03:18 30/03/2021

Mọi công dân đủ điều kiện đều có quyền ứng cử

Quyền ứng cử là quyền cơ bản của công dân đã được Hiến định. Theo đó, khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật, công dân có thể thể hiện nguyện vọng của mình được ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Chú thích ảnh
Ngày 19/3/2021, tại thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ 2, thống nhất danh sách sơ bộ đại biểu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố khóa X nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Cụ thể, Hiến pháp và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định, mọi công dân từ 21 tuổi (trở lên) có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này. Để trở thành ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, công dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn của người đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như trình tự nộp hồ sơ, vận động tranh cử theo đúng quy định của pháp luật.

Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đến nay, sau Hội nghị Hiệp thương lần 2, tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 1.161 người, đạt tỷ lệ 2,3 người/1 đại biểu được bầu.

Tiêu chuẩn để trở thành đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân

Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo các quy định mới được sửa đổi, bổ sung của hai đạo luật nói trên thì đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải có các tiêu chuẩn: Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm; Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội, hoạt động của Hôi đồng nhân dân.

Người tự ứng cử, người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của địa phương nào thì phải là người đang cư trú hoặc công tác thường xuyên ở địa phương đó.

Ngoài ra, người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước thì ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn chung còn phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu, xuất sắc; có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, có năng lực phân tích, hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, có chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến, thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

Người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đang công tác tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu; có tư tưởng chính trị vững vàng; có năng lực xây dựng chính sách và khả năng tổ chức hoạt động giám sát, có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến; thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 126-QĐ/TW ngày 28/2/2018 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Ngoài các tiêu chuẩn chung nói trên, người được giới thiệu ứng cử để làm làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách còn cần đáp ứng thêm một số tiêu chuẩn cao hơn về trình độ chuyên môn, vị trí công tác đang đảm nhiệm, về tình hình sức khỏe và độ tuổi ứng cử, tái cử (nêu cụ thể tại Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20/1/2021 của Ban Tổ chức Trung ương).

Đảm bảo dân chủ, bình bằng trong giới thiệu nhân sự ứng cử

Người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan lực lượng vũ trang hoặc người lao động tiêu biểu, xuất sắc đang công tác tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc thành viên tiêu biểu của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, người của thôn, tổ dân phố bảo đảm đủ tiêu chuẩn, điều kiện ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Người được giới thiệu ứng cử được các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc thôn, tổ dân phố (đối với ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã) lựa chọn theo thủ tục nhất định để giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và đã hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử theo đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được thực hiện theo quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân theo nguyên tắc tập trung dân chủ; quy trình, thủ tục, hồ sơ cụ thể thực hiện theo quy định của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đối với nhân sự là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước thì việc giới thiệu ứng cử phải được thực hiện theo đúng các quy định của Đảng và Nhà nước.

Đối với người ngoài đảng thì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan xem xét, kết luận về tiêu chuẩn chính trị và chịu trách nhiệm về kết luận của mình.

Không hạn chế công dân tự ứng cử

Người tự ứng cử là người tự thấy mình có đủ tiêu chuẩn, điều kiện ứng cử đại biểu Quốc hội hay đủ tiêu chuẩn, điều kiện ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, có nguyện vọng ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và đã hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử theo đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Đảng viên tự ứng cử đại biểu Quốc hội, tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời phải được cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền quản lý đảng viên đồng ý. Cụ thể, đảng viên không giữ chức vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị-xã hội nếu tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì phải báo cáo và phải được chi bộ, đảng bộ cơ sở (nơi đảng viên sinh hoạt) đồng ý. Đảng viên đang giữ các chức vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước hoặc đã nghỉ hưu nếu tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì phải báo cáo và phải được cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ và cấp ủy cấp trên trực tiếp của chi bộ, đảng bộ cơ sở (nơi đảng viên sinh hoạt) đồng ý.

Người ngoài đảng tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân từ trước đến nay không bị cản trở vì đây là quyền của công dân. Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp đã nêu rất rõ, tất cả công dân Việt Nam đủ điều kiện đều có quyền tự ứng cử.

