05:22 02/05/2012

Mổ xẻ yếu kém của nuôi cá tra

Theo bà Phạm Thị Thu Hồng – Chi cục thủy sản Vĩnh Long, nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL đã và đang có nhiều tồn tại như: Người nuôi đầu tư để đạt năng suất quá cao, tận dụng tối đa quỹ đất, sử dụng lượng thức ăn quá lớn… dẫn đến nguy cơ xuất hiện dịch bệnh và lây lan cao...

Theo bà Phạm Thị Thu Hồng – Chi cục thủy sản Vĩnh Long, nghề nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long đã và đang có nhiều tồn tại như: Người nuôi đầu tư để đạt năng suất quá cao, tận dụng tối đa quỹ đất, sử dụng lượng thức ăn quá lớn… dẫn đến nguy cơ xuất hiện dịch bệnh và lây lan cao; sản xuất tùy tiện và chủ yếu theo tín hiệu giá của thị trường, dẫn đến tình trạng thừa, thiếu nguyên liệu cục bộ phục vụ cho chế biến XK và tính ổn định trong sản xuất rất thấp; chất lượng sản phẩm không đồng nhất; chi phí sản xuất ngày càng tăng đã làm cho người nuôi trong vài năm gần đây luôn thua lỗ hoặc lợi nhuận rất thấp.

Chăm sóc cá tra tại vùng nuôi của Công ty Bình An (Cần Thơ).
Ảnh: An Đăng - TTXVN

Theo đó, công tác qui hoạch chậm và chưa theo kịp sản xuất, thiếu các giải pháp sản xuất bền vững dẫn đến “bài toán” nguyên liệu giữa cung – cầu luôn trong tình trạng thừa – thiếu cục bộ, khả năng xảy ra rủi ro do biến động thị trường khá cao. Người dân sản xuất chủ yếu là các mô hình nuôi nhỏ lẻ, manh mún theo kinh nghiệm truyền lẫn nhau nên khi có sự biến động về giá, các nhà máy có cơ hội ép giá, người nuôi không tự bảo vệ được chính mình. Trong khi đó, doanh nghiệp thu mua thiếu hệ thống thông tin về thị trường hoặc thông tin thiếu minh bạch, dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Hiện tượng tranh mua tranh bán, ép giá còn xảy ra đồng thời với hiện tượng không tuân thủ hợp đồng mua bán đã ký kết giữa người nuôi và doanh nghiệp thu mua cá tra, dẫn đến giá cá biến động thất thường và phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu tiêu thụ của các nhà máy chế biến. Vì vậy người nuôi luôn ở thế bị động về giá và sản lượng tiêu thụ. Hơn nữa, do người nuôi đầu tư nuôi năng suất quá cao, nuôi mật độ quá dày (50 – 70 con/m2), tận dụng tối đa quỹ đất, dẫn đến chí phí sản xuất tăng; nguồn nước cấp bị ô nhiễm, nguy cơ xuất hiện dịch bệnh và lây lan cao. Tình trạng dịch bệnh ở cá giống và cá nuôi thương phẩm trong vài năm gần đây diễn biến phức tạp khiến tỉ lệ hao hụt cao từ 20 – 30%, gây thiệt hại đáng kể cho nghề nuôi.

Cũng theo bà Hồng, việc phát triển diện tích nuôi quá nhanh, đầu tư cao cho sản xuất nhưng lại không quan tâm tới khả năng tiêu thụ sản phẩm dẫn đến giá cả nguyên liệu phụ thuộc vào các doanh nghiệp chế biến XK và luôn ở tình trạng bấp bênh không ổn định; mối liên kết giữa các khâu trong chuỗi sản xuất chưa chặt chẽ, dẫn đến nhiều xung đột trong nội tại, nhất là lợi ích giữa người nuôi và doanh nghiệp chưa đạt mức hài hòa dẫn đến nguy cơ rủi ro, thua lỗ luôn thường trực đối với người nuôi.

Trong khi đó, theo Tổng cục Thủy sản, việc đảm bảo chất lượng cá giống hiện nay cũng còn hạn chế. Theo báo cáo của các địa phương, trong số hơn 4.000 cơ sở sản xuất giống, chỉ có khoảng 1/4 số cơ sở có đăng ký kinh doanh và có tổ chức sản xuất thường xuyên với diện tích lớn, sản lượng nhiều, thực hiện sản xuất theo quy trình kỹ thuật. Ngoài ra, hiện nay ở khu vực trọng điểm sản xuất cá tra chưa có đầu tư của Nhà nước để hình thành những phòng khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống và môi trường... Do vậy, trong năm 2012 này, Tổng cục Thủy sản sẽ xây dựng các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy chế quản lý đối với cá tra giống; đồng thời quy hoạch vùng sản xuất giống tập trung, triển khai việc đánh số các trại giống theo hệ thống mã số mã vạch của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - GS1 Việt Nam, mã số GLN (Global Location Number) - mã địa điểm toàn cầu, nhằm có thể truy xuất được địa điểm trên phạm vi toàn cầu và chú trọng hơn công tác quan trắc và cảnh báo môi trường, cũng như xây dựng các mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất.

Minh Thuyết