12:12 05/12/2017

Mốc son trong cuốn sách 'Xin chữ'

Với cuốn sách "Xin chữ", bạn đọc sẽ thêm một lần hiểu hơn về nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đầy ắp vốn sống, đầy ắp từng trải qua chặng đường dài gần 50 năm từ khi rời ghế giảng đường đại học vào chiến trường Đông Nam Bộ ác liệt, rồi trở về và đảm nhiệm những cương vị lãnh đạo khác nhau.

Sau tập “Thủ đô Hà Nội - Tầm vóc mới, vị thế mới”, bề thế cuốn sách  “Xin chữ” của nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, khá tương xứng với 536 trang, do nhà xuất bản Hà Nội ấn hành quý 3/2017.

Nếu ở “Thủ đô Hà Nội - Tầm vóc mới, vị thế mới” là hàng trăm bài viết đã đăng tải trên các báo, tạp chí cùng những diễn văn, phát biểu hội nghị trong ngoài nước của mười năm tác giả làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, thì “Xin chữ” lại nghiêng về phần chuyên ngành ông có thời gian đảm trách dài hơn. Bởi thế, tập sách thiên nhiều về nội tâm thể hiện qua những trang viết văn học khá ấn tượng.

Ấn phẩm ngoài phần phụ lục “Mở một cuốn sách thấy một con người” với những bài viết của các tác giả về Phạm Quang Nghị là bốn phần được chia ra khá rõ: Vươn tới những giá trị chân-thiện-mỹ; Hà Nội trong tôi; Sống trong lòng người và Những khoảnh khắc của cuộc đời”.

Bìa của cuốn sách.

Phần thứ nhất gồm 18 bài - những đăng đàn đây đó chủ yếu xoay quanh vấn đề phải làm sao giữ gìn cho được bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam - thứ vốn liếng quý báu, thiêng liêng nhất mà ngàn năm chúng ta đã không tiếc máu xương giành giật và giữ gìn. Không bao giờ, cho dù hàn vi hay khả quan mà cho phép ta được sao nhãng: “Có thể nói chưa bao giờ vai trò, vị trí của văn hóa trong việc củng cố và bảo vệ hòa bình thế giới được khảng định, nhấn mạnh và đề cao như tại hội nghị lần này. Hợp tác văn hóa là một trong ba trụ cột lớn của hợp tác quốc tế trong thời đại ngày nay”…

Với 34 bài biết, phần thứ hai - “Hà Nội trong tôi” đã phản ánh những hiện tượng cụ thể ở Hà Nội và cảm nghĩ của tác giả chủ yếu trong thời gian ông đảm nhiệm trọng trách nơi đây. Và chỉ cần đọc tên các bài viết: “Tự hào thay Thăng Long - Hà Nội”, "Mở rộng Hà Nội - tầm nhìn trăm năm; Vì Hà Nội, cho Hà Nội để Hà Nội cất cánh tới tương lai”, “Bình tĩnh lắng nghe”, “Bảo tồn và phát triển”, “Hãy là tinh hoa đích thực”… đã có thể hình dung phần nào về nội dung mà tác giả đau đáu đề cập. Để rồi: “Trong khó khăn, thách thức, những giá trị văn hiến truyền thống hàng nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội lại bừng lên ngọn lửa động lực cho Thủ đô trong thời kì phát triển mới”.

Phần thứ ba - “Sống trong lòng người”, tập hợp 12 bài - dấu ấn, kỉ niệm của tác giả về những danh nhân, chính khách, văn nghệ sĩ. Với đại thi hào, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du, tác giả đã tôn kính: “Thái độ và lòng nhân ái của một nghệ sĩ vĩ đại, một đại thi hào trước những vấn đề của thời đại. Đồng thời Truyện Kiều cũng là tác phẩm văn học mẫu mực - như Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét, là hòn ngọc quý của tiếng Việt”.

Với “Thơ anh mãi mãi sống với đời” - những dòng tưởng niệm nhân ngày giỗ đầu của nhà thơ Tố Hữu, tác giả Phạm Quang Nghị “ôn cố tri ân” những kí ức, kỉ niệm với nhà thơ lớn từ thuở đầu đời học trò qua trang sách, đến tác phẩm “Nước non ngàn dặm”, rồi được tiếp xúc với nhà thơ ở chiến trường Tây Ninh, năm 1973 và sau giải phóng vinh dự được làm việc tại Ban Tuyên huấn Trung ương, nơi nhà thơ Tố Hữu là Thủ trưởng…

Khi đọc hai bài: “Ông vẫn như đang ở đâu đây, rất gần…” và “Những kỉ niệm về một thời gian khổ”, bạn đọc sẽ hiểu thêm đôi nét cuộc đời của tác giả. Trước khi vào chiến trường, Phạm Quang Nghị do yêu cầu nên mới học hết năm thứ ba, khoa Sử - Đại học Tổng hợp, ông luôn đã dành tình cảm sâu sắc về “đạo học trò” kể cả từ buổi cắp sách cho đến khi giữ những trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó. Đó là những kỉ niệm với vị chủ nhiệm khoa Lịch sử - Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phạm Hữu Dật và Giáo sư Trần Quốc Vượng trực tiếp giảng dạy môn Sử. Những kỉ niệm về thầy trò nơi trường sơ tán ngày ấy đã theo tác giả suốt cuộc đời.