Những người tự ứng cử viết đơn gửi đến ủy ban bầu cử các cấp. Trên cơ sở đó, các ủy ban bầu cử sẽ xem xét, thống nhất với Mặt trận Tổ quốc đưa ra các hội nghị hiệp thương để thỏa thuận, thống nhất. Ngoài ra, việc thẩm định hồ sơ của những người tự ứng cử cũng được tiến hành đồng thời với những người do các cơ quan, đơn vị giới thiệu. Quy trình thẩm định là như nhau. Cụ thể, thẩm định tiêu chuẩn, lịch sử chính trị, các vấn đề liên quan tới pháp lý nếu có hoặc ý kiến phản ánh của nhân dân...

Với cơ chế như trên, đến nay, sau khi vòng hiệp thương lần 2 kết thúc, theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, cả nước sơ bộ có 77 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại 24 tỉnh, thành phố.

Tất cả người ứng cử đều phải qua quy trình bầu cử 5 bước

Chú thích ảnh
TS Nguyễn Hải Long, Phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử thuộc Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Với mục tiêu cao nhất là lựa chọn bầu được những đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, mọi ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, không phân biệt người được giới thiệu hay người tự ứng cử đều phải trải qua một quy trình 5 bước hiệp thương, lấy ý kiến cư tri nơi công tác và cư trú cũng như thời hạn nộp hồ sơ ứng cử là như nhau.

Làm rõ nội dung này, Tiến sỹ Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử thuộc Ban Công tác đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết: Theo quy định của Luật bầu cử  đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, những người được giới thiệu hay tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải đảm bảo lấy được ý kiến nhận xét của cử tri nơi công tác và nơi cư trú cũng như trải qua hai vòng hiệp thương lần 2, lần 3 để có tên trong danh sách ứng cử viên chính thức.

Người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử thì ngay sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phải tham dự Hội nghị lấy ý kiến của cử tri tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình đang công tác để nhận ý kiến nhận xét, giới thiệu ứng cử; sau đó mới tiến hành làm hồ sơ ứng cử. Còn người tự ứng cử thì đã có quyền nộp hồ sơ ứng cử và được cơ quan có thẩm quyền cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xem xét đưa vào danh sách ứng cử viên cho Hội nghị hiệp thương lần hai.

Sau Hội nghị hiệp thương lần 2 và có tên trong danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, các ứng cử viên (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) phải lấy được ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú. Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp triệu tập và chủ trì hội nghị.

Bên cạnh đó, khoản 2, Điều 44 của Luật Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cũng nêu rõ: “Hội nghị hiệp thương lần thứ hai căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến cử tri nơi người đó công tác (nếu có)”. Như vậy, cùng giai đoạn lấy ý kiến cử tri nơi cư trú như với người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử còn phải hoàn tất nốt thủ tục lấy kiến cử tri nơi công tác mà họ chưa thực hiện như người được giới thiệu ứng cử đã thực hiện ở giai đoạn trước hội nghị hiệp thương lần hai.

Tiến sỹ Nguyễn Hải Long nhấn mạnh rằng với quy trình trên, có thể thấy các quy định của pháp luật về bầu cử không những không hạn chế, ngăn cản người tự ứng cử mà ngược lại, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tự ứng cử, đồng thời đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử.

Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Hải Long, cả người được giới thiệu ứng cử lẫn người tự ứng cử còn có cơ hội bình đẳng như nhau tại hội nghị lấy ý  kiến cử tri nơi cư trú khi Nghị quyết liên tịch 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương nêu rõ: “Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định”.

Thực tế cho thấy, tại nhiều kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân gần đây, sau hội nghị cử tri nơi cư trú cũng như Hội nghị hiệp thương lần ba - lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân – số lượng ứng cử viên chính thức (bao gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) bị rút gọn lại đáng kể so với danh sách sơ bộ sau Hội nghị hiệp thương lần hai. Điều đó phản ánh quyền làm chủ người dân trong bầu cử qua việc đánh giá, giám sát, sàng lọc của cử tri đối với những người ứng cử để lập ra một danh sách những ứng cử viên xứng đáng nhất cho nhân dân lựa chọn vào ngày bầu cử.

TTXVN/Báo Tin tức