10:11 10/10/2021

Mở rộng phạm vi hoạt động của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Hội nghị Trung ương 4, khoá XIII vừa kết thúc và đã đưa ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đồng thời kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm…

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 4 đã thống nhất tên gọi “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” thay cho tên cũ là “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”. Việc bổ sung từ “tiêu cực” cho thấy sự đổi mới, quyết tâm mạnh mẽ của Đảng trong công tác đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, "lợi ích nhóm", được đông đảo cán bộ, nhân dân đồng tình ủng hộ.

Chủ động phòng ngừa những hành vi tham nhũng, tiêu cực

Theo ông Nguyễn Xuân Long, Bí thư Đảng ủy phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đột phá. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt, sự thống nhất, đoàn kết trong các cấp ủy Đảng được tăng cường. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một số cán bộ, đảng viên ở đâu đó vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có lúc, có nơi, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp.

Việc Trung ương bổ sung thêm từ “tiêu cực” trong Nghị quyết cho thấy quyết tâm của Đảng ta nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới.

“Nội dung Nghị quyết bổ sung trong công tác phòng, chống tham nhũng lần này là một chủ trương rất đúng và trúng trong thời gian tới nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, thu hút sự chú ý, kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và người dân”, ông Nguyễn Xuân Long nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ rất vui mừng vì Hội nghị đã thông qua những vấn đề hết sức quan trọng của đất nước. Đặc biệt, tại Hội nghị lần này, Trung ương đã mở rộng phạm vi xây dựng, chỉnh đốn không chỉ trong Đảng, mà còn cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cùng với ngăn chặn, đẩy lùi là chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực...

“Tôi rất tâm đắc việc gắn phòng, chống “tiêu cực” với phòng, chống tham nhũng bởi “tiêu cực”rất nguy hiểm. Nó là sự khởi đầy của suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống rồi dẫn đến tham nhũng”, bà Nguyễn Thị Minh Hương khẳng định.

Hiện, Hội Liên hiệp Phụ nữViệt Nam cũng đang quán triệt quan điểm này trong xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Theo đó, giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức, lối sống tiếp tục là nội dung quan trọng trong phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tiếp theo; đồng thời xác định các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "tiêu cực" sát hợp với tình hình mới.

Phát hiện, xử lý hành vi tiêu cực từ cơ sở

Trong thời gian qua mặc dù đã có rất nhiều vụ việc, vụ án lớn đã được phát hiện, nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, có người bị truy cứu trách nhiệm hình sự đã phần nào làm cho nhân dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng đã được đẩy lùi do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.

Tuy nhiên, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biển hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách triệt để, thậm chí còn có những biểu hiện diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây lên những hậu quả khôn lường.

Luật sư Hà Huy Từ, Công ty Luật Hà Huy, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, việc bổ sung từ “tiêu cực” trong cụm từ “đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực” có ý nghĩa hết sức quan trọng, kịp thời và rất đúng, được toàn Đảng, toàn dân đồng tình ủng hộ; đồng thời, mở rộng phạm vi hoạt động của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực.

Điều này khẳng định rằng Đảng ta đã coi tiêu cực là những hành vi hết sức nguy hiểm, làm mất đi sự trong sạch của bộ máy Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Vì thế, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực là hết sức quan trọng, là công việc thường xuyên, liên tục phải làm để làm trong sạch bộ máy của Đảng.

“Hành vi tiêu cực là nguyên nhân, điều kiện dẫn tới tham nhũng, như buông lỏng quản lý, vi phạm quy định về quản lý kinh tế - xã hội. Vì thế, việc bổ sung từ “tiêu cực” trong cụm từ “đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực” còn có ý nghĩa nếu làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực thì sẽ hạn chế hiện tượng tham nhũng vì tham nhũng và tiêu cực có liên quan chặt chẽ với nhau”, Luật sư Hà Huy Từ chia sẻ. 

Về tổng thể, đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, là bước tiến mới trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đảng ta đã trang bị cho các cơ quan chức năng một công cụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rất hiệu quả, có thể xem đây là “tấm lưới thép” giăng ra bắt được tất cả các loại “cá”, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. 

Theo Bí thư Đảng ủy phường Xuân Tảo Nguyễn Xuân Long, điều đặc biệt là cần chú trọng hơn nữa trong đổi mới phương thức điều hành của bộ máy hành chính; thường xuyên thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trong việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị và địa phương; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, sai phạm trong thực thi công vụ.

Mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là cấp cơ sở cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều này sẽ tạo tiền đề và có tác động tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc; kiên quyết đấu tranh, xử lý thật nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…

Đỗ Bình (TTXVN)