02:09 18/02/2011

Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động

Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), năm 2011, nước ta phấn đấu đưa được 87.000 lao động ra nước ngoài làm việc. Thời gian tới, sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng thị phần tại các thị trường lao động truyền thống cũng như các thị trường mới.

Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương  binh và Xã hội), năm 2011, nước ta phấn đấu đưa được 87.000 lao động ra nước ngoài làm việc. Thời gian tới, sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng thị phần tại các thị trường lao động truyền thống cũng như các thị trường mới.

Một năm hứa hẹn

Ngày 10/2, Cục Quản lý lao động có công văn gửi các tỉnh Lai Châu, Nghệ An và Hà Tĩnh về việc tuyển chọn lao động sang Nhật Bản. Theo đó, mỗi sở chuẩn bị 20 ứng viên để tham gia đợt tuyển chọn (10 người/tỉnh) đi tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình hợp tác giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Hiệp hội phát triển nhân lực quốc tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản (IMM Japan).

Người lao động nộp hồ sơ xuất khẩu lao động tại Sàn giao dịch tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN


Để thực hiện Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững giai đoạn 2009-2020, đợt tuyển chọn lần này sẽ ưu tiên cho những huyện nghèo.

Nhật Bản hiện là 1 trong 4 thị trường quen thuộc của Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Cùng với Nhật Bản, hiện nay, lao động Việt Nam tập trung chủ yếu ở Hàn Quốc, Đài Loan, Malaixia, khu vực Trung Đông... Tổng cộng, lao động ta đã có mặt ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 1995, chỉ mới có 15 quốc gia nhận lao động Việt Nam với 10.050 người.

Tới nay, có thể thấy thị trường nhận lao động Việt Nam vào làm việc ngày càng mở rộng. Thời gian qua, bên cạnh việc ổn định và duy trì thị trường Đài Loan, Malaixia, nước ta đã tăng được thị phần lao động tại các thị trường có thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc và mở được thị trường mới (Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Cata, Arập Xêút, Ma Cao, Xinhgapo, Ôxtrâylia, Mỹ). Đồng thời, mở lại được thị trường Cộng hòa Séc, Angiêri và xúc tiến mở thị trường ở Bắc và Đông Âu.

Năm 2010, thị phần lao động Việt Nam ở nhiều thị trường không bị suy giảm lớn, thậm chí thị phần ở một số thị trường như UAE, Ma Cao, Libi... còn được mở rộng (UAE 5.241 người, Libi 5.242 người, Macao 3.124 người). Các thị trường truyền thống như Đài Loan, Malaixia, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn được duy trì và tiếp nhận một số lượng lớn lao động Việt Nam (Đài Loan 28.499 người, Malaixia 11.741 người, Hàn Quốc 8.628 người, Nhật Bản 4.913 người...).

Tính cả năm, đã có 85.546 lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong đó có 53.781 người sang 4 thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Malaixia (chiếm hơn 62%).

Tiếp theo đà tăng này, năm 2011, chúng ta phấn đấu đưa được 87.000 lao động sang nước ngoài làm việc, tăng hơn 2.000 lao động so với năm 2010.  

Theo lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, một trong những thị trường tiềm năng nhất của năm 2011 sẽ là Ixraen. Lợi thế là thị trường này tuyển lao động sang làm nông nghiệp, yêu cầu phù hợp với đối tượng lao động người Việt Nam.

Nhiều giải pháp giữ và mở thị trường

Để đạt được chỉ tiêu cao hơn năm 2010, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết sẽ tiến hành nhiều giải pháp để duy trì và mở rộng thị phần tại các thị trường lao động truyền thống cũng như các thị trường tiềm năng.

Phỏng vấn, tiếp nhận hồ sơ người đi lao động ở nước ngoài tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội. Ảnh: Hữu Việt - TTXVN


Năm 2010 là năm thứ 4 liên tiếp, Đài Loan là thị trường dẫn đầu về tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại đây. Theo báo cáo của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan, năm 2011, nhu cầu lao động nước ngoài của khu vực này sẽ vẫn tiếp tục tăng, nhưng khả năng sẽ không tăng mạnh như năm 2010.

Tới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ có nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động Đài Loan như: Thúc đẩy mở lại thị trường lao động làm việc trong các gia đình, khôi phục việc tổ chức hội nghị thường niên giữa hai nước, cải thiện tình trạng lao động bỏ hợp đồng và tình trạng thu phí trái phép cao...

Theo lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, một trong những thị trường tiềm năng nhất của năm 2011 sẽ là Ixraen. Lợi thế là thị trường này tuyển lao động sang làm nông nghiệp, yêu cầu phù hợp với đối tượng lao động người Việt Nam.

Còn tại Malaixia, nơi đang có khoảng 87.000 lao động VN đang làm việc (chủ yếu trong các nhà máy), để duy trì và phát triển thị trường này trong thời gian tới, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại nước này sẽ chú ý nâng cao trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật của các doanh nghiệp Việt Nam, đồng bộ trong các khâu: Hợp đồng cung ứng với đối tác nước ngoài, thẩm định và đăng ký hợp đồng, tuyển chọn, đào tạo, đưa đi và quản lý lao động tại Malaixia.

Cũng theo đại diện Ban Quản lý, các doanh nghiệp phía ta cần lựa chọn đối tác phía bạn đủ tin cậy, có sự hợp tác và trách nhiệm để cùng xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh; phải lựa chọn những đơn hàng có việc làm ổn định, thu nhập bình quân từ 850 - 1.000 RM/tháng (kể cả làm thêm giờ) và điều kiện làm việc, ăn ở của người lao động đảm bảo theo các quy định hiện hành. Các doanh nghiệp phải quan tâm, chú trọng tới việc nâng cao chất lượng, ý thức kỷ luật của nguồn lao động cung ứng cho thị trường Malaixia.

Với thị trường tiềm năng là Ixraen, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, khó khăn lớn nhất là việc hai Nhà nước chưa ký hiệp định hợp tác về lao động. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động nước ta khai thác thị trường này cũng như để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động sang Ixraen làm việc, trong năm nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tiếp tục đề xuất phía Ixraen ký một hiệp định hợp tác về lao động giữa hai nước.

Mạnh Minh