghĩa quốc tế và đã được UNESCO công nhận Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.


Cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử cận đại Việt Nam. Khởi nghĩa Yên Thế tồn tại ngót 30 năm (1884 - 1913), là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất, trên bình diện rộng nhất và kéo dài nhất trong các cuộc khởi nghĩa chống lại ách thống trị của thực dân Pháp, tiêu biểu cho phong trào yêu nước của dân tộc ta trước khi có Đảng lãnh đạo. Các điểm di tích cuộc khởi nghĩa không chỉ thể hiện hình ảnh sinh động mọi mặt đời sống đương thời của nghĩa quân Yên Thế mà còn lưu giữ, chuyển tải tới các thế hệ nhiều giá trị tinh thần đặc biệt mà cuộc khởi nghĩa đã để lại.

 

TTN