Dù thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 vẫn còn ám ảnh tâm trí của người dân Nhật Bản, nhưng khi quốc gia ít tài nguyên này đang đứng bên bờ vực của cuộc khủng hoảng năng lượng, hầu hết mọi người đều hiểu rằng họ cần nhiều năng lượng hơn khi bước vào mùa đông.
Theo báo Bưu điện hoa Nam buổi sáng, hầu hết người dân Nhật Bản đều ủng hộ kế hoạch tái khởi động 9 lò phản ứng hạt nhân của nước nàyrong những tháng tới để đáp ứng nhu cầu điện tăng cao trong nước, mặc dù những cảnh báo trước đó cho thấy thảm họa hạt nhân Fukushima vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.
Trong cuộc họp báo tại Tokyo hôm 14/7, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết chính quyền đang lên kế hoạch đưa thêm 9 lò phản ứng hạt nhân đi vào hoạt động trong mùa đông tới. Những lò phản ứng này sẽ giúp cung cấp khoảng 10% năng lượng của quốc gia.
Trước thảm họa Fukushima hồi tháng 3/2011, Nhật Bản có tới 54 lò phản ứng hạt nhân trên khắp đất nước. Nhưng khi con sóng thần cao tới 40 mét ập vào đất liền sau trận động đất kinh hoàng, các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã bị nhấn chìm. Thảm họa này đã khiến nhiên liệu hạt nhân tại 3 trong số các lò phản ứng bị đốt cháy, khiến lõi lò tan chảy. Dư luận sau đó đã phản đối năng lượng hạt nhân, và hiện chỉ có 5 lò phản ứng đang hoạt động.
Năm lò phản ứng nữa đã được phê duyệt tái khởi động sau khi đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và chống khủng bố được nâng cấp của cơ quan quản lý hạt nhân, bên cạnh một lò dự kiến sẽ ngừng hoạt động từ tháng 9 để thực hiện các biện pháp an toàn bổ sung.
Thủ tướng Kishida cho biết Chính phủ Nhật Bản đang cố giảm thiểu tác động của chi phí năng lượng tăng cao, chủ yếu là do xung đột ở Ukraine vào thời điểm nhu cầu tăng vọt do nhiệt độ cao kỷ lục trong mùa hè này. Các chuyên gia cho rằng nhu cầu dự kiến tăng cao hơn nữa trong mùa đông và đã có những dự đoán rằng Chính phủ sẽ phải thực hiện việc cắt điện luân phiên ở một số khu vực của đất nước để đảm bảo lưới điện không bị quá tải.
“Chắc hẳn nhiều người sẽ lo ngại về sự trở lại của năng lượng nguyên tử, chỉ 11 năm sau thảm họa hạt nhân tồi tệ thứ 2 trong lịch sử”, ông Kishida nói. Thảm họa tồi tệ nhất là vụ nổ nhà máy ở Chernobyl. “Không có nguồn năng lượng hoàn hảo duy nhất ở quốc gia khan hiếm tài nguyên như Nhật Bản”, nhà lãnh đạo tuyên bố và cho biết thêm rằng đất nước cần phải phát triển năng lượng hạt nhân để tạo ra sự kết hợp cân bằng giữa các nguồn năng lượng.
Một cuộc thăm dò do Yahoo Nhật Bản thực hiện trong tháng này cho biết 74% người được hỏi nói rằng họ đồng ý cần phải khởi động các nhà máy điện hạt nhân của quốc gia một lần nữa. Trong khi đó, 24% người tham gia khảo sát nói rằng họ phản đối kế hoạch này.
Trong các bình luận sau chương trình phát sóng Tin tức của đài TBS, đã có nhiều người ủng hộ quyết định của Chính phủ ông Kishida. Một người bình luận: “Điện hạt nhân là một bài toán khó. Nó có cả ưu và nhược điểm. Nhưng xét đến tình trạng thiếu điện gần đây và tiền điện tăng cao, tôi nghĩ cần phải có một số giải pháp. Tôi đồng ý với quyết định này nhưng tôi cũng muốn chính phủ đặt ra các quy định an toàn và các biện pháp khẩn cấp trước khi tái khởi động các lò phản ứng này”.
Quan điểm tương tự cũng đã được đưa ra ở nhiều nơi khác. Đa số người Nhật Bản đều nói rằng khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân là một biện pháp không thể tránh khỏi, nhưng nói thêm rằng điều này cần đi kèm với trách nhiệm lớn lao.
“An toàn hạt nhân đã không còn nữa. Tôi muốn Chính phủ thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhất thông qua việc kiểm tra và bảo trì để ngăn chặn một thảm họa hạt nhân nhân tạo khác trước khi các hoạt động tái khởi động các lò phản ứng”, một người bình luận.
Kế hoạch của Nhật Bản cũng có sự hỗ trợ từ nước ngoài. Một người dùng nước ngoài đã bình luận trên mạng xã hội Twitter: “Khoảng thời gian đáng sợ. Tôi hy vọng Nhật Bản sẽ tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân. Quốc gia này đã đóng cửa tất cả các nhà máy hạt nhân, đó là quyết định hoàn toàn chính trị, không phải là một quyết định hợp lý”.
Ông Hideyuki Ban, đồng Giám đốc của Trung tâm Thông tin Hạt nhân Công dân có trụ sở tại Tokyo, cho biết thông báo nhiều nhà máy hạt nhân sẽ sớm =khởi động lại không phải là một điều bất ngờ vì chính phủ đã đặt cơ sở cho quyết định này. Song ông vẫn lo ngại sâu sắc về vấn đề đó.
“Tôi lo lắng vì các nhà máy mà chính phủ đang đề xuất khởi động lại đều gặp vấn đề nghiêm trọng”, ông nói. “Một số nhà máy được xây dựng trên các đường đứt gãy đang hoạt động không được chú ý tới. Một số khác nằm gần núi lửa đang hoạt động và giới chức vẫn chưa đưa ra kế hoạch sơ tán toàn diện cho cư dân địa phương, vốn sẽ rất quan trọng trong trường hợp xảy ra thảm họa”.
Ông thừa nhận Nhật Bản đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng, song vị quan chức này cho rằng cách tốt nhất và an toàn nhất để giải quyết vấn đề dólà dựa vào khí đốt và các nhà máy nhiệt điện thông thường khác, cho đến khi có thể đưa ra các giải pháp thay thế thực sự an toàn.