12:16 17/12/2018

Mối lo về an ninh năng lượng trong những năm tới

Thiếu than, thiếu khí cho các nhà máy nhiệt điện, trong khi lượng nước về các hồ thủy điện được dự báo sẽ không cao, nhiều nhà máy điện năng lượng tái tạo vẫn còn gặp khó trong đấu nối. Đây là những mối lo đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng trong những năm tới.

Mối lo về điện

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), về cơ cấu nguồn điện, Việt Nam có thủy điện, nhiệt điện (than, khí), năng lượng tái tạo và điện nhập khẩu từ các nước. Với mục tiêu cung cấp đủ điện, ổn định, an toàn, nhu cầu điện năng đến năm 2030 là trên 500 tỷ kWh. Trong năm 2017, tiêu thụ điện đạt gần 180 tỷ kWh. Như vậy, hơn 10 năm nữa, sức ép đầu tư nguồn phát điện là rất lớn.

Trong những năm gần đây, với mức độ tăng cao về nhu cầu năng lượng sơ cấp phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng từ 2015.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh công trình thuỷ điện Hoà Bình. Ảnh: TTXVN phát

Trên thực tế, mối lo thiếu điện và áp lực về nguồn cung điện của Việt Nam đã được tính đến từ sớm. Dự báo trong năm 2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, các nhà máy thủy điện không tích đủ nước theo kế hoạch, cùng với suy giảm sản lượng nguồn khí cung cấp cho nhiệt điện khiến cho khả năng thiếu điện trong mùa khô năm 2019 là rất cao, có thể kéo dài tới hết năm 2019. Lượng điện thiếu hụt này sẽ phải huy động bổ sung từ các nhà máy nhiệt điện than.

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, sau năm 2020, nguy cơ thiếu điện khá rõ ràng. Điều này bắt nguồn từ tình trạng hàng loạt công trình, dự án đang chậm tiến độ. Chẳng hạn ở miền Bắc, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư đang chậm. Còn tại miền Nam, một số các dự án điện BOT đang vướng mắc trong đàm phán…

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn có thể kể đến là các nguồn điện đã được khởi công xây dựng để đưa vào vận hành trong 5 năm tới rất thấp so với yêu cầu tại Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.

Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, trong giai đoạn 2018-2022, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành là 34.864 MW; trong đó, nhiệt điện là 26.000 MW.

Thực tế, hiện nay chỉ có 7 dự án nhiệt điện than với tổng công suất 7.860 MW đã được khởi công và đang triển khai xây dựng. Như vậy, còn trên 18.000 MW trong số 26.000 MW các dự án nhiệt điện than dự kiến đưa vào vận hành trong 5 năm tới, nhưng đến nay chưa được khởi công xây dựng.

“Ngoài ra, nhiều dự án nguồn điện, nhất là các dự án nhiệt điện tại miền Nam có thể sẽ tiếp tục bị chậm tiến độ so với đánh giá tại thời điểm hiện nay. Đồng thời, việc đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện còn tiềm ẩn rủi ro khi các nguồn khí thiên nhiên trong nước hiện đang khai thác đã suy giảm, nhưng chưa có nguồn cấp khí thay thế...”, ông Hải phân tích thêm.

Dự báo, ngành điện sẽ cần phải đảm bảo sản xuất từ 265-278 tỷ kWh vào năm 2020 và khoảng hơn 572 tỷ kWh vào năm 2030. Nếu không đảm bảo đủ nhiên liệu than, khí cho phát điện, Việt Nam có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020. 

Trong bối cảnh thủy điện thiếu nước, nguồn khí cạn kiệt và nhập khẩu có giá thành cao, thì nhiệt điện than hiện được xem là giải pháp đảm bảo năng lượng. Song theo EVN, việc cung ứng than cho sản xuất điện vẫn còn là bài toán khó.

Tổng nhu cầu than cho phát điện trong năm 2019 theo kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia của Tập đoàn này là 54 triệu tấn; trong đó, than sản xuất trong nước là 43,4 triệu tấn và than nhập khẩu là 10,68 triệu tấn. Trong khi đó, tổng khối lượng than của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty  Đông Bắc cho sản xuất điện trong năm 2019 chỉ đạt 37,21 triệu tấn, thấp hơn 6,19 triệu tấn so với nhu cầu.