 Hãy nghe ông lắng lại với những kỷ niệm đẹp về GS Trần Quốc Vượng: “Những năm khoa Sử của trường Đại học Tổng hợp sơ tán lên Đại Từ, Thái Nguyên, tình thầy trò trong những năm tháng chiến tranh để lại trong tôi những kỉ niệm vô cùng đẹp đẽ. Cho dù dân gian vẫn thường ví “nước chảy đá mòn”, thời gian cho dù có xóa đi nhiều dấu tích nơi Trại Chuối, Đầm Sủi bên dòng sông Công năm xưa, những kỉ niệm về người thầy tài hoa và sôi nổi trong tôi vẫn mới tinh khôi”.

Với thầy giáo chủ nhiệm khoa Phan Hữu Dật khi nhìn lớp học trò thu xếp tài liệu của khoa để chuyển về Hà Nội lúc Mỹ ngừng ném bom, ông nhớ: “Thầy nhìn thấy sách phải chất thành đống ra cả ngoài sân, thầy chỉ lo bị mất. Nhưng đến hôm nay, sau 30 năm, tôi xin thành thật báo cáo với thầy rằng, tôi và những bạn được phân công canh gác khi đó, dù biết là có rất nhiều sách hay, sách quý nhưng đã không hề lấy một cuốn nào của thư viện làm của riêng”...

Đọng lại hơn cả trong 18 bài của phần thứ tư - “Những khoảnh khắc cuộc đời” là những trang viết đầy suy tư của tác giả về quê hương, về những người thân, đặc biệt là về thân mẫu. Xin trích dẫn đôi dòng thật cảm động: “Có lẽ từ lúc con trưởng thành, có biết bao sự cố buồn vui trong đời, nhưng chưa có lần nào con đau đớn và rơi nước mắt nhiều như lần này. Cứ khoảng 3-4 giờ sáng con đã thức dậy, một mình lặng lẽ bước lên tầng ba viết những lời tiễn biệt mẹ trong tiếng nấc nghẹn ngào. Một mình con ngồi trong căn phòng bốn bề tĩnh lặng, giữa đêm khuya tự mình nghe được từng hơi thở, tiếng đập của con tim, hồi tưởng lại những kí ức về mẹ…”.

Nhưng có thể nói khoảnh khắc ấn tượng nhất lại là mười năm TS Phạm Quang Nghị đảm nhiệm trọng trách Bí thư Thành ủy Hà Nội. Khi ông bắt đầu nhận nhiệm vụ: “Tâm trạng vừa mừng vừa lo, hoặc ngược lại vừa lo vừa mừng cũng được. Mừng vì tôi được tắm mình trong thực tế, một môi trường vô cùng sôi động ở Thủ đô. Và lo, bởi tôi cũng hình dung được quy mô và tính chất khó khăn, phức tạp của công việc đang chờ tôi ở phía trước”.

Và sau những mừng lo trong “lát cắt mười năm” ấy, ông đã nhẹ nhàng rời chức trách: "Tôi đã chuẩn bị cho ngày bàn giao trách nhiệm vào một ngày đẹp trời… Tôi chân thành cảm ơn tất cả các đồng chí trong BCH, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy khóa XV, XVI đã hết lòng ủng hộ, động viên tôi trong mọi công việc. Xin được cảm ơn Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã luôn kề vai, sát cánh, chung sức đồng lòng cùng nhau xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại”.
                                              
Trong “Xin chữ”, ngoài nội dung nghiêng về riêng tư như đã nhận xét ở đầu bài viết, bút pháp văn học đã được người viết chú tâm hơn. Tác giả đã trích dẫn khá nhiều câu, nhiều dòng nổi tiếng của các danh nhân, học giả trong và ngoài nước, đã dẫn thơ của Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Việt Phương… Nhờ vậy, các bài viết trong cuốn sách mềm mại, mênh mông hơn.

“Xin chữ” sẽ là một mốc son trong bộ sách trước, nay và sau của tác giả Phạm Quang Nghị.

Đào Vĩnh