07:14 06/07/2014

Mở tuyến vận tải ven biển giữa miền Bắc và miền Trung

Tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình liên kết các cảng bến thuỷ nội địa, cảng biển thuộc các tỉnh thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Sáng 6/7, tại Hải Phòng, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lễ công bố Tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình.

Ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, thực hiện chủ trương siết chặt trọng tải của các phương tiện của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, tại một số cảng biển Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh... đã xuất hiện ùn ứ hàng hoá tại cảng biển. Tại khu vực cảng Hải Phòng hàng hoá tăng lên 30 - 40%, một số cảng biển lượng hàng hoá và tàu đã tăng lên gấp đôi.

Căn cứ kết quả khảo sát luồng hàng vận chuyển giữa Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình,Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, trung bình mỗi tháng có khoảng 500 - 600 nghìn tấn hàng hoá được vận chuyển. Theo tính toán nếu vận chuyển bằng đường bộ (đi bằng xe 30 tấn) cần khoảng 20.0000 lượt phương tiện/tháng nhưng nếu vận chuyển khối lượng tương đương bằng tàu (tàu trọng tải 1.000 tấn) cần khoảng 600 lượt tàu/tháng (khoảng 80-100 tàu). Thời gian vận chuyển bằng tàu ven biển gấp 2,5 - 3 lần so với vận chuyển bằng đường bộ, tuy nhiên chi phí vận chuyển chỉ bằng 1/5 đến 1/6.


Ảnh minh họa: TTXVN


Với số lượng tàu hiện có, tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình sẽ đảm nhận được việc vận chuyển hàng hoá với khối lượng lớn, đặc biệt đối với hàng hoá là hàng siêu trường, siêu trọng từ miền Bắc đến miền Trung.

Ông Trần Đức Lanh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại vận tải Thái Hà cho biết, để nâng cao an toàn cho các tàu hoạt động trên tuyến này, đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam có kế hoạch phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp về các quy định về An toàn, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, tạo thuận lợi nhất cho đơn vị kinh doanh và người dân, trong đó đặc biệt chú trọng kiểm soát tải trọng phương tiện.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện các giải pháp tăng cường kết nối các phương thức vận tải nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ cũng như tập trung tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải và chủ hàng, đặc biệt trong các lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản, vật liệu xây dựng và các ngành hàng xuất khẩu.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu để mở thêm các tuyến vận tải ven biển, nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ, hạ giá thành vận tải và qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển của các địa phương.


Quang Toàn