Cũng theo đại diện TKV, khả năng sản xuất than thương phẩm của ngành này đến năm 2035 tăng không nhiều, đạt từ 42 – 50 triệu tấn/năm. Nhu cầu than của các hộ ngày càng cao, vượt xa khả năng cung cấp của ngành than, đặc biệt là nhiệt điện, lên tới 128 triệu tấn/năm. Theo tính toán, việc nhập khẩu than là tất yếu với nhu cầu 67 triệu tấn (năm 2025); 98 triệu tấn vào năm 2030.

Bên cạnh đó, công nghệ khai thác và chế biến còn ở mức thấp, yêu cầu vốn đầu tư lớn cho thăm dò khai thác, sàng tuyển chế biến và xây dựng cơ sở hạ tầng. TKV cho biết, theo quy hoạch giai đoạn 2016-2030, nhu cầu đầu tư cần 269.000 tỷ đồng (tương đương 12,3 tỷ USD). Như vậy, bình quân mỗi năm cần 18.000 tỷ đồng nhu cầu đầu tư cho phát triển sản xuất than trong nước, chưa bao gồm đầu tư ở nước ngoài để nhập khẩu than về Việt Nam cũng như cơ sở hạ tầng và logistics cho nhập khẩu than.

Năng lượng tái tạo có phải là lời giải?

Việc thúc đẩy nguồn cung năng lượng mới, tái tạo như điện gió, điện mặt trời  được nhiều chuyên gia cho là lời giải cho bài toán đảm bảo an ninh năng lượng.

Chú thích ảnh
Công nhân Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD) kiểm tra thiết bị công trình nhà máy điện mặt trời (Bình Thuận) để chuẩn bị đối phó với cơn bão số 9. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều cơ chế để khuyến khích phát triển điện mặt trời, điện gió thông qua mức giá điện hấp dẫn, lên tới 9,35 cent/kWh cho điện mặt trời và khoảng 8,5 cent/kWh với điện gió.

Động thái này đã thu hút hàng loạt dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo. Đến nay, tổng số dự án đang xếp hàng để triển khai là 332 dự án điện mặt trời với tổng công suất lên đến hơn 26.000 MW. Điện gió cũng ghi nhận dự án Kê Gà - Bình Thuận có tổng công suất khoảng 3.400 MW.

Chia sẻ về phát triển năng lượng tái tạo, đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, nếu tập trung nguồn đầu tư cho phát triển các dự án năng lượng tái tạo; trong đó có điện gió và điện mặt trời, giai đoạn sau năm 2020 Việt Nam sẽ không lo thiếu điện. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế để thực sự thúc đẩy sự phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để đảm bảo an ninh năng lượng phải đảm bảo song hành cả về nguồn cung và kiểm soát nhu cầu phụ tải. Theo đó, cần tăng cường các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả và quản lý nhu cầu sử dụng điện. Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió.

Theo ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, các nguồn điện trong quy hoạch bị chậm là có thể nhìn thấy, nếu không có giải pháp bổ sung. Điện mặt trời, điện gió nếu có thể đưa vào sớm sẽ bù được phần nào lượng thiếu hụt. Để xử lý được vấn đề đấu nối điện mặt trời, có thể triển khai lắp đặt trên mái nhà, các hộ gia đình, doanh nghiệp..., đấu nối với lưới điện, sử dụng và bán lượng điện dư thừa. Đó là một khả năng phân tán nguồn, giảm bớt áp lực xây dựng hệ thống truyền tải.

Cũng theo ông Lực, hiện Bộ Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã giao EVN, thuê tư vấn Bỉ, nghiên cứu tính toán đấu nối nguồn điện mặt trời vào hệ thống và mới có kết quả ban đầu. Với công suất 27.000 MW theo Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh, nếu cả điện gió, điện mặt trời thì có thể đảm bảo nguồn điện. Tuy nhiên, vẫn cần giải quyết vấn đề, khi điện mặt trời, điện gió tăng lên thì nguồn dự phòng đặt ở đâu là hợp lý, khi đổi điện xoay chiều thì có ảnh hưởng chất lượng điện không...? Những nội dung này sẽ được Bộ tiếp tục làm rõ hơn trong thời gian tới...

Đức Dũng (TTXVN